Bài 1: Tuyển sinh đại học: Việt Nam đang thực hiện “không giống ai”?

Đổi mới tuyển sinh đại học: Chờ trung tâm khảo thí độc lập

Theo các chuyên gia, việc hình thành các trung tâm khảo thí độc lập là cần thiết để hạn chế việc thí sinh phải thi quá nhiều kỳ thi đồng thời tạo thuận lợi cho các trường trong công tác xét tuyển.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)
Thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Đa dạng phương thức tuyển sinh đang trở thành xu hướng ngày càng phát triển của các trường đại học trong những mùa tuyển sinh gần đây. Mỗi năm, lại thêm các trường đại học mới tổ chức các kỳ thi riêng, thêm trường bổ sung phương thức xét tuyển mới.

Theo báo cáo của phó giáo sư Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại Hội nghị Tuyển sinh đại học 2023 do bộ tổ chức sáng nay, ngày 3/3, hiện có hơn 20 phương thức xét tuyển đại học. Số kỳ thi riêng (không kể các kỳ thi năng khiếu) được các cơ sở đào tạo công bố sẽ thực hiện trong mùa tuyển sinh năm 2023 là 9 kỳ thi.

Nhiều ý kiến cho rằng việc đa dạng phương thức xét tuyển đại học mở thêm cơ hội cho thí sinh nhưng đồng thời cũng tạo thêm áp lực cho các em, gây tốn kém xã hội trong khi hiệu quả của nhiều phương thức không cao.

Báo cáo của Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy cũng cho thấy có trên 200 lượt phương thức xét tuyển đại học không có thí sinh đăng ký, trên 100 lượt phương thức xét tuyển rất ít lượt thí sinh đăng ký. Nhiều phương thức tỷ lệ thí sinh nhập học rất thấp, chiếm dưới 0,1% so với tổng chỉ tiêu, đặc biệt có phương thức không có thí sinh nhập học như phương thức xét tuyển qua phỏng vấn.

“Việc quá nhiều phương thức xét tuyển không hiệu quả gây nhiễu loạn thông tin cho hệ thống và xã hội,” bà Thủy cho hay khi nói về những tồn tại, hạn chế của tuyển sinh đại học. Theo đó, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho rằng các trường cần xem xét lại để loại bỏ bớt phương thức xét tuyển không hiệu quả.

Tại hội nghị tuyển sinh các năm 2020, 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều đề cập đến định hướng thành lập các trung tâm khảo thí độc lập, tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực thí sinh và kết quả có thể dùng để xét tuyển chung cho các trường. Theo các chuyên gia, việc hình thành các trung tâm khảo thí độc lập là cần thiết để hạn chế việc thí sinh phải thi quá nhiều kỳ thi, tiết kiệm chi phí đồng thời tạo thuận lợi cho các trường trong công tác xét tuyển. Tuy nhiên, việc thành lập trung tâm khảo thí độc lập cũng nhiều thách thức.

Vấn đề này sẽ được đề cập sâu hơn trong chùm bài: “Đổi mới phương thức tuyển sinh đại học: Chờ trung tâm khảo thí độc lập."

Bài 1: Tuyển sinh đại học: Việt Nam đang thực hiện “không giống ai”?

Hàng loạt trường đại học đã công bố phương án tuyển sinh đại học năm 2023. Theo đó, tất cả các trường đều sử dụng nhiều phương án xét tuyển khác nhau và nhiều trường bổ sung phương thức xét tuyển mới, thêm các kỳ thi mới. Hiện đã có khoảng 20 phương thức tuyển sinh với 9 kỳ thi tuyển sinh riêng, có ý kiến cho rằng cách tuyển sinh của Việt Nam “không giống ai”, gây áp lực cho thí sinh, chưa đảm bảo công bằng và cần phải có sự rà soát, điều chỉnh.

Trường mở phương thức mới

Theo công bố của Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội và Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2023, hai trường sẽ lần đầu tiên tổ chức các kỳ thi tuyển sinh riêng để xét tuyển đại học, nâng tổng số đơn vị tổ chức thi riêng lên 9 kỳ thi. Trước đó, năm 2022, đã có 7 kỳ thi tuyển sinh riêng được tổ chức bởi các đơn vị gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Việt Đức, Đại học Bách khoa Hà Nội và Cục Đào tạo (Bộ Công an, tuyển sinh vào khối trường của Bộ Công an)..

Đổi mới tuyển sinh đại học: Chờ trung tâm khảo thí độc lập ảnh 1Thí sinh dự thi đánh giá tư duy tại Đại học Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Bên cạnh phương thức thi tuyển sinh riêng, các trường này vẫn sử dụng song song nhiều phương án xét tuyển khác. Với Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, kỳ thi riêng chỉ là một trong 5 phương thức xét tuyển, các phương thức còn lại là xét tuyển thẳng, xét tuyển theo kết quả học tập bậc trung học phổ thông, xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét học bạ kết hợp phỏng vấn. Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội ngoài thi tuyển còn có phương thức xét tuyển thẳng và xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Thêm phương án tuyển sinh cũng là xu hướng của nhiều trường. Đại học Điện lực lần đầu tiên xét tuyển dựa trên chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp với học bạ hoặc điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Đại học Huế lần đầu tiên sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Sư phạm Hà Nội để tuyển sinh. Đại học Mở Hà Nội cũng cho biết có thêm phương án xét tuyển bằng điểm bài thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Thông tin từ các trường đại học có tổ chức kỳ thi riêng cho thấy số lượng trường đăng ký sử dụng kết quả đang tăng lên. Hiện đã có 7 trường sư phạm đăng ký sử dụng điểm kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Sư phạm Hà Nội. Số trường sử dụng điểm kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã lên đến 87 trường và dự kiến sẽ vượt con số 90 trường.

Thí sinh học tăng ca

Các trường có thêm nhiều phương thức xét tuyển đồng nghĩa với số cánh cửa vào đại học của thí sinh tăng lên, các em có nhiều cơ hội hơn và cũng nỗ lực nhiều hơn để có thể gõ được nhiều cánh cửa nhất có thể.

Đổi mới tuyển sinh đại học: Chờ trung tâm khảo thí độc lập ảnh 2Thêm kỳ thi là có thêm cơ hội nhưng các sỹ tử cũng phải tăng cường ôn luyện nhiều hơn vì các kỳ thi có định hướng khác nhau. (Ảnh: Thanh Hương/TTXVN)

Một ngày của Đào Ngọc Duy Anh, học sinh Trường Trung học phổ thông May (Hoàng Mai, Hà Nội) bắt đầu từ 6 giờ sáng, tất tả đến trường, sau đó là các lớp học thêm, ăn uống vội vàng giữa các ca học, về nhà khi đã 21 giờ 30 và tiếp tục tự luyện các bộ đề đến khoảng 1 giờ sáng. “Ngày hôm sau em lại tiếp tục guồng quay học tập như thế. Thỉnh thoảng, em cũng mệt mỏi lắm,” Duy Anh chia sẻ. Tháng Ba này, Duy Anh sẽ dự thi IELTS để lấy điểm xét tuyển vào các trường đại học như một phương thức xét tuyển sớm.

[Bộ GD-ĐT đề nghị các trường đại học loại bớt phương thức xét tuyển]

Trần Anh Huy, học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội) cũng đang căng sức ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và bài thi kiểm tra tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội. Anh Huy cho hay mỗi kỳ thi có định hướng riêng, bài thi đánh giá năng lực có ma trận đề rộng với ba phần: định lượng, định tính và khoa học xã hội, còn bài thi tư duy nặng về toán là logic. “Đề mẫu có lượng kiến thức rộng khiến em khá hoang mang”, Huy chia sẻ.

Lo lắng nên Huy phải tranh thủ cả giờ ra chơi ngắn ngủi để ôn luyện cùng cô bạn Nguyễn Phương Linh. Linh cho hay đề không chỉ ra vào kiến thức sách vở mà còn cả kiến thức thực tế nên càng khó khăn hơn trong ôn tập, nhất là khí thế mạnh của em là toán nhưng phải ôn luyện cả những môn xã hội, lĩnh vực vốn không phải sở trường.

Theo thầy Vũ Công Tuyển, Trường Trung học phổ thông May, tâm lý thí sinh thường sẽ muốn tham gia nhiều kỳ thi, vừa để tăng cơ hội, vừa để trải nghiệm, kiểm tra kiến thức xem mình còn hổng ở đâu, từ đó có định hướng tập trung ôn luyện khi bước vào giai đoạn cuối.

Đổi mới tuyển sinh đại học: Chờ trung tâm khảo thí độc lập ảnh 3Tỷ lệ thí sinh nhập học theo các phương thức xét tuyển. (Nguồn: Bộ GD-ĐT)


"Xếp lốt" nhiều cửa nên dù theo thống kê của các đơn vị tổ chức thi, tổng số lượt thí sinh tham gia các kỳ thi riêng năm 2022 khoảng 200.000 lượt, chiếm tỷ lệ khoảng 20% so với tổng số thí sinh, nhưng thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy tỷ lệ thí sinh nhập học bằng phương thức xét tuyển này rất khiêm tốn, chỉ 2,46% trên tổng số thí sinh nhập học vào các trường. Cũng theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hàng loạt phương thức tuyển sinh có tỷ lệ xét tuyển rất thấp, chỉ dưới 1%, thậm chí 0%. Nhiều ý kiến cho rằng điều này gây lãng phí nguồn lực xã hội, thời gian, công sức, tài chính của thí sinh và phụ huynh.

Chưa đảm bảo công bằng?

Theo Tiến sỹ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học FPT, việc có gần 20 phương thức khiến thí sinh rối trí. Nhiều kỳ thi riêng mang lại cơ hội nhiều hơn cho thí sinh nhưng là cơ hội chưa đồng đều.

Phân tích cụ thể hơn, ông Tùng cho hay hiện chỉ có hai đại học quốc gia tổ chức kỳ thi riêng ở nhiều điểm thi, tuy nhiên cũng chỉ “phủ sóng” được một góc rất nhỏ của bản đồ Việt Nam, còn đa số các kỳ thi riêng đều có điểm thi hạn chế. Điều này khiến những thí sinh ở nông thôn, miền núi, hải đảo, xa các điểm thi sẽ không thể dự thi hoặc phải tốn nhiều chi phí, từ đi lại, ăn ở. Các chi phí này cộng với lệ phí dự thi cao khiến cho cơ hội của thí sinh vùng khó càng giảm.

Đổi mới tuyển sinh đại học: Chờ trung tâm khảo thí độc lập ảnh 4Việc phải khăn gói đến các thành phố để dự thi là một khó khăn với thí sinh khu vực nông thôn, miền núi. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Theo ông Tùng, điều này ở góc độ nào đó vi phạm điểm b, khoản 1, Điều 4 của Thông tư 08 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng sư phạm mầm non, trong đó có quy định nguyên tắc công bằng trong tuyển sinh: không thí sinh nào bị mất cơ hội dự tuyển do quy trình tuyển sinh gây phiền hà, tốn kém.

“Các trường có thể có nhiều phương thức nhưng thí sinh nào có cơ hội tiếp cận nhiều phương thức hơn rõ ràng sẽ có lợi thế hơn,” Tiến sỹ Lê Trường Tùng nói.

Năm học này, cả trường Trung học phổ thông Na Hang, một huyện miền núi của tỉnh Tuyên Quang, chỉ có duy nhất một học sinh đăng ký dự thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội. “Để di chuyển từ một huyện miền núi đến các thành phố lớn dự thi Đánh giá năng lực là một thách thức lớn với em và các bạn vì xa xôi và tốn kém”, Trần Huyền My, học sinh Trường Trung học phổ thông Na Hang nói.

Trường Trung học phổ thông Chiêm Hóa (Tuyên Quang) cũng chỉ có duy nhất một học sinh là em Nguyễn Xuân Trường đăng ký thi chứng chỉ quốc tế IELTS để xét tuyển theo phương thức sử dụng chứng chỉ này, nhưng Trường hoàn toàn phải tự ôn thi qua các tài liệu trên Internet vì các trung tâm luyện thi ở quá xa.

“Ngày càng nhiều trường sử dụng điểm các kỳ thi riêng với chỉ tiêu ngày càng tăng là thiệt thòi với học trò miền núi,” thầy Đỗ Phú Cường, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Na Hang chia sẻ.

Thí sinh vùng sâu, vùng xa sẽ hạn chế hơn trong khả năng tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực cũng là nhận định của Giáo sư Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Theo Giáo sư Nguyễn Đình Đức, trong bối cảnh kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông ngày càng giảm độ phân hóa, các trường đại học phải có phương thức tuyển sinh thay thế, trong đó có tổ chức thi riêng. Tuy nhiên cũng không thể dùng quá nhiều phương thức xét tuyển. Việc mỗi trường có phương thức tuyển sinh riêng nảy sinh vất vả, khó khăn cho người học khi muốn đăng ký vào nhiều trường, các em phải làm nhiều bài thi. Bên cạnh đó, nhiều kỳ thi với nhiều phương thức xét tuyển sẽ gây khó khăn trong luân chuyển sinh viên giữa các cơ sở giáo dục khi không có sự tương đồng về thang đo chất lượng đầu vào.

“Tôi cho rằng cần phải đổi mới căn bản phương thức xét tuyển đại học, phải có những kỳ thi đánh giá năng lực tổ chức bởi các trung tâm khảo thí uy tín,” ông Đức nói.

Không nên có quá nhiều kỳ thi, nhiều phương thức tuyển sinh cũng là quan điểm của Tiến sỹ Lê Đông Phương, Viện Nghiên cứu Giáo dục Việt Nam. Theo ông Phương, đa phương thức như hiện nay là quá nhiều, số kỳ thi tuyển sinh riêng mỗi năm một tăng. “Nhiều kỳ thi sẽ kéo theo chi phí xã hội rất lớn. Tôi cho rằng cần đánh giá lại, có biện pháp mang tính pháp lý để khống chế, can thiệp để học sinh có thể dùng 1-2 kỳ thi để xét tuyển vào tất cả các trường,” Tiến sỹ Lê Đông Phương đề xuất.

Theo Tiến sỹ Lê Đông Phương, việc các trường đại học tự tổ chức thi tuyển sinh như ở Việt Nam là khá khác lạ so với quốc tế khi ở nhiều nước, tổ chức khảo thí là đơn vị độc lập, trường đại học không tham gia vào quá trình này mà chỉ sử dụng kết quả để xét tuyển.

Trên thực tế, tại Việt Nam, việc hình thành các trung tâm khảo thí độc lập cũng đã được các trường đại học Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiều lần đề cập, tuy nhiên vẫn rơi vào chìm lắng.

Bài 2: Hàng loạt rào cản khi thành lập trung tâm khảo thí độc lập

Bài 3: Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Trung tâm khảo thí độc lập tự hình thành

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục