Bài 1: Ký ức khó phai về cô giáo tiếng Việt của cựu học sinh Lào

Gần 40 năm trôi qua kể từ ngày tốt nghiệp trường Phổ thông Miền núi số 1 Vĩnh Phú, ông Khamphanh Souvannakha không thể nào quên được những ký ức đẹp về những năm tháng học tập tại Việt Nam.
Bài 1: Ký ức khó phai về cô giáo tiếng Việt của cựu học sinh Lào ảnh 1Ông Khamphanh Souvannakha bồi hồi nhớ lại kỷ niệm về những năm tháng học tập tại Việt Nam. (Ảnh: Huy Đồng/Vietnam+)

Gần 40 năm trôi qua kể từ ngày tốt nghiệp trường Phổ thông Miền núi số 1 Vĩnh Phú (nay là trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Phú Thọ), ông Khamphanh Souvannakha (người Lào, sinh năm 1960) không thể nào quên được ký ức đẹp về những năm tháng học tập tại Việt Nam.

Với ông, những bài học, lời dặn dò của cô Diễm – giáo viên dạy tiếng Việt là dòng huyết mạch xuyên suốt trong tâm trí, giúp ông vượt qua những khó khăn, thất bại, để vươn lên trở thành người công dân tốt, cống hiến cho xã hội.

Từ "bài học vỡ lòng” tuổi 18

Năm 1978, đất nước Lào còn gặp nhiều khó khăn trong công cuộc xây dựng và tái tạo kiến thiết sau những năm tháng chiến tranh. Dưới chương trình hỗ trợ đào tạo cấp bậc phổ thông cho học sinh Lào, trong năm học 1978-1979, hàng trăm học sinh Lào được cử sang Việt Nam học chương trình phổ thông trước đó đã bị dang dở, trong đó có cậu thanh niên 18 tuổi Khamphanh Souvannakha.

“Mang tâm trạng đi học xa nhà cũng như bao học sinh Lào khác, chúng tôi vừa vui sướng, vừa tự hào nhưng cũng không kém phần lo lắng, hồi hộp. Trước hôm đi, tôi vừa vui, vừa thích nhưng nói thật cũng sợ đến nỗi mất cả ngủ. Bây giờ sang Việt Nam học, chẳng khác nào học sinh chuẩn bị lên lớp 1, lại bắt đầu ê a bảng chữ cái mới, học 'lớp vỡ lòng’ của người 18 tuổi” - ông Khamphanh kể lại.

Ông nhớ lại, lần đầu đặt chân đến trường Phổ thông Miền núi số 1 Vĩnh Phú, cảm giác đầu tiên Khamphanh về một Việt Nam hết sức gần gũi, quen thuộc. Từ hơi thở của núi rừng, những con đường nhỏ quanh sườn đồi đến những bữa cơm, nụ cười của người dân Việt Nam cũng thân quen và tình cảm như đang được sống ở Lào. Những ngày xa gia đình, xa quê hương bịn rịn, quyến luyến bao nhiêu, lúc ấy ông cũng an tâm thở phào nhẹ nhõm.

[Tạo thêm động lực mới cho quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào]

Trước khi đi, ông tự đặt ra mục tiêu phải học thật tốt, chăm chỉ, không phụ công mong mỏi của gia đình và đất nước, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ đầu tiên của tuổi trẻ. Tuy nhiên, những ngày tháng bắt đầu đến lớp lại trái với suy nghĩ, mong ước tốt đẹp đó. Không chỉ Khamphanh mà ngay cả các bạn khác cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt rào cản ngôn ngữ khiến cậu thanh niên háo hức ngày nào lại xuất hiện phần tự ti.

May mắn thay, trước khi bắt đầu khoá học phổ thông theo chương trình của Việt Nam (lúc ấy khoá học phổ thông gồm 3 lớp: lớp 8, lớp 9 và lớp 10), các học sinh Lào được tham gia khoá học tiếng Việt trong vòng 6 tháng để cải thiện ngôn ngữ rồi chia về các lớp học. Và đó cũng là cơ hội Khamphanh được gặp cô giáo Diễm, người giáo viên đầu tiên trong suốt 3 năm học tại đây và cũng là người ​ông nhớ nhất.

… đến “ngôi nhà” thứ hai

Cậu học sinh nay đã gần 60 tuổi Khamphanh vẫn nhớ như in gương mặt tròn phúc hậu, mái tóc đen ngang vai... của cô giáo Diễm. Chính hình ảnh giản dị đó của cô với thần thái điềm đạm mà đầy chân tình, những câu nói, cử chỉ gần gũi động viên học sinh Lào, giúp các học sinh Lào hoàn thành "lớp học vỡ lòng” để chuẩn bị cho khóa học mới... ​đã là ấn tượng không phai mờ trong ký ức.

“Ngày đầu tiên, cô Diễm bước vào lớp, lũ học sinh chúng tôi còn vụng về, ngơ ngác nhìn cô, cô mỉm cười, chào chúng tôi trước rồi hỏi thăm sức khoẻ, hỏi ăn cơm có no không, cô hỏi có nhớ nhà không… Những câu hỏi thăm thân thương như những câu các mẹ, các bà thường hỏi ở nhà phá vỡ khoảng cách ban đầu giữa cô và trò, không khí lớp học sôi nổi, vui vẻ hơn hẳn. Nhìn cô, chúng tôi thấy thân quen lắm, cô trò xích gần lại, chúng tôi cũng bớt rụt rè, chủ động hơn” - ông Khamphanh xúc động kể lại.

Đặc biệt, trong khóa học "lớp học vỡ lòng,” cô Diễm là người duy nhất thân mật đặt tên tiếng Việt cho từng học sinh người Lào. Khamphanh được cô Diễm đặt tên Mạnh Hùng bởi theo cô, “trông cậu Khamphanh có vẻ vừa nhanh nhẹn, vừa mạnh khoẻ và làm được nhiều việc tốt."

Khi các học sinh người Lào có thể sử dụng tiếng Việt thành thạo cũng là lúc lớp học chia tay cô Diễm. Đây là giây phút khiến ông Khamphanh xúc động nhất bởi trong giờ phút chia tay, những học sinh vô tư cười đùa, vui vẻ thì cô Diễm lại bật khóc. Ông Khamphanh tâm sự: “Chia tay lớp, cô nghẹn ngào nói: ‘Bây giờ các em như con chim đủ lông, đủ cánh, phải xa rời tổ. Cô chúc các em luôn bay cao, bay xa và luôn luôn thành công’. Suốt 36 năm qua, tôi nhớ mãi, không thể nào quên được những lời nói ấy. Lời dạy của cô như điểm tựa vững chắc cho tôi mỗi khi đối mặt với những khó khăn, thất bại trong cuộc sống."

Bài 1: Ký ức khó phai về cô giáo tiếng Việt của cựu học sinh Lào ảnh 2Ông Khamphanh (bên phải) và người bạn của mình về thăm lại ngôi trường cũ. (Ảnh: Huy Đồng/Vietnam+)

Trong 3 năm học tại trường Phổ thông Miền núi số 1 Vĩnh Phú, ông còn nhớ mãi những bữa cơm ở trưa “2 không” của thầy cô giáo: không gạo, không thức ăn. Bữa ăn của thầy cô chỉ vỏn vẹn những củ ngô, khoai, sắn thi thoảng may mắn hơn có bữa cơm độn trong khi học sinh Lào vẫn có cơm ăn no đủ. Thế nhưng không khi nào thấy thấy cô than vãn mệt mỏi, hàng ngày vẫn nhiệt tình đứng lớp, say mê với công việc giảng dạy.

Đã gần 40 năm trôi qua nhưng ông Khamphanh vẫn nhớ như in từng thầy cô giáo cũ, thầy Chừng hiệu phó, cô Duẩn chủ nhiệm, thầy Thực, cô Mạnh dạy Văn học, thầy Mùi hiệu trưởng, thầy Thịnh dạy thể dục… Và khi kể đến thầy Thịnh dạy môn Thể dục, ông Khamphanh chợt nhớ ra một kỷ niệm rất thú vị. Thầy Thịnh biết một số câu tiếng Lào cơ bản để giao tiếp nhưng thầy rất hay nói sai ngữ pháp. Thi thoảng, những câu nói của thầy khiến học sinh có những trận cười sảng khoái.

Sau khoá học phổ thông, ông trở về Lào làm việc trong 3 tháng rồi tiếp tục quay trở lại Việt Nam, theo học 4 năm (từ năm 1981 đến năm 1985) tại khoa Kỹ thuật Thông tin, Đại học Bách khoa Hà Nội. Những năm tháng học tập tại Việt Nam đã tu luyện cho ông Khamphanh trưởng thành, để khi trở về công tác tại Lào, ông đã đảm nhiệm và trải qua nhiều chức vụ quan trọng khác nhau như Trưởng phòng Kỹ thuật Thông tấn xã Lào (KPL); Cục phó Cục Viễn thông và Công nghệ thông tin – Bộ Bưu chính Viễn thông Lào; Phó Tổng giám đốc Internet Quốc gia Lào và hiện đang là Cục trưởng Cục Thanh tra – Bộ Bưu chính Viễn thông Lào.

“Tôi đã gần như gắn bó và dành trọn những năm tháng nhiệt huyết nhất của tuổi trẻ tại Việt Nam với nhiều kỷ niệm đẹp và những bài học trưởng thành. Với tôi, ngôi trường như mái nhà, những thầy cô giáo là cha mẹ có công dưỡng dục, tất cả trở thành tổ ấm thứ 2 trong cuộc đời của tôi. Những năm tháng ấy là nền tảng vững chắc để có được tôi của ngày hôm nay” - ông Khamphanh nói.

Với những ký ức đẹp cùng tình yêu đặc biệt dành riêng cho đất nước và con người Việt Nam, tất cả thôi thúc cựu học sinh Lào Khamphanh sẽ có ngày trở về đây, tìm lại những miền ký ức quý không thể nào quên…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục