Bài 2 - Giờ G sắp điểm: Các ngân hàng đồng loạt kêu cứu

Nếu các ngân hàng cổ phần tư nhân đã có những nỗ lực và ghi nhận nhiều thành công thời gian qua thì các ngân hàng lớn ngoại trừ Vietcombank vẫn đang "trầy trật" để tăng vốn.

Chính vì phải áp dụng theo Thông tư 41 mà hiện nay nhiều ngân hàng đang như ngồi trên “đống lửa” và chưa khi nào câu chuyện tăng vốn của các ngân hàng, đặc biệt là khối ngân hàng có vốn Nhà nước lại trở nên bức thiết như hiện nay.

Nếu các ngân hàng cổ phần tư nhân đã có những nỗ lực và ghi nhận nhiều thành công thời gian qua thì các ngân hàng lớn ngoại trừ Vietcombank vẫn đang "trầy trật" để tăng vốn.

Phân hóa ngân hàng ngày càng rõ nét

Để các ngân hàng tăng cường tính minh bạch trong hoạt động, từ tháng 2/2016 Ngân hàng Nhà nước đã cho thí điểm 10 ngân hàng gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, MB, Sacombank, ACB, Techcombank, VPBank, VIB và MSB áp dụng Basel II áp dụng theo lộ trình Basel II và hạn là đến năm 2018 các ngân hàng này phải hoàn thành.

Tuy nhiên, trước áp lực về việc nâng cao vốn tự có gặp nhiều khó khăn, thời hạn áp dụng Basel II cho nhóm ngân hàng thí điểm đã được lùi về cuối năm 2019.

[Cuộc chiến “khốc liệt” của các ngân hàng tăng vốn đáp ứng Basel II]

Tính đến thời điểm này, trong số 10 ngân hàng trên đã có 7 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước công nhận đáp ứng đủ theo tiêu chuẩn Basel II là Vietcombank, VIB, ACB, VPBank,  MB và  mới đây nhất có thêm Techcombank, MSB đã hoàn thành trước thời hạn. Bên cạnh đó, có thêm 2 ngân hàng không nằm trong chương trình thí điểm là TPBank và OCB cũng đã được Ngân hàng Nhà nước công nhận đạt chuẩn.

Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng Giám đốc VIB cho biết, để được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho áp dụng sớm Basel II, VIB phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống chính sách quản trị rủi ro, cơ sở dữ liệu, bộ máy nhân sự và kế hoạch vốn… Kết quả triển khai thành công Basel II đã giúp VIB đưa ra các chiến lược kinh doanh và hoạch định tốt chính sách khách hàng, sản phẩm, quản trị rủi ro và chính sách giá để tối ưu hóa vốn, tài sản có rủi ro.

TPBank tuy không nằm trong nhóm thí điểm này nhưng lại sớm chính thức đạt chuẩn quốc tế Basel II từ 1/5.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank chia sẻ, trước khi Ngân hàng Nhà nước đưa ra lộ trình áp dụng Basel II, TPBank cũng đã sớm xây dựng cơ chế quản trị rủi ro chặt chẽ nhằm đảm bảo các hoạt động của ngân hàng an toàn, minh bạch, ổn định. Những kinh nghiệm trong việc xây dựng cơ chế quản trị rủi ro nội bộ đã giúp ngân hàng sớm đáp ứng các yêu cầu về mặt kỹ thuật của việc tính toán hệ số an toàn vốn theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước và rất nhanh đạt chuẩn Basel II so với các ngân hàng trong cùng hệ thống.

“Đạt chuẩn Basel II sẽ giúp TPBank có nhiều thuận lợi hơn trong việc triển khai các mô hình kinh doanh mới, đem lại nhiều tiện ích cho khách hàng,” ông Hưng nhấn mạnh.

Với quy định này, hiện cũng chỉ còn 6 tháng nữa sẽ đến thời hạn 3 ngân hàng còn lại (gồm BIDV, VietinBank và Agribank) phải áp dụng chuẩn này theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, mặc dù chỉ còn 3 ngân hàng nhưng đây lại là 3 ngân hàng có tổng tài sản lớn và chiếm tới hơn 30% tổng tài sản của toàn hệ thống nên việc các nhà băng này chưa tăng được vốn cũng là nỗi lo lớn của ngành ngân hàng.

Với việc đáp ứng chuẩn mực Basel II, những nhà băng mới được công nhận sẽ có cơ chế “thoáng” hơn về room tín dụng vì đã đảm bảo tính an toàn, quản trị rủi ro cao và minh bạch thông tin.

Hồi đầu năm các ngân hàng chỉ được giao chỉ tiêu từ 14-15% thì đến nay VIB, TPBank, MB đã được tăng lên 20%.

Còn Vietcombank và OCB dù đã đạt chuẩn Basel II, nhưng trong năm nay lại dè dặt đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 15%, nhỉnh hơn mặt bằng chung một chút.

Bài 2 - Giờ G sắp điểm: Các ngân hàng đồng loạt kêu cứu ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: CTV)

Đồng loạt kêu cứu

VietinBank và BIDV là hai ngân hàng có nhu cầu cấp thiết nhất trong việc tăng vốn để cải thiện CAR, hai năm gần đây đều phải chia cổ tức bằng tiền mặt theo chỉ định của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính do liên quan đến kế hoạch thu chi ngân sách.

Các tờ trình về chia cổ tức của 2 nhà băng này tại mỗi mùa Đại hội cổ đông đều phải đưa phương án “nước đôi” bằng tiền hoặc cổ phiếu, sau đó chốt phương án thực hiện theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước - cổ đông lớn nhất. Và kết quả đều phải trả cổ tức bằng tiền.

Diễn biến trên đặt BIDV và VietinBank vào thế khó trong nhiều năm qua. Trong khi BIDV mới đây đã tìm được cổ đông chiến lược KEB Hana - một ngân hàng Hàn Quốc để phát hành riêng lẻ 15% vốn điều lệ tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc phát sinh nên ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV kiến nghị trước mắt tháo gỡ các điều kiện ràng buộc nhà đầu tư nước ngoài để BIDV có thể hoàn tất giao dịch bán vốn trong thời gian sớm nhất.

Bài 2 - Giờ G sắp điểm: Các ngân hàng đồng loạt kêu cứu ảnh 2VietinBank đã cạn room cho nhà đầu tư nước ngoài

Trong khi đó, VietinBank vẫn phải đang loay hoay tìm hướng đi. Từ năm 2014 tới nay, VietinBank không được bổ sung thêm vốn điều lệ và hiện là ngân hàng có tiến độ tăng vốn điều lệ chậm nhất trong số các ngân hàng thương mại Nhà nước. Chính vì vậy, năm 2018, VietinBank chỉ tăng trưởng tín dụng được 6% (mức tăng trưởng thấp nhất đối với VietinBank trong hơn 10 năm trở lại đây).

Từ đầu năm 2019 đến nay, thậm chí ngân hàng này còn không thể tăng trưởng tín dụng, ảnh hưởng rất lớn đến khả năng đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, tác động trực tiếp tới kết quả kinh doanh của ngân hàng và nguồn thu Ngân sách Nhà nước.

“Do đó, tăng vốn là yêu cầu cấp bách và là khó khăn nhất của VietinBank trong giai đoạn 2014-2019, tác động trực tiếp tới kết quả kinh doanh của VietinBank. Tăng trưởng tín dụng ở mức thấp do các giới hạn về vốn tự có sẽ ảnh hưởng tới việc đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế và tham gia tài trợ vốn cho các dự án quan trọng của đất nước, ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng kinh tế và nguồn thu ngân sách Nhà nước,” ông Thọ chia sẻ.

Còn với Agribank, do chậm cổ phần hóa nên hiện nhà băng này có mức vốn điều lệ thấp nhất trong nhóm 4 “ông lớn ngành ngân hàng”, chỉ vào khoảng 30.770 tỷ đồng.

Ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank nhấn mạnh:
 “Nếu không được bổ sung vốn điều lệ trong năm 2019, ngân hàng không đáp ứng đủ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu. Chưa kể, điều đó còn ảnh hưởng tới uy tín và khả năng mở rộng tín dụng cấp cho nền kinh tế.”

Việc tăng vốn của nhà băng này có lẽ sẽ gắn chặt với tiến trình cổ phần hóa nhưng tiến trình này cũng đang gặp phải nhiều khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là vấn đề định giá doanh nghiệp. Bên cạnh đó, theo ông Trịnh Ngọc Khánh, Agribank là ngân hàng 100% vốn Nhà nước cuối cùng triển khai cổ phần hóa, nên việc tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài sẽ khó khăn.

Vietcombank có lẽ là ngân hàng “ấm nhất” vì hồi đầu tháng Ba, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có quyết định để Vietcombank nâng vốn điều lệ thêm 1.100 tỷ đồng lên hơn 37.000  tỷ đồng sau khi Mizuho của Nhật mua cổ phần để đảm bảo duy trì tỷ lệ sở hữu 15% vốn điều lệ và GIC của Singapore mua 2,55% cổ phần Vietcombank hồi cuối năm 2018.

Tuy nhiên, đây chỉ là một phần trong kế hoạch tăng vốn mà Vietcombank ấp ủ trong nhiều năm vừa qua. Vietcombank dự kiến sẽ tiếp tục tăng vốn sau nhiều lần đề xuất xin được giữ lại lợi nhuận, giữ lại thặng dư và chi trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn chưa được chấp thuận.

Còn đối với các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân cũng không nằm ngoài ngoại lệ này. Và trong mùa đại hội cổ đông vừa qua các nhà băng đều công bố chia cổ tức ở mức cao bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu thưởng, thậm chí có ngân hàng còn không chia cổ tức giữ lại để tăng vốn./.

Bài 3 - Áp lực tăng vốn: Nhiều ngân hàng đề xuất không chia cổ tức

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục