Bắc Ninh thu hút 182 dự án FDI đăng ký cấp mới trong 7 tháng

Tính từ đầu năm đến ngày 20/7, tỉnh Bắc Ninh thu hút được 182 dự án FDI đăng ký cấp mới, tăng 124 dự án so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký mới đạt gần 769 triệu USD (tăng hơn 630 triệu USD).
Bắc Ninh thu hút 182 dự án FDI đăng ký cấp mới trong 7 tháng ảnh 1Sản xuất các loại loa và tai nghe điện thoại di động tại nhà máy của Công ty TNHH Điện tử Foster (doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của Nhật Bản) tại Khu Công nghiệp Đô thị và Dịch vụ VSIP Bắc Ninh. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tình hình kinh tế-xã hội của Bắc Ninh 7 tháng qua vẫn có nhiều điểm sáng.

Số liệu của Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh cho thấy tình hình sản xuất có dấu hiệu phục hồi, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) từ tháng 3 đến nay tháng sau cao hơn tháng trước, trong đó tháng Bảy có tốc độ tăng cao nhất - tăng 23,84% so với tháng Sáu.

Về thu hút đầu tư trong nước, trong tháng 7, tỉnh cấp đầu tư cho 3 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 1.033 tỷ đồng; cấp điều chỉnh cho 10 dự án đầu tư.

Tính từ đầu năm đến 20/7, toàn tỉnh đã cấp mới đăng ký đầu tư cho 12 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 3.344 tỷ đồng; cấp đăng ký đầu tư điều chỉnh cho 57 dự án đầu tư, trong đó có 14 dự án điều chỉnh vốn với tổng số vốn điều chỉnh giảm 933 tỷ đồng (trong đó 8 dự án tăng vốn 584 tỷ đồng; 6 dự án giảm vốn 1.552 tỷ đồng); thực hiện thu hồi 16 dự án với tồng số vốn đầu tư là 64 tỷ đồng.

Lũy kế đến ngày 20/7, Bắc Ninh cấp 1.540 dự án đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh đạt 255.580 tỷ đồng.

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong tháng 7, Bắc Ninh cấp mới đăng ký đầu tư cho 43 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 198 triệu USD (trong đó có 1 dự án lớn đó là dự án của Singapore đầu tư vào ngành sản xuất thiết bị bán dẫn với số vốn là 90 triệu USD); điều chỉnh vốn cho 14 dự án với số vốn điều chỉnh tăng là 27 triệu USD; chấm dứt hoạt động 2 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 14 triệu USD.

Tính từ đầu năm đến ngày 20/7, toàn tỉnh đã thu hút được 182 dự án FDI đăng ký cấp mới (tăng 124 dự án) so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký mới đạt gần 769 triệu USD (tăng hơn 630 triệu USD).

[Bắc Ninh: Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 cao nhất từ đầu năm]

Ngoài ra, tỉnh đã điều chỉnh vốn cho 88 dự án (tăng 16 dự án), với số vốn điều chỉnh tăng là hơn 352 triệu USD (giảm 1.148 triệu USD); góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp 33 lượt (tăng 12 lượt) với giá trị là 16,5 triệu USD (giảm 15,4 triệu USD).

Bắc Ninh thu hồi 26 dự án (giảm 2 dự án) với tổng vốn đầu tư gần 63 triệu USD (giảm hơn 17 triệu USD).

Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 1.975 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp đạt 24,4 tỷ USD.

Để thu hút các nhà đầu tư, Bắc Ninh tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược; hoàn thiện quy hoạch tỉnh và các quy hoạch liên quan; chuẩn bị sẵn sàng về nguồn nhân lực, mặt bằng.

Bắc Ninh đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp VSIP 2, Yên Phong 2A, Yên Phong 2C, Thuận Thành 1, Gia Bình 1, Gia Bình 2 và các cụm công nghiệp theo quy hoạch; cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao hiệu quả quản lý dự án sau đầu tư, với nhiều kế hoạch xúc tiến doanh nghiệp năm 2023 được tỉnh kỳ vọng là năm đột phá thu hút đầu tư.

Bắc Ninh thu hút 182 dự án FDI đăng ký cấp mới trong 7 tháng ảnh 2Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Trước đó, chiều 30/7, trong chương trình thăm, làm việc tại tỉnh Bắc Ninh để đánh giá tình hình, kết quả phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh thời gian qua và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới; giải quyết một số kiến nghị của Bắc Ninh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng trước mắt, tỉnh Bắc Ninh cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội tập trung cho 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu, cùng với thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Tỉnh cần làm tốt công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch tỉnh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng kết nối; cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, giảm phiền hà, chi phí, thời gian, công sức cho người dân; đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; chuyển tư duy phát triển nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp; quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường hiệu quả./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục