Bài 2: Không thể để doanh nghiệp đóng cửa, người lao động mất việc làm

Cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị cần tăng cường công tác truyền thông về gói hỗ trợ chính sách 26.000 tỷ đồng để người lao động có thể cập nhật nhanh nhất và kịp thời, tránh những bất cập.
Các doanh nghiệp xuất khẩu duy trì sản xuất trong thời gian giãn cách xã hội. (Nguồn: TTXVN)
Các doanh nghiệp xuất khẩu duy trì sản xuất trong thời gian giãn cách xã hội. (Nguồn: TTXVN)

Những tác động của dịch COVID-19 lên các doanh nghiệp đang rõ rệt hơn bao giờ hết… Chính vì vậy mà các doanh nghiệp đang rất mong mỏi được hỗ trợ, “giải tỏa" những vướng mắc để lưu thông hàng hóa; được miễn giảm thuế, phí và lãi suất để nhanh chóng phục hồi, duy trì việc làm cho người lao động.

Giấy thông hành phải được “thông” ngay từ đầu

Giấy thông hành luôn là vấn đề làm đau đầu các chủ doanh nghiệp những ngày gần đây. Hôm nay có thể được qua chốt kiểm dịch, nhưng ngày mai cũng cung đường đó lại có thể không qua được…

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI), Ủy viên ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) nhấn mạnh rằng lưu thông hàng hóa và nguyên vật liệu không có nghĩa là kiểm soát!

“Để phòng chống dịch cần kiểm soát con người tham gia giao thông, chứ không phải kiểm soát hàng hóa. Muốn doanh nghiệp yên tâm sản xuất-kinh doanh, các cơ quan quản lý cần có chính sách hỗ trợ hàng hóa lưu thông tối đa. Để làm được điều này, cơ quan chức năng phải chú trọng tăng tính chủ động cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vận tải,” bà Hương nói.

Bài 2: Không thể để doanh nghiệp đóng cửa, người lao động mất việc làm ảnh 1 Nhiều hiệp hội, ngành hàng đề xuất cần hướng dẫn cụ thể và thống nhất đầu mối liên hệ cấp phát giấy đi đường. (Nguồn: TTXVN)

Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký Hiệp hội Logistics (VLA) cũng đưa ra đề xuất giải pháp thay thế việc xét nghiệm lái xe bằng các quy tắc vận tải an toàn (như lái xe ngồi im trong xe, không tiếp xúc trong quá trình vận tải). Bên cạnh đó, Bộ Y tế cho phép doanh nghiệp chủ động xét nghiệm cho lái xe, tự phòng dịch và tự chịu trách nhiệm. Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cần công bố rõ ràng cho khối doanh nghiệp và khối vận tải tình trạng kẹt cảng tàu và hướng xử lý cụ thể…

[Doanh nghiệp chèo lái ‘tay thuyền' sinh tồn trong dịch bệnh COVID-19]

Trước những khó khăn của các doanh nghiệp xuất khẩu trong vận chuyển hàng hóa, một số hiệp hội ngành hàng (như Hiêp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Cao su Việt Nam, Hiệp hội các ngành rau quả, điều, cà phê, hồ tiêu và bông sợi) đã có văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ cùng các cơ quan liên quan về việc cấp giấy đi đường cho hội viên hiệp hội để thực hiện nhiệm vụ cấp thiết trong thời gian giãn cách xã hội.

Theo đó, hiệp hội ngành hàng thống nhất đề xuất các cơ chức năng có hướng dẫn cụ thể và thống nhất về đầu mối liên hệ cấp phát giấy đi đường đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu đồng thời tăng cường thêm số lượng cán bộ phụ trách xử lý hồ sơ cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc cấp giấy đi đường nên gửi bằng bản mềm thông qua e-mail cho các doanh nghiệp làm cơ sở đi qua các chốt kiểm soát thuận lợi.

Chính sách hỗ trợ, tín dụng cần được tiếp cận dễ dàng

Về các gói chính sách hỗ trợ, trước những khó khăn mọi bề của doanh nghiệp trong bối cảnh vừa duy trì sản xuất-kinh doanh, vừa chống dịch như hiện nay, bà Lê Dung-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đào tạo và phát triển nhân lực Dgroup, kiến nghị Chính phủ tăng cường công tác truyền thông về gói hỗ trợ chính sách 26.000 tỷ đồng (kèm những điều kiện cụ thể) để người lao động có thể cập nhật nhanh nhất và kịp thời, giúp tháo gỡ bớt khó khăn, như bố trí một bộ phận tuyên truyền, hỗ trợ qua nhiều kênh hiệp hội, câu lạc bộ... nhằm tránh những điểm bất cập như gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng và gói 16.000 tỷ đồng (của năm 2020) trước đó.

Bên cạnh đó, đại diện Tổng công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist) cũng có kiến nghị Chính phủ xem xét về miễn, giảm tiền thuê đất cho đơn vị trong ngành. Như tại tổng công ty, tiền thuê đất (năm 2021) tại các cơ sở quản lý đã tăng từ 26%-87% so với năm 2020 (tùy từng vị trí).

“Đây là áp lực tài chính rất lớn đối với các doanh nghiệp trong ngành,” đại diện Hanoitourist nói.

Bên cạnh đó, hiện các địa điểm do công ty quản lý vẫn đang bị tính giá điện kinh doanh cao hơn giá điện sản xuất đang áp dụng như các ngành kinh tế khác. Do vậy, Tông công ty rất mong Chính phủ xem xét việc áp mức giá điện sản xuất đối với ngành du lịch để giảm bớt chi phí đầu vào.

Về vốn tín dụng, ông Lê Minh Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bệnh viện đa khoa Sun medical Việt Nam, cho hay các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều có quan hệ tín dụng và vay ngân hàng với lãi suất từ 10,5% đến 12,5% năm. Trong khi đó, nguồn thu của hầu hết các doanh nghiệp đang gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 kéo dài liên tục từ năm 2020 đến nay. Chưa kể, tại nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, hàng nghìn doanh nghiệp đã phải phá sản, giải thể hoặc chết lâm sàng.

Trước thực trạng đó, ông Long cho rằng hệ thống ngân hàng tạo cần tạo thêm điều kiện, như cho phép các doanh nghiệp được giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất trong suốt thời gian dịch bệnh mà doanh nghiệp phải ngừng sản xuất kinh doanh, không bị chuyển thành nợ xấu và được tiếp cận với các nguồn hỗ trợ về tài chính của Chính phủ.

“Có như vậy, doanh nghiệp mới có thể giữ chân người lao động và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh ngay sau khi kiểm soát được dịch bệnh,” ông Long nói.

Bài 2: Không thể để doanh nghiệp đóng cửa, người lao động mất việc làm ảnh 2Nguồn thu của hầu hết các doanh nghiệp đang gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 kéo dài liên tục từ năm 2020 đến nay. (Ảnh minh họa/Nguồn: TTXVN)

Ông Trần Thành Trọng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sáng Ban Mai kiến nghị các ngân hàng gia hạn các khoản vay cho công ty ít nhất 3 tháng kể từ ngày đáo hạn để có nguồn tài chính trả lương, duy trì cuộc sống cho cán bộ công nhân viên.

Chỉ ra một thực tế, ông Nguyễn Trung Kiên-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đồ chơi an toàn Việt, cho biết các ngân hàng đang công bố riêng lẻ chính sách giảm lãi suất. Do đó, ông Kiên cho rằng việc giảm lãi suất cần có một danh sách tổng hợp chung của tất cả các ngân hàng để doanh nghiệp dễ so sánh, nhận biết các ngân hàng có mức hỗ trợ và điều kiện tiếp cận tốt nhất.

Mới đây, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đã có đề xuất với Chính phủ về việc chỉ đạo các ngân hàng hỗ trợ giảm từ 3%-5% lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, cơ cấu lại thời hạn trả nơ, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới để doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng lãi suất không phải là ‘điểm nghẽn’ đối với doanh nghiệp, bởi chưa bao giờ lãi suất lại hấp dẫn như ở thời điểm hiện tại. Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, nếu tiếp tục giảm mạnh lãi suất cho vay sẽ có thể dẫn tới hệ lụy là lạm phát và dòng tiền không đi vào sản xuất, kinh doanh.

"Doanh nghiệp sẽ cố đi vay, nhưng không đầu tư vì không có đầu ra. Thực tế, một số doanh nghiệp đã đi vay chỗ này vì được hưởng chế độ khách hàng A - vay lãi suất 5%, để đi gửi chỗ khác 7%/năm, là ‘ngồi mát ăn bát vàng.’ Thậm chí, doanh nghiệp vay tiền rót vào chứng khoán, bất động sản và 5 năm nữa chúng ta sẽ hứng chịu hệ lụy," chuyên gia Cấn Văn Lực nhấn mạnh./.

Bài 3: Gói chính sách hỗ trợ cần chảy đúng thời điểm của “cơn khát”

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục