Bài 3 - Áp lực tăng vốn: Nhiều ngân hàng đề xuất không chia cổ tức

Các chuyên gia cho rằng, cần phải giữ lại lợi nhuận để tăng vốn, sau khi trả cổ tức, lợi nhuận còn lại sẽ cộng vào trong vốn chủ sở hữu.
Bài 3 - Áp lực tăng vốn: Nhiều ngân hàng đề xuất không chia cổ tức ảnh 1Giao dịch tại TPBank. (Ảnh: CTV)

Để có thể đáp ứng quy định của Basel II, từ nay tới cuối năm 2020, nhu cầu vốn tự có của các ngân hàng tăng thêm là rất lớn.

Hiện nay, hầu hết các nhà băng chia cổ tức ở mức cao bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu thưởng, thậm chí có nhà băng còn xin không chia cổ tức.

Ấm ức vì ngân hàng lại lỗi hẹn

Ngoài những ngân hàng thông báo có kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt là MB (tỷ lệ 6%), Vietcombank (8%), BIDV (không thấp hơn 7%) và VIB (5,67%) thì tại nhiều ngân hàng cổ đông nhỏ lẻ đã có những cảm xúc khác nhau khi nhận cổ tức, có người vui mừng nhưng cũng có những cổ đông đã phải âm thầm chịu đựng khi mấy năm liền chưa được nhận cổ tức.

Báo cáo tại đại hội đồng cổ đông lãnh đạo Sacombank cũng cho biết, sau gần hai năm triển khai phương án tái cơ cấu sau sáp nhập, Sacombank đã hoàn thành vượt tiến độ các mục tiêu trọng yếu của Đề án.

[VietinBank kiến nghị được không chia cổ tức và nới room ngân hàng]

Tại đại hội, một cổ đông nắm giữ hơn 1 triệu cổ phiếu Sacombank hỏi thẳng: “Chúng tôi muốn hỏi là năm nay liệu Sacombank có chia cổ tức an ủi cho cổ đông không, để cầm cự sống sót qua giai đoạn chờ ngày ngân hàng được rạng rỡ. Nếu năm nay không chia thì khi nào sẽ chia cổ tức để cổ đông có được niềm vui và hạnh phúc?”.

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank cho biết, ông là cổ đông lớn nhất của Sacombank nên cũng rất mong có cổ tức nhưng Sacombank đang là ngân hàng tái cơ cấu, nên mọi hoạt động của Sacombank đều phải thông qua Ngân hàng Nhà nước. Khi nào Ngân hàng Nhà nước cho chia cổ tức mới được chia.

Lãnh đạo ngân hàng cũng trần tình việc không chia cổ tức cho cổ đông kể từ sau sáp nhập đến nay, là do phải tập trung tái cơ cấu, xử lý các tồn đọng tài chính, dẫn đến tạo tâm lý không hài lòng đối với phần lớn các cổ đông. Sacombank cũng là ngân hàng từ năm 2015 đến nay không chia cổ tức cho các cổ đông.

Ngoài tập trung tái cơ cấu thì ngân hàng cũng phải đối mặt áp lực tăng vốn khi thời điểm áp dụng Basel II đang tới gần.

Mặc dù năm 2018, VPBank báo lãi nghìn tỷ nhưng cũng cho biết sẽ không chia cổ tức, tức là không chia tiền mặt cũng không chia cổ phiếu mà để lại lợi nhuận phát triển ngân hàng.

Ông Bùi Hải Quân, Phó Chủ tịch VPBank chia sẻ: Năm 2018, ngân hàng có mức lãi sau thuế đạt hơn 7.000 tỷ đồng, sau khi trích lập các quỹ thì còn lại hơn 3.400 tỷ đồng, tiền đó không chia cổ tức thì vẫn nằm trong ngân hàng, được dùng để phát triển ngân hàng chứ không được sử dụng vào mục đích khác, nhất là hiện nay phải đảm bảo lượng vốn chủ sở hữu để đảm bảo hệ số CAR theo chuẩn Basel II.

“Với khoản lợi nhuận chưa chia và các quỹ đã được hạch toán, Hội đồng quản trị sẽ cân nhắc đề xuất Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án chia vào thời điểm thích hợp, có lợi cho cổ đông và ngân hàng,” ông Quân nhấn mạnh.

Tương tự, năm 2018 Techcombank cũng báo lãi 10.000 tỷ đồng nhưng ngân hàng này cũng công bố sẽ không chia lợi nhuận nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Năm trước, Techcombank đã chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 1:2, nghĩa là cứ 1 cổ phiếu thì được nhận thêm 2 cổ phiếu. Tuy nhiên, 7 năm liên tiếp trước đó, ngân hàng này đã không chia cổ tức cũng với lý do giữ lại lợi nhuận để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Dù kỳ đại hội đồng cổ đông vừa qua của Eximbank bất thành nhưng trong tài liệu công bố, sau khi trích lập các quỹ thì lợi nhuận chưa phân phối của ngân hàng đến hết năm 2018 còn hơn 704 tỷ đồng. Hội đồng quản trị Eximbank cũng trình cổ đông việc không chia cổ tức năm 2018 với lý do thực hiện theo quy định tại Thông tư 08/2016: “Tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc gia hạn thời hạn trái phiếu đặc biệt không chia cổ tức để tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi trái phiếu đặc biệt đã gia hạn được thanh toán.”

Đây cũng là ngân hàng xảy ra nhiều vụ lùm xùm xung quanh “ghế nóng” trong mấy năm qua và đặc biệt trong mùa đại hội năm nay nên dẫn đến việc kinh doanh của ngân hàng không hiệu quả.

Bên cạnh đó, còn một số ngân hàng khác như TPBank, Kienlongbank, SHB, MSB cũng tuyên bố không chia cổ tức.

Bài 3 - Áp lực tăng vốn: Nhiều ngân hàng đề xuất không chia cổ tức ảnh 2Liên tục những năm gần đây VIB là một trong những ngân hàng luôn chi trả tiền mặt cho cổ đông. (Ảnh: CTV)

Nhiều ngân hàng chia cổ phiếu

Theo ước tính của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, các ngân hàng phải tăng vốn tự có dự kiến gấp 1,8-2 lần so với thời điểm hiện tại. Còn theo Moody’s, với mức tăng trưởng tín dụng hiện nay, các ngân hàng Việt Nam sẽ cần thêm 7-9 tỷ USD tăng thêm vốn đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 ở mức 11% vào năm 2019. Đó cũng là lý do các ngân hàng mạnh tay chia cổ tức và phát hành cổ phiếu thưởng.

Điển hình là ACB chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 30%, VIB phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 18%, HDBank chia cổ tức 10% bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 20%, NamA Bank chia 16% cổ tức bằng cổ phiếu, ABBANK  thực hiện chi trả cổ tức cho cổ đông bằng cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 7,4%...

Đối với các ngân hàng thương mại nhà nước, tại cuộc họp báo Chính phủ mới đây Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng xác nhận, hiện các ngân hàng thương mại Nhà nước (VietinBank, BIDV, Agribank) này đang gặp khó khăn trong tăng vốn điều lệ. Trong khi đó, đây là kênh chủ lực, cung ứng tín dụng cho nhiều chương trình, dự án trọng điểm của đất nước. 

Cũng theo Phó Thống đốc, trong khi tăng trưởng tín dụng các ngân hàng này đạt 15-16% mỗi ngân hàng các năm qua, nhưng vốn điều lệ không được bổ sung kịp thời.

Mấu chốt, theo ông Tú là hiện hệ số CAR của các ngân hàng này đã xấp xỉ ngưỡng 9% - mức tối thiểu đảm bảo an toàn vốn.

“Ngân hàng Nhà nước đề xuất phải sử dụng ngay nguồn cổ tức của các ngân hàng thương mại năm 2018 để tăng vốn điều lệ, thay vì nộp ngân sách. Khả năng tăng vốn càng cao thì hạn mức tăng trưởng tín dụng sẽ tăng lên,” Phó Thống đốc nêu ý kiến.

Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, cần phải giữ lại lợi nhuận, sau khi trả cổ tức, lợi nhuận còn lại sẽ cộng vào trong vốn chủ sở hữu. Ngoài ra có thể tăng vốn cấp 1 bằng cách phát hành cổ phiếu ra cho cổ động hiện hữu và cổ đông mới, đồng thời tăng vốn cấp 2 bằng cách phát hành trái phiếu có kỳ hạn ít nhất 5 năm và phát hành nợ thứ cấp.

Khi thực tế triển khai không khả thi, tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, cần nhìn nhận vấn đề rộng hơn, linh hoạt hơn vấn đề này với tư cách của một cổ đông chính, một nhà đầu tư chuyên nghiệp và kể cả góc độ quản lý ngân sách, việc cho phép giữ lại cổ tức tại những thời điểm nhất định cũng là để nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài cho ngân hàng.

Từ thực tế trên, có thể thấy áp lực tăng vốn đáp ứng tiêu chuẩn Basel II đang ngày một cận kề. Xem xét hệ số an toàn vốn hiện nay, một số ngân hàng có thể đáp ứng yêu cầu này. Tuy nhiên, để có thể có khoảng cách an toàn vốn đủ cho tăng trưởng trong giai đoạn tiếp theo, các ngân hàng phải nỗ lực huy động thêm vốn trong năm 2019.

Dù vậy, để tăng được vốn điều lệ cũng không hẳn là điều dễ dàng đối với các ngân hàng vì không phải ngân hàng nào cũng có được kết quả lợi nhuận khả quan để giữ lại cho tăng vốn hoặc có thể còn chịu áp lực tăng dự phòng rủi ro lớn do nợ xấu vẫn ở mức cao./.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ, để tăng vốn đáp ứng Basel II, ngân hàng cần phải giữ lại lợi nhuận:

Bài 4 - Áp dụng chuẩn Basel II: Không phải con đường trải hoa hồng

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục