Ngành đóng tàu trước thảm cảnh thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực

Bài 2: Ngành đóng tàu trước thảm cảnh thiếu hụt trầm trọng nhân lực

Ngành đóng tàu đang đứng trước nguy cơ “chảy máu chất xám” khi công nhân lao động bỏ việc, ra ngoài làm là rất cao nếu chế độ đãi ngộ không tương xứng.
Đóng tàu là nghề nặng nhọc trong khi mức lương lại chưa cao và vấp phải sự cạnh tranh từ bên ngoài dẫn đến việc khó giữ chân người lao động . (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Đóng tàu là nghề nặng nhọc trong khi mức lương lại chưa cao và vấp phải sự cạnh tranh từ bên ngoài dẫn đến việc khó giữ chân người lao động . (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Có thâm niên 10 năm làm đóng tàu của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Công nghiệp Tàu thủy Sài Gòn (SSIC), chưa lúc nào, anh Trần Đình, công nhân hàn tại nhà máy lại cảm thấy khó khăn như bây giờ.

[Bài 1: Khi ‘người khổng lồ’ đóng tàu phải ‘ăn đong từng bữa’]

“Những đơn hàng đóng mới không còn nhiều, chỉ tập trung vào sửa chữa. Trong những năm gần đây, khi mà ngành đóng tàu thoái trào, mới thấy làm nghề này không yêu nghề không trụ nổi bởi đóng tàu vất vả, nặng nhọc quá trong khi thu nhập chưa tương xứng với công sức,” anh Đình chia sẻ.

Thiếu trên, hụt dưới

Trong bộ trang phục đổ bảo hộ được bọc kín từ đầu đến chân, tháo chiếc khăn và mũ bảo hiểm được chế thêm vành rộng ôm cả sau gáy, anh Trần Đình vội uống cốc nước để giúp cơ thể hạ nhiệt. Nước da đen nhẻm, giọng nói nhỏ nhẹ và nét mặt hiền lành, anh bảo: “Bên thợ hàn còn nhàn chán. Nếu làm phân xưởng sơn tàu, bông bụi sơn bay vào da người sẽ bị dị ứng gây mẩn đó và ngứa rát kinh khủng.”

Từng giọt mồ hôi nhễ nhại trên má, cầm tờ giấy bìa carton làm quạt, hướng đôi mắt về phía chiếc tàu du lịch theo mô hình “cướp biển” như trong phim ảnh, anh Đình kể, nghề này có mức lương không cao dù đang là thợ hàn bậc 4/5. Công việc đóng tàu rất nặng nhọc, vất vả, độc hại kể cả khi đóng mới hay sửa chữa, hoán cải, làm trong xưởng hay ngoài trời thì công nhân đều phải chịu khói, bụi, tiếng ồn, nóng bức. Lương bình quân công nhân trong tổ chỉ khoảng 7-8,5 triệu đồng/người/tháng.

Vợ làm công nhân tại một xưởng may, mấy tháng nay ít việc. Vì thế, anh phải gửi 2 con nhỏ về quê ở Nghệ An nhờ ông bà trông giúp vì thu nhập không đủ trang trải cuộc sống. Thậm chí, trước đây gia đình anh thuê trọ gần chỗ làm, sau đó đã chuyển nhà đi xa hơn 20km để đỡ tiền nhà trọ.

[Tập trung triển khai Kế hoạch tổng thể Chiến lược biển Việt Nam]

Là thợ hàn bậc cao, anh Đỗ Xuân Giao, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đóng tàu và công nghiệp Hàng hải Sài Gòn (Saigon Shipmarin) có thâm niên 18 năm gắn bó với nghề. Anh từng được Công ty cử đi tu nghiệp ở Nhật Bản mấy năm, sau đó về làm việc tại nhà máy.

Theo anh Giao, thợ đóng tàu thủy đòi hỏi anh em không những phải có tay nghề mà còn phải khéo léo, làm việc cẩn thận, tỉ mỉ với mục tiêu cao nhất là phải đảm bảo tàu ra khơi an toàn.

“Lương làm khoán theo sản phẩm khoảng 12 triệu đồng/tháng. Có nhiều nơi mời gọi công việc nhưng tôi không đi vì môi trường làm việc ở nhà máy thoải mái, được tạo điều kiện. Mức thu nhập so với mặt bằng chung không phải thấp,” anh Giao thành thật nói.

Chỉ tay lên trên chiếc tàu hàng đang đóng, anh Giao bảo công việc của mình vẫn còn nhàn hơn rất nhiều so với anh em công nhân đang ngày đêm cheo leo trên giàn cao để mài, hàn vỏ tàu, hoàn thiện các chi tiết. Thậm chí, có thợ phải hàn trong các khe ngách nhỏ hẹp ở khoang tàu kín mít, chật chội, nóng bức, thiếu ánh sáng, khói hàn ngột ngạt mùi dầu, mùi cháy khét của que hàn kim loại, tiếng đe búa đinh tai váng óc.

“Ngành đóng tàu đòi hỏi mức độ đào tạo chuyên môn, kỹ thuật cao hơn so với ngành nghề khác nên rất dễ bị ‘hút máu’ từ các doanh nghiệp cơ khí có mức lương và điều kiện làm việc đỡ vất vả. Vì thế, nguy cơ thợ đóng tàu bỏ việc, ra ngoài làm là rất cao nếu chế độ đãi ngộ không tương xứng,” anh Giao cho biết.

Ông Mai Thanh Tuấn, Chủ tịch Công đoàn Công ty Saigon Shipmarin chia sẻ trước đây Công ty có 1.000 công nhân lao động, nếu tính tổng cả số thầu phụ lên tới 1.500 người. Giờ, đơn vị chỉ còn 300 người (cả thầu phụ là 500 người).

“Về nguồn nhân lực, các trường trung cấp, đào tạo không tuyển được học viên, chỉ có một số trường đào tạo theo đơn đặt hàng của đối tác nước ngoài. Ngành đóng tàu ít có người học nên chỉ sử dụng thợ đang làm và cùng ngành nghề cơ khí chế tạo dịch chuyển, sẽ có khó khăn trong tương lai về thợ đóng tàu,” ông Tuấn nhìn nhận.

Vắng bóng thợ tay nghề cao

Trong 10 năm qua, vận tải biển khó khăn, đóng tàu là sân sau nên phải “thắt lưng, buộc bụng” bằng cách lấy ngắn nuôi dài để chờ phục hồi kinh tế. Vì vậy, các Công ty đóng tàu tự đào tạo để giữ chân người lao động.

Theo ông Vũ Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đóng Tàu Nam Triệu, công tác tuyển dụng lao động trực tiếp sản xuất rất khó khăn do cạnh tranh nhân công gay gắt trên thị trường ở một số khu công nghiệp lân cận đang phát triển nóng có môi trường làm việc tốt, thu nhập cao hơn.

“Có năm gần 100 người tự chấm dứt hợp đồng lao động. Đặc biệt, vào thời điểm đơn đặt hàng đóng tàu lớn, do không thể tuyển được công nhân tay nghề cao, Công ty Đóng tàu Nam Triệu phải thuê thêm lao động thời vụ nên sẽ mất thời gian đào tạo, chỉ việc, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Những lao động đã ‘dứt áo’ ra đi làm chỗ khác, khi công ty nhiều việc, có mời về làm họ cũng không chịu,” ông Tùng chua chát nói.

Khẳng định trong trường hợp đóng những gam tàu lớn, ông Tùng cho rằng, Công ty có thể đóng được ngay bởi bộ khung về kỹ sư tay nghề cao (trên 60 người), phân xưởng hoàn toàn đáp ứng, chỉ cần có nhân công lao động. Trong 1-2 năm gần đây, đơn vị không tuyển và cố không để “lọt lưới” đi nơi khác.

Bài 2: Ngành đóng tàu trước thảm cảnh thiếu hụt trầm trọng nhân lực ảnh 1Công tác tuyển dụng thợ đóng tàu là cực kỳ khó khăn. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Ông Trần Quốc Chiến, Phó Tổng giám đốc Công ty Đóng tàu Phà Rừng cho biết, lực lượng lao động thiếu hụt nhiều và ngay bản thân đơn vị đang thiếu 200 công nhân (Công ty có 650 công nhân, tính cả thầu phụ là hơn 900 người.)

Số lượng thống kê 3 năm vừa qua của Công ty Đóng tàu Phà Rừng cho thấy lao động vừa nghỉ việc và chấm dứt việc làm là 130 người, đầu vào là 35-40 người. Công nhân tuyển cực kỳ khó do sự cạnh tranh từ các khu công nghiệp, chưa kể nghề này nặng nhọc và một thời gian dài khủng hoảng về đóng tàu nên công nhân không yên tâm.

“Kỹ sư đóng tàu tại trường Đại học Hàng hải hiện giờ không tuyển được do không có học viên đầu vào, đây là tình trạng rất nguy hiểm và thiếu hẳn thế hệ thợ đóng tàu kế tiếp. Trong khi đó, tuổi bình quân công nhân tại Công ty Đóng tàu Phà Rừng là 33 tuổi. Nếu cứ tái diễn như này, trong vòng 5 năm nữa sẽ không có người làm. Đơn cử, nếu ký đóng tàu mới, sẽ không có thợ tay nghề cao để thi công,” ông Chiến bày tỏ sự lo lắng.

[Vận tải biển và đóng tàu: Nhân tố quan trọng trong chiến lược biển]

Thừa nhận xu thế ngành đóng tàu đang cố gắng giữ nhưng đến lúc thị trường phát triển thì bài toán về đào tạo nguồn nhân lực nan giải, ông Đàm Đức Kháng, Phó Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đóng tàu Hạ Long cho rằng phải chuẩn bị sẵn sàng bởi lực lượng lao động để thành thạo cần 3-5 năm mới có thể lành nghề.

Đánh giá những người thợ đóng tàu thường rất yêu nghề nếu có việc làm ổn định, thu nhập đảm bảo vì vậy, lãnh đạo các công ty đóng tàu khẳng định, quan trọng nhất vẫn phải là lo đủ việc làm, trả lương kịp thời.

“Chỉ cần chậm 2-3 tháng tiền lương là lao động bỏ việc ngay. Vì vậy, công ty thanh toán lương cho người lao động đầy đủ, kịp thời, không nợ lương,” ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đóng tàu Hạ Long nhấn mạnh.

Theo ông Tuấn Anh, để giữ chân được thợ đóng tàu, các đơn vị phải thực hiện đúng, đủ các chế độ chính sách cho người lao động như không nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, không nợ lương; chú trọng các chế độ đãi ngộ khác như tổ chức bữa ăn giữa ca, thưởng vượt năng suất xứng đáng./.

Bài 3: Tái cơ cấu ngành đóng tàu: Khi đã tìm ra giá trị cốt lõi

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục