Bài 2: Lan tỏa giá trị từ sự đồng tâm đưa hộ nghèo phát triển

Định hướng tập trung chuyển vốn ngân sách địa phương ủy thác về một đầu mối là Ngân hàng Chính sách đang trở thành động lực, góp phần làm “sâu rễ bền gốc” cho nền kinh tế.
Bài 2: Lan tỏa giá trị từ sự đồng tâm đưa hộ nghèo phát triển ảnh 1Đảng bộ xã Tịnh Thới, thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) thường xuyên cử cán bộ, đảng viên xuống cơ sở thăm hỏi, động viên người nghèo vay vốn, phát triển kinh tế gia đình. (Ảnh: Vietnam+)

Từ những ý tưởng nhỏ như ở Quảng Nam, Thái Nguyên, Đồng Tháp... sinh khí cho công cuộc thực thi chính sách ngày càng thêm lớn mạnh với sự chủ động từ các địa phương trong việc chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.

Sự đồng tâm của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành trong việc hội tụ nguồn vốn hoàn thiện hệ thống chính sách tạo nền tảng bứt phá cho công cuộc giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội cũng như xây dựng nông thôn mới.

Từ cách làm sáng tạo và quyết tâm riêng có

Tỉnh Quảng Trị xác định nguồn lực địa phương đối với tín dụng chính sách xã hội có vai trò quan trọng, làm đòn bẩy tài chính trong phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo tại địa phương, nguồn vốn ủy thác địa phương từ tỉnh đến huyện chuyển qua Ngân hàng Chính sách xã hội mỗi năm đều tăng và thực hiện cấp vốn ngay từ đầu năm.

Đặc biệt, trong năm 2019, các Sở ngành đã tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh chú trọng nguồn lực từ khoản thu hồi các dự án ODA, dự án phi Chính phủ, tập trung về một đầu mối là Ngân hàng Chính sách xã hội để quản lý cho vay. Đây là cách làm sáng tạo, có hiệu quả nhằm huy động tổng hợp các nguồn lực tài chính trong, ngoài ngân sách tỉnh để tạo nguồn cho vay.

[Năm năm thực hiện Chỉ thị 40: Sáng tình Đảng, ấm lòng dân]

Điển hình như dự án nâng cao thu nhập thuộc Chương trình Hạnh phúc Quảng Trị do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Trị thu hồi vốn, mở tài khoản quản lý cho vay với số tiền gần 65 tỷ đồng, đến nay đã thực hiện thu hồi cho vay số tiền gần 7 tỷ đồng.

Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Đồng cho biết: “Nhiều dự án trước đây cho không, vừa qua là cho vay, nhưng sau khi kết thúc có thực tế Ban quản lý dự án đã về nước không thu lại được vốn hoặc thu không hết. Chính vì vậy việc thu hồi vốn các dự án này vừa giúp tỉnh đánh giá chất lượng dự án, rút kinh nghiệm trong phương thức đầu tư vừa tăng thêm nguồn cho chính địa phương để hỗ trợ người dân khởi tạo sinh kế bền vững.”

Tỉnh Quảng Trị cũng hướng đến xã hội hóa nguồn lực thực hiện sự nghiệp giảm nghèo và vận động được 2 doanh nghiệp tư nhân gửi 600 triệu đồng vào Ngân hàng Chính sách xã hội không lấy lãi để cho vay hộ nghèo.

Định hướng tập trung chuyển vốn ngân sách địa phương ủy thác về một đầu mối là Ngân hàng Chính sách xã hội và giải ngân theo các dự án của tỉnh, huyện xây dựng phù hợp với thực tế địa phương đang trở thành động lực, góp phần làm “sâu rễ bền gốc” cho nền kinh tế.

Như ở huyện nghèo vùng cao, biên giới theo Nghị quyết 30a/NQ-CP - Si Ma Cai (Lào Cai) đất trồng trọt đã ít lại khô cằn vì thiếu mưa, với 7.234 hộ dân, trong đó 95% là đồng bào dân tộc thiểu số, 13/13 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Chính vì vậy, tỉnh Lào Cai xây dựng riêng một chính sách hỗ trợ người dân Si Ma Cai vay vốn ngân hàng chăn nuôi gia súc tập trung, trong đó tỉnh cấp bù lãi suất cho vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Đặc biệt, là huyện nghèo nhưng người đứng đầu Đảng bộ là đồng chí Bí thư huyện ủy Si Ma Cai Nguyễn Văn Minh luôn ý thức và trách nhiệm cao với người nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi vậy, huyện ủy, Hội đồng Nhân dân Ủy ban Nhân dân huyện cũng thống nhất cao ưu tiên và bố trí chuyển nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để mở rộng cho vay đồng bào dân tộc thiểu số với lũy kế nguồn chuyển qua 5 năm đạt hơn 28 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã góp phần đưa tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đến hết năm 2019 lên trên 220 tỷ đồng, tăng gần 90 tỷ đồng so với cuối năm 2014.

Nhìn rộng ra cả nước, từ sau khi Chỉ thị số 40 đến ngày 31/12/2019 nguồn vốn các địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tăng trên 11.600 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 29,4%, tăng gấp gần 3,9 lần so với giai đoạn trước khi có Chỉ thị, đưa tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương đến 31/12/2019 đạt trên 15.400 tỷ đồng. Một số tỉnh, thành ban hành chuẩn nghèo cao hơn chuẩn nghèo quốc gia vẫn bố trí đủ nguồn lực để cho vay các đối tượng này (thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Nai và Bình Dương...).

Bài 2: Lan tỏa giá trị từ sự đồng tâm đưa hộ nghèo phát triển ảnh 2Niềm vui của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện nghèo Si Ma Cai khi được vay vốn, tạo sinh kế bền vững. (Ảnh: Vietnam+)

Trăm sông đổ về một mối

Tín dụng chính sách xã hội được cộng hưởng thêm động lực và sức bền từ sự toàn tâm của Chính phủ, sự đồng tâm của các Bộ, ngành. Trong đó phải kể đến việc Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt các Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, các Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công hàng năm, trong đó đã quan tâm, bố trí cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để triển khai các chương trình tín dụng.

Lần đầu tiên vốn tín dụng chính sách được đưa vào Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước đã tạo sự ổn định, chủ động thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, giúp Ngân hàng Chính sách xã hội nâng cao năng lực tài chính, giảm bớt áp lực về nguồn vốn cho vay.

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40, tổng số nguồn vốn tăng thêm cho hoạt động tín dụng chính sách đạt 77.000 tỷ đồng; trong đó từ ngân sách Nhà nước đạt trên 10.000 tỷ đồng, đặc biệt là các Ngân hàng Thương mại quốc doanh của Nhà nước đạt trên 41.000 tỷ đồng và từ các tổ chức, doanh nghiệp khác trong xã hội đạt trên 21.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: “Với một nước còn đang phát triển và ở mức thu nhập trung bình thấp mà những con số nói trên đã thể hiện hết sức cố gắng là chăm lo cho người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội của Đảng, Nhà nước mà không phải nước nào trên thế giới cũng thực hiện được, kể cả những nước có trình độ phát triển cũng như có mức thu nhập cao hơn nhiều so với đất nước chúng ta.”

Cũng trong khoảng thời gian này với sự tham mưu của Ngân hàng Nhà nước, các Bộ, ngành và Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều chính sách tín dụng xã hội mới đã được Chính phủ ban hành như: Cho vay hộ mới thoát nghèo; cho vay giải quyết việc làm; cho vay phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2017 - 2020; cho vay hỗ trợ làm nhà đối với hộ nghèo; cho vay hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung; cho vay bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo nhanh và bền vững…

Nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội, như: Điều chỉnh mức vay đối với chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; nâng mức cho vay đối với chương trình tín dụng học sinh sinh viên và bổ sung đối tượng cho vay là sinh viên trường y đã tốt nghiệp, đang trong thời gian thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề...

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nhìn nhận: “Việc hoàn thiện hệ thống các chính sách tín dụng, nâng cao mức vay không chỉ là tạo điều kiện cho một nhóm đối tượng bà con còn khó khăn để thoát nghèo, vươn lên, mà còn tạo “sinh khí” mới, năng lượng mới, niềm tin mới của những người dân, đối tượng yếu thế của xã hội phát triển kinh tế và bước sâu vào chuỗi giá trị gia tăng cao hơn.”

Bài cuối: Kỳ vọng những đột phá mới

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục