Cuộc chiến “khốc liệt” của các ngân hàng tăng vốn đáp ứng Basel II

Chuyên gia cho rằng một ngân hàng không đáp ứng được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8% trong một thời gian dài có thể bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.
Vietcombank là 1 trong 2 ngân hàng đáp ứng theo tiêu chuẩn Thông tư 41/2016/TT-NHNN sớm nhất.
Vietcombank là 1 trong 2 ngân hàng đáp ứng theo tiêu chuẩn Thông tư 41/2016/TT-NHNN sớm nhất.

Trong thời gian qua, ngành ngân hàng Việt Nam đã có nhiều cố gắng kiểm soát tốt lạm phát và các phát sinh khác nhưng vẫn có một loạt “lỗ hổng” dẫn đến xảy ra hàng loạt đại án như ở ACB, OceanBank, Ngân hàng Xây dựng, vụ án Huyền Như...

Chính vì vậy, nhằm làm lành mạnh ngành ngân hàng và an toàn hệ thống, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 41/2016/TT-NHNN về quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Mặc dù Thông tư 41 mới chỉ là khởi đầu của Basel II theo tiêu chuẩn quốc tế nhưng là là mốc quan trọng để các ngân hàng nâng mức quản trị rủi ro lên.

Các chuyên gia cho biết, hiện nay đa số các ngân hàng vẫn đang áp dụng Basel I trong hoạt động kinh doanh và cần phải áp dụng Basel II để nâng cao khả năng cạnh tranh lành mạnh và minh bạch của hệ thống, tránh sự bất ổn và biến động của thị trường.

Basel II yêu cầu các ngân hàng phải minh bạch hóa thông tin về tình trạng vốn và rủi ro của ngân hàng (bao gồm cơ cấu vốn, mức đầy đủ vốn, các trạng thái rủi ro tín dụng, hoạt động, thị trường) cho phép các nhà đầu tư, khách hàng, tổ chức xếp hạng tín nhiệm... đánh giá khả năng chịu đựng của ngân hàng trước các rủi ro, khả năng thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với người gửi tiền và nhà đầu tư.

Nhận thấy tầm quan trọng của Basel II và để nâng cao sự an toàn của hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra thí điểm 10 ngân hàng (gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, MB, Sacombank, ACB, Techcombank, VPBank, VIB và MSB) là đến năm 2020 các ngân hàng này phải có mức vốn tự có theo chuẩn mực Basel II. Đến 2025, tất cả ngân hàng thương mại (35 ngân hàng) áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn và nâng cao.

Do vậy, việc thực hiện không còn là sự lựa chọn có hay không mà chỉ là thời điểm sớm hay muộn phải làm.

Bài 1 - Áp lực tăng vốn đảm bảo tỷ lệ an toàn: Khắt khe nhưng phải chấp hành

Thông tư 41/2016/TT-NHNN về quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Một trong những điều quan trọng nhất  của Thông tư 41 là đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) ít nhất là 8%.

Các chuyên gia cho biết ngân hàng nào không bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu sẽ được Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.

Áp lực hệ số CAR

Phóng viên đã đặt câu hỏi tại sao CAR phải 8% mà không là con số khác, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ: “Tôi cũng đã từng đặt câu hỏi này với một số chuyên gia về tài chính ngân hàng trên thế giới, họ cho rằng con số 8% là kinh nghiệm thực tế về nợ xấu và họ nghĩ rằng con số 8% là hợp lý. Bắt buộc trong 100 đồng tài sản phải có ít nhất là 8 đồng của mình còn 92 đồng là đi vay ở ngoài.

Tuy nhiên, cho đến bây giờ vẫn chưa có một khảo sát khoa học nào tại các quốc gia cũng như với nhiều loại tín dụng cho là 8% là mức mà khoa học có thể xác định là mức an toàn nhất. Nói chung tất cả các nhà tài chính đều xem tỷ lệ 8% là tỷ lệ an toàn vốn hợp lý.”

[Sửa đổi về giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn của tổ chức tín dụng]

Hiện nay, đa số các ngân hàng vẫn đang áp dụng Thông tư 36/2014/TT-NHNN với  hệ số CAR là 9%. Sắp tới Thông tư 41 có hiệu lực các ngân hàng sẽ phải áp dụng hệ số CAR là 8% để tiệm cận với Basel II.

Ông Hiếu phân tích điểm đặc biệt của Thông tư 41 là cách tính tài sản có rủi ro rất khác so với Thông tư 36. Nếu như Thông tư 36 chỉ tập trung vào rủi ro tín dụng, thì theo yêu cầu của Thông tư 41, ngoài rủi ro tín dụng, ngân hàng phải tính cả tài sản có rủi ro về thị trường, tài sản có rủi ro hoạt động.

Ông Hiếu phân tích thêm, theo Thông tư 41 sẽ có 3 loại rủi ro: Thứ nhất là rủi ro cho vay ra có thể không thu hồi được; thứ hai, rủi ro hoạt động là ngân hàng không cho vay nhưng có thể nhân viên làm việc không đúng theo quy định nên làm thát thoát cho ngân hàng, gây rủi ro cho hệ thống; thứ ba, rủi ro về thị trường phần lớn là về lãi suất biến động, tỷ giá lên xuống... Chính vì vậy, Thông tư 36 mới chỉ tập trung vào cho vay, còn Thông tư 41 cộng thêm cả tài sản rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động nên làm phình mẫu số lên.

“Một khi mẫu số to lên mà vốn chủ sở hữu không tăng lên được thì sẽ đẩy vốn chủ sở hữu xuống rất thấp. Nếu các ngân hàng không kịp tăng vốn thì hệ số CAR sẽ xuống rất thấp và không đạt tiêu chuẩn,” ông Hiếu nhấn mạnh.

Vốn chủ sở hữu là nguồn vốn để “tậu” các tài sản cố định và dài hạn như đầu tư vào công nghệ thông tin, hạ tầng cơ sở… “Gối đệm” càng lớn thì càng có khả năng chống chọi được với thiệt hại, rủi ro và hoạt động kinh doanh càng phát triển. Vốn chủ sở hữu càng thấp càng rủi ro, bởi chỉ cần vài món nợ lớn là có thể mất hết vốn chủ sở hữu và chấm dứt sự tồn tại của ngân hàng. 

Ðó chính là lý do tỷ lệ an toàn vốn tính theo Thông tư 36 là 9%, nhưng theo Thông tư 41 sẽ giảm xuống 8%. Dù hiện tỷ lệ an toàn vốn của toàn hệ thống là trên 11%, song nếu tính đúng, tính đủ theo Thông tư 41 nhiều ngân hàng vẫn không đạt.

Cũng theo ông Hiếu, một ngân hàng không đáp ứng được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8% trong một thời gian dài có thể bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Nếu tỷ lệ xuống đến một mức rất thấp cũng có thể phải sáp nhập hoặc phá sản.

Mặc dù Thông tư 41 mới chỉ “phủ” được một phần các tiêu chuẩn của Basel II, nhưng để đáp ứng các quy định trong văn bản này, đòi hỏi nỗ lực không nhỏ của các nhà băng.

Cuộc chiến “khốc liệt” của các ngân hàng tăng vốn đáp ứng Basel II ảnh 1Hiện vẫn còn nhiều ngân hàng đang bị áp lực về tỷ lệ an toàn vốn. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Cần phải tăng tốc

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng Tư, CAR của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước hiện ở mức 9,61%, dù đã cải thiện nhẹ so với mức 9,52% hồi cuối năm ngoái nhưng vẫn đang thấp nhất hệ thống. Trong khi đó, CAR nhóm ngân hàng thương mại cổ phần giảm nhẹ từ mức 11,24% xuống còn 11,1%.

Nếu các ngân hàng này không nhanh chóng tăng được vốn điều lệ thì có thể ảnh hưởng đến sự an toàn hoạt động. Tuy nhiên, việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại Nhà nước không chỉ dựa vào sự cố gắng tự thân mà rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước trong việc thực hiện phương án nâng vốn điều lệ mà các ngân hàng đã xây dựng.

Tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng để làm tốt vấn đề này, các tổ chức tín dụng cần chú trọng 4 vấn đế: Thực hiện tốt nhất các quy định tại Thông tư 13/2018/TT-NHNN về quản lý rủi ro và kiểm soát nội bộ; khẩn trương làm giàu và xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) vừa là để chạy mô hình định lượng rủi ro, vừa là để triển khai ngân hàng số; kiện toàn và tổ chức theo đúng nghĩa của Basel II, nhất là tổ chức cho quản lý rủi ro và tuân thủ; đáp ứng đầy đủ về chuẩn an toàn vốn theo quy định.

Cũng theo ông Lực, hiện nay các tổ chức tín dụng vẫn chủ yếu thực hiện hệ số CAR theo Basel I, tức là bố trí vốn chủ sở hữu tương ứng đối với rủi ro tín dụng, còn chưa tính đến rủi ro thị trường và rủ ro hoạt động. Theo đó, hệ số CAR của các tổ chức tín dụng đến nay là 11,1% tính đến cuối tháng Tư  nhưng nếu áp dụng theo chuẩn Basel II con số này chỉ là 7-7,5% - thấp hơn nhiều so với bình quân của khu vực là 10-12%.

"Đây là vấn đề hệ trọng, bởi các tổ chức quốc tế cũng như các đối tác, mỗi khi đánh giá, phân tích về một ngân hàng, họ rất chú trọng hệ số CAR (chiếm khoảng 20-25% trọng số đánh giá). Trong khi đó, việc tăng vốn chủ sở hữu của các ngân hàng thương mại hết sức khó khăn, nhất là các ngân hàng thương mại có sở hữu Nhà nước chi phối," ông Lực phân tích.

Đồng tình với quan điểm trên, theo ông Hiếu, muốn đáp ứng Basel II không chỉ tăng vốn, các ngân hàng còn phải giảm tổng tài sản có rủi ro. Với những đặc thù này, thời gian còn lại các ngân hàng có thể gặp nhiều khó khăn trong việc tuân thủ trong Basel II./.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho biết các nhà tài chính trên thế giới đều xem tỷ lệ 8% là hợp lý:

Bài 2 - Giờ G sắp điểm: Các ngân hàng đồng loạt kêu cứu

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục