Bắc Ninh: Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 cao nhất từ đầu năm

Hoạt động sản xuất công nghiệp của Bắc Ninh tăng tháng thứ 5 liên tiếp và là tháng có mức tăng cao nhất từ đầu năm đến nay, với 23,84% do các doanh nghiệp trọng điểm đã vào chu kỳ tăng cường sản xuất.
Bắc Ninh: Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 cao nhất từ đầu năm ảnh 1Dây chuyền kiểm tra bảng mạch điện tử tại một doanh nghiệp của Hàn Quốc tại Khu công nghiệp Yên Phong. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh, tháng 7/2023, hoạt động sản xuất công nghiệp tăng tháng thứ 5 liên tiếp và là tháng có mức tăng cao nhất từ đầu năm đến nay, với 23,84%, mặc dù so với cùng tháng năm trước vẫn giảm 3,19%.

Chỉ số Sản xuất Công nghiệp (IIP) tháng 7 có xu hướng phục hồi tốt nhưng vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu thị trường trong và ngoài nước vẫn ở mức thấp, đây cũng là thách thức đối với lĩnh vực sản xuất các sản phẩm xuất khẩu, nhất là sản phẩm công nghiệp trọng điểm của tỉnh.

Tỉnh Bắc Ninh có 15/24 ngành công nghiệp cấp 2 có mức tăng, trong đó điểm sáng là ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (là ngành chủ lực) tăng trưởng cao nhất (28,69%).

Ngoài ra, một số ngành khác có chỉ số sản xuất tăng cao như ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị); ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; ngành sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy.

Ở chiều ngược lại, tỉnh vẫn có 9/24 ngành cấp 2 có chỉ số sản xuất giảm so với tháng trước như ngành sản xuất thiết bị điện; ngành sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre nứa; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác...

So với cùng kỳ năm trước, chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp giảm 3,19%, do có đến 16/24 ngành cấp 2 có chỉ số sản xuất giảm, nhưng lại có 8 ngành công nghiệp cấp 2 có chỉ số tăng.

Về sản phẩm công nghiệp, trong tháng 7, sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc hơn so với tháng trước.

Tỉnh có 17/23 sản phẩm chủ yếu có mức tăng, trong đó có 4/6 sản phẩm trọng điểm của tỉnh (gồm máy in; điện thoại thông minh; đồng hồ thông minh và linh kiện điện tử), do các doanh nghiệp trọng điểm thuộc khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã vào chu kỳ tăng cường sản xuất nên nhiều sản phẩm trọng tâm tăng mạnh so với tháng trước.

Đặc biệt, các doanh nghiệp sản xuất điện thoại di động, sản xuất dòng sản phẩm mới để ra mắt thị trường vào tháng 8 này nên sản lượng sản xuất của dòng điện thoại thông minh trên 10 triệu tăng cao so với tháng trước.

[Thủ tướng: Bắc Ninh phải tận dụng tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội]

Tính chung 7 tháng, IIP toàn tỉnh giảm 16,62% so với cùng kỳ năm trước (cải thiện được 1,77% so với 6 tháng) và đây là mức giảm nhiều nhất trong 5 năm qua.

Tính chung 7 tháng, do các đơn đặt hàng cũng như khối lượng sản xuất giảm nên có 14/23 sản phẩm công nghiệp của tỉnh có mức giảm so với cùng kỳ, trong đó cả 6 sản phẩm trọng điểm của tỉnh đều bị giảm. Ngược lại, chỉ có 9 sản phẩm có mức tăng.

Trước đó, Cục Thống kê tỉnh cũng đã đưa ra dự báo kết quả và xác định cập nhật hai kịch bản tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong 6 tháng cuối năm.

Một là, trong trường hợp tăng trưởng 6 tháng cuối năm có chuyển biến tích cực hơn và tăng nhẹ (+1,01%) thì tính chung cả năm, GRDP tỉnh Bắc Ninh sẽ rơi vào tăng trưởng âm (-5,25%).

Hai là, kinh tế Bắc Ninh thoát được trạng thái suy thoái ngay từ quý 3 và có mức tăng trưởng khá; quý 4 tiếp tục tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước để cả năm 2023 có thể thoát khỏi tăng trưởng âm, đạt mức tăng 0%.

Bắc Ninh: Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 cao nhất từ đầu năm ảnh 2Dây chuyền sản xuất bản mạch điện tử tại Công ty TNHH Nexcon Việt Nam, vốn đầu tư của Hàn Quốc tại Bắc Ninh. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Theo Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh, để thực hiện thành công các mục tiêu kinh tế-xã hội năm 2023, trong đó có mục tiêu tăng trưởng GRDP, các sở, ban, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm các giải pháp về những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023. Trong đó có 3 giải pháp cụ thể.

Thứ nhất, để thúc đẩy xuất khẩu, các doanh nghiệp phải tiếp cận được nguồn vốn nhằm giúp họ đủ năng lực về tài chính để chống đỡ khó khăn, đồng thời bám sát nhu cầu thị trường thế giới để duy trì đẩy mạnh tăng trưởng.

Thứ hai, cần phải đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đúng theo kế hoạch đề ra. Nếu vốn đầu tư công đạt được kế hoạch đề ra, tốc độ tăng trưởng mới bứt phá được.

Thứ ba, tích cực triển khai các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư nhất là đầu tư FDI, cũng như chú trọng đầu tư cơ sở, vật chất hạ tầng nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục