Trở về trường như “cá gặp lại nước,” những câu chuyện đẹp, những ký ức khó phai khiến Cục trưởng Cục Thanh tra Bộ Bưu chính Viễn thông Lào Khamphanh Souvannakha (sinh năm 1960) nghiêm nghị, khó tính trong công việc lại trở thành cậu thanh niên tuổi đôi mươi, sôi nổi, nhiệt huyết.
Đoàn tụ sau gần 40 năm
Đến trường vào ngày cuối tuần nên ông Khamphanh không gặp được Ban giám hiệu hay thầy cô giáo trong trường để hỏi thăm. Người duy nhất ông gặp trong trường là anh bảo vệ trẻ tuổi không biết gì về ngôi trường trước đây. Đúng lúc ấy, ông Khamphanh gặp cô Nguyễn Thị Bạn, một giáo viên đã nghỉ hưu lâu năm, đang đi ngang qua trường. May mắn thay cô Bạn là người quen của thầy Trần Văn Mùi – hiệu trưởng trường Phổ thông Miền núi số 1 Vĩnh Phú. Cô nhiệt tình dẫn dắt 2 cựu học sinh người Lào đến nhà thầy Mùi, thắp nén hương cho người thầy đã đi xa.
Hành trình của ông Khamphanh tiếp tục đến nhà thầy hiệu phó Đặng Vũ Chừng, cách trường học khoảng 7 km. Thầy Chừng đã bước sang tuổi 82 nhưng vẫn còn nhanh nhẹn, minh mẫn. Thầy trò gặp nhau, mừng mừng tủi tủi, ông chầm lấy nhau trong nước mắt. Thầy không nhớ tên Khamphanh và Thongdeng nhưng nhớ rõ những cậu học trò Lào tinh nghịch năm xưa. Tìm gặp lại nhau khi thầy đã nghỉ hưu, trò đã trưởng thành, ai nấy đều không giấu nổi niềm xúc động nghẹn ngào, hạnh phúc.
[Bài 1: Ký ức khó phai về cô giáo tiếng Việt của cựu học sinh Lào]
Qua lời kể của thầy Chừng, hiện nay, các thầy cô giáo dạy khoá học của ông Khamphanh và Thongdeng hầu hết đã nghỉ hưu. Trong đó, một số thầy cô giáo đã mất, một số người chuyển công tác sang ngành khác hoặc các tỉnh khác nên không còn giữ thông tin liên lạc. Riêng cô Diễm, người giáo viên dạy tiếng Việt của Khamphanh đã vào miền Nam sinh sống và làm việc từ nhiều năm trước đó.
Ông Khamphanh tâm sự: “Trước khi đến Phú Thọ, tôi cũng tưởng tượng rất nhiều về chuyến đi này, có thể tôi gặp lại được một vài người nhưng cũng có thể chẳng gặp ai cả. Ngày hôm nay, được ngồi tại nhà thầy Chừng, nghe lại giọng nói, cử chỉ của thầy, cùng thầy ôn lại những kỷ niệm cũ về những năm tháng đi học còn nhiều khó khăn, vất vả. Với tôi, thế là mãn nguyện."
Riêng đối với thầy Chừng, thầy chưa bao giờ tưởng tượng được có ngày gặp lại những học sinh nơi bên kia biên giới. Nhìn thấy học trò trưởng thành, rắn rỏi, thầy Chừng không giấu nổi niềm xúc động nghẹn ngào: “Người ta nói ‘một miếng khi đói bằng một gói khi nó,’ Việt Nam lúc ấy cũng còn nhiều khó khăn nhưng Lào còn nhiều khó khăn hơn nữa bởi vừa giải phóng đất nước, thoát khỏi chiến tranh. Khi đón các em Lào sang học, các thầy cô giáo Việt Nam vừa thấy hạnh phúc, vừa thấy tự hào. Ai cũng tự nhủ sẽ hết lòng dạy dỗ các em, đồng hành cùng các em trong suốt khoá học, hoàn thành tốt nhiệm vụ đất nước gửi gắm."
Cũng theo thầy Chừng, mặc dù học bằng ngôn ngữ tiếng Việt, sách giáo khoa Việt Nam dưới sự hướng dẫn của các thầy cô người Việt nhưng các em Lào tiếp thu kiến thức rất nhanh, thể hiện đúng tinh thần chịu khó, cần cù, thông minh của người Lào. Tuy thời gian học ngắn, lại còn rào cản về ngôn ngữ nhưng các em học sinh Lào đều đạt kết quả rất cao trong kỳ thi tốt nghiệp cuối khoá học. Thậm chí, thầy còn nhớ rất rõ khoá học 1978-1981 của Khamphanh có những em học sinh không chỉ đạt giải cao trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh mà còn tích cực tham gia các chương trình văn nghệ, thể thao do tỉnh tổ chức.
Thắm tình hữu nghị Việt-Lào
Rót ly rượu mời thầy, ông Khamphanh không giấu nổi niềm rưng rưng, đôi bàn tay ông run run, xúc động nghẹn ngào. Thay vì sôi nổi, hào hứng như lúc đứng tại trường, Khamphanh và Thongdeng yên lặng, suy tư trầm ngâm, lắng nghe lời thầy Chừng kể chuyện.
“Không có đất nước nào đưa hàng nghìn học sinh ra nước ngoài học phổ thông, mà cũng không có đất nước nào dám nhận đào tạo như vậy. Chỉ có tình nghĩa anh em, keo sơn như Việt Nam-Lào mới vượt qua những điều đó, đồng hành cùng nhau những lúc khó khăn, gian khổ, vất vả. Tình cảm quý giá này không mối quan hệ ngoại giao nào trên thế giới có được và cũng không có ai thay thế, hoán đổi được” – thầy Chừng nói.
[Bài 2: Hành trình tìm lại ngôi trường cũ của cựu học sinh Lào]
Sau gần 40 năm xa cách, thầy Chừng, cậu học trò Khamphanh và Thongdeng cùng ngồi quây quần bên ly rượu, kể lại những câu chuyện vui, những kỷ niệm đẹp thời đi học. Mối tình thầy trò đặc biệt của người thầy giáo già với những học sinh Lào tưởng chừng xa cách bởi thời gian và không gian nhưng ngược lại, mối quan hệ ấy còn nguyên vẹn, giàu cảm xúc như ngày nào.
Người thầy giáo già hơn 80 tuổi nhấp ly rượu, vẫn không thể tin được mình đang gặp lại những cô cậu học sinh Lào những năm ấy. Với thầy Chừng, thầy trò gặp nhau không chỉ là sự trân trọng, sự đáng quý trong truyền thống tôn sư trọng đạo mà còn đóng góp một phần nhỏ bé vào mối quan hệ chung giữa hai nước Việt-Lào anh em trong những ngày cả 2 nước đang hướng tới lễ kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Lào (5/9/1962-5/9/2017).
Trong những năm tháng chiến tranh chống lại kẻ thù xâm lược, trong những ngày bảo vệ và xây dựng đất nước, Việt Nam-Lào luôn kề vai sát cánh bên nhau, hợp tác toàn diện, cùng nhau phát triển. “Tôi hy vọng tình cảm đặc biệt, hiếm có giữa nhân dân Lào và Việt Nam đời đời bền vững bởi tình cảm quý giá đó đã ăn sâu trong nhiều thế hệ nhân dân 2 nước. Dù thế giới có nhiều biến động, liên tục xoay chuyển nhưng tình cảm nhân dân 2 nước sẽ luôn còn mãi mãi. Gìn giữ mối quan hệ hữu nghị truyền thống không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là tình cảm chân thành, thuần khiết xuất phát từ mỗi người dân chúng ta” – thầy Chừng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với thầy Chừng, ông Khamphanh kể lại, tình cảm chân thành giữa hai nước Việt-Lào đối với ông là tình cảm thầy trò, là những bài học các thầy cô giáo Việt Nam truyền dạy, là những bữa ăn các thầy cô nhường nhịn, san sẻ cho học sinh, là những ngày hy sinh, nhiệt tình giảng dạy trên lớp. “Với tôi, đến Việt Nam là về nhà, bởi nơi đây đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc đời của tôi, giúp tôi trưởng thành, giúp tôi có cái nhìn toàn diện về bài học ‘uống nước nhớ nguồn.’ Từ ngày đầu tiên lạ lẫm đặt chân đến Việt Nam cho đến bây giờ, tôi lúc nào cũng trân trọng cảm giác ấm áp, tình cảm thân mật của người dân Việt Nam dành cho mình” - Khamphanh nói.
Cũng theo cựu học sinh Lào, trong suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam và Lào đã cùng nhau vượt qua nhiều khó khăn, vượt qua cuộc kháng chiến trường kỳ, dành lại độc lập cho dân tộc, cùng nhau xây dựng và bảo vệ đất nước, đồng cam cộng khổ. “Dù thế giới có nhiều biến động, nhiều sự thay đổi song mối tình hữu nghị Việt Nam-Lào chắc chắn không thể nào phai mờ. Gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của thế hệ cha ông để lại, chúng tôi và sau này là lớp thanh niên trẻ sẽ luôn đặt đây là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người dân, khắc ghi trong tâm trí về mối quan hệ ‘Việt-Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà Cửu Long" - ông Khamphanh khẳng định.
Trong tiết trời mưa nhẹ đầu mùa, câu chuyện dài của 3 thầy trò đầy ắp những kỷ niệm, buồn vui và nước mắt. Đâu đó, mối quan hệ thầy trò trở nên đáng trân trọng hơn bao giờ hết bởi có những kỷ niệm đẹp xuyên biên giới mà khoảng cách cả về không gian và thời gian không thể thay đổi được những cảm xúc chân thành, nhiệt huyết của những con người Việt-Lào./.