Bắc Ninh: OCOP là động lực phát triển kinh tế nông thôn

OCOP của tỉnh Bắc Ninh được triển khai từ năm 2018 đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương về các sản phẩm đặc sản, làng nghề gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu.

2023-11-24-ocop-bac-ninh_ruby.jpg
Nhấp chuột để xem kích thước chuẩn.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Bắc Ninh được triển khai từ năm 2018 đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương về các sản phẩm đặc sản, làng nghề gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu, văn hóa truyền thống nhằm gia tăng giá trị sản phẩm.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt 102 sản phẩm của 40 chủ thể tham gia Chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh năm 2023.

Các sản phẩm chủ yếu thuộc các lĩnh vực như lương thực, thực phẩm, dược liệu, đồ uống, đồ thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng… Các địa phương có nhiều sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm nay, gồm: Thị xã Quế Võ (23 sản phẩm của 8 chủ thể); thành phố Từ Sơn (18 sản phẩm của 5 chủ thể); thị xã Thuận Thành (13 sản phẩm của 6 chủ thể); huyện Tiên Du (12 sản phẩm của 5 chủ thể); thành phố Bắc Ninh (12 sản phẩm của 4 chủ thể)…

Tỉnh Bắc Ninh đặt ra mục tiêu giai đoạn 2022-2025 được công nhận ít nhất 200 sản phẩm OCOP, trong đó 2 sản phẩm trở lên đạt chất lượng 5 sao; xây dựng 3 mô hình thí điểm sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng gắn với hình thành phát triển chuỗi sản phẩm OCOP.

Ngoài ra, nhằm phát triển đa dạng các loại hình sản phẩm du lịch để thu hút du khách, Bắc Ninh đang triển khai Đề án Xây dựng thí điểm Sản phẩm OCOP về du lịch tỉnh giai đoạn 2023-2025. Theo đó, bước đầu, tỉnh xây dựng thí điểm Sản phẩm OCOP gắn với du lịch cộng đồng tại làng Gốm Phù Lãng (thị xã Quế Võ), Làng tranh Dân gian Đông Hồ (thị xã Thuận Thành) và Làng Quan họ cổ Viêm Xá (còn gọi là làng Diềm, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục