Bài 5: Ngành thủy sản vươn ra đại dương để phát triển kinh tế biển

Với vị thế hiện nay, Việt Nam đang nằm trong tốp 5 quốc gia cung cấp thủy sản lớn trên thế giới và các mặt hàng chất lượng như tôm, cá tra, cá ngừ đã có mặt tại các thị trường khó tính nhất.
Bài 5: Ngành thủy sản vươn ra đại dương để phát triển kinh tế biển ảnh 1Thông qua chuỗi liên kết, chất lượng nguyên liệu đưa đến nhà máy và khu vực chế biến đã được nâng lên rõ rệt.

Việt Nam có bờ biển trải dài 3.260km dọc Bắc-Trung-Nam cùng với trữ lượng tài nguyên phong phú được xem là lợi thế rất lớn trong việc phát triển kinh tế biển.

Chỉ riêng ngành thủy sản, trong 20 năm trở lại đây, nhờ sự chuyển dịch mạnh mẽ, ngành đã có những bước phát triển vượt bậc, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Đặc biệt, trong bài phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 8 khóa 12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh về Chiến lược kinh tế biển, trong đó phấn đấu đến 2030 đóng góp của các ngành kinh tế thuần biển chiếm khoảng 10% GDP cả nước và đóng góp tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của các tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65%-70% GDP cả nước.

Nghị quyết này được coi như một định hướng quan trọng nhằm tạo ra bước đột phá mới đối với ngành nông nghiệp nói chung và lĩnh vực thủy sản nói riêng trong Chiến lược phát triển kinh tế biển, giúp Việt Nam có thể giàu từ biển và mạnh vì biển.

[Những rào cản trong tiến trình phát triển kinh tế biển Việt Nam]

Khai thác nguồn lợi từ lòng biển

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng bình quân gần 15%/năm, từ mức thấp 550 triệu USD năm 1995 lên 9 tỷ USD năm 2018.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong năm 2018 hầu hết các mặt hàng đều có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Trong đó, mặt hàng tôm đem về 3,58 tỷ USD, cá tra đạt 2,26 tỷ USD; nhóm thủy sản gồm cá ngừ 675 triệu USD, nhuyễn thể, đạt 785 triệu USD...

Với vị thế hiện nay, Việt Nam đang nằm trong tốp 5 quốc gia cung cấp thủy sản lớn trên thế giới và các mặt hàng chất lượng như tôm, cá tra, cá ngừ đã có mặt tại các thị trường khó tính nhất như Mỹ, EU, Nhật Bản...

Chỉ riêng mặt hàng cá tra, ông Nguyễn Hoài Nam cho hay, đây là sản phẩm mà từ Chính phủ đến cộng đồng doanh nghiệp xác định là mặt hàng chủ lực. Vì vậy, thời gian qua, các doanh nghiệp đã rất năng động trong việc xúc tiến, giới thiệu với bạn hàng cũng như các đối tác nhập khẩu nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Còn với mặt hàng cá ngừ, năm 2018, tỷ lệ chế biến sâu đã có sự thay đổi tích cực, nhiều sản phẩm qua chế biến như cá ngừ đóng hộp, ăn liền… đã được khách hàng quốc tế đặt hàng nhiều hơn.

“Điều này cho thấy xu hướng những mặt hàng có giá trị gia tăng đang là lợi thế đối với Việt Nam,” Phó Chủ tịch VASEP nói.

Cùng với việc thực hiện phát triển kinh tế biển, ngành thủy sản cũng chú trọng nhiều hơn đến việc liên kết trong chuỗi giá trị, nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng của các sản phẩm.

Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết trong kế hoạch tái cơ cấu lĩnh vực này, việc tổ chức lại sản xuất và chuỗi liên kết là một trong những giải pháp được chú trọng và ưu tiên.

Đơn cử tại 3 tỉnh như Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau thời gian qua, chuỗi về mặt hàng tôm đã thể hiện được sự liên kết chặt chẽ, từ việc cung cấp vật tư đầu vào, đến nhà máy chế biến và truy suất được nguồn gốc sản phẩm.

Ngoài ra, với mặt hàng cá tra, liên kết từ vùng sản xuất giống đến vùng nuôi và đến nhà máy chế biến cũng được nhân rộng.

Tương tự với khai thác thủy sản, hiện các tổ đội sản xuất trên biển đã được hình thành, số lượng tàu dịch vụ hậu cần, vận chuyển thủy sản tăng lên. Trong khi với các sản phẩm nuôi trồng, các nguyên liệu để đưa về nhà máy cũng đảm bảo về chất lượng, số lượng và quy cách.

[Hành trình ‘khai sáng’ tư duy hướng mạnh ra biển, giàu lên từ biển]

Bên cạnh đó, việc khai thác hải sản trên biển, đơn cử là các sản phẩm chế biến như cá ngừ, dù sản lượng khai thác giảm song giá trị xuất khẩu tăng 10% trong năm vừa qua.

“Thực tế này cho thấy, thông qua chuỗi liên kết, chất lượng nguyên liệu đưa đến nhà máy và khu vực chế biến đã được nâng lên rõ rệt,” ông Luân nói.

Bài 5: Ngành thủy sản vươn ra đại dương để phát triển kinh tế biển ảnh 2Kinh tế biển đã tạo đà cho việc phát triển của nhiều ngành nghề khác, như đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản...

Chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng

Có thể thấy rất rõ, việc phát triển kinh tế biển đã tạo đà cho việc phát triển của nhiều ngành nghề khác, như đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản...

Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản, đến cuối năm 2018, cả ước có 2.457 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ, trong đó có 1.855 cơ sở sản xuất giống tôm sú và 602 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng.

Về cá tra, cả nước hiện có 230 cơ sở sản xuất giống cá tra, 4.000 hộ ương dưỡng cá giống, sản xuất được khoảng 25 tỷ cá tra bột, hơn 2,5 tỷ cá tra giống.

Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2018 ước đạt 1,3 triệu hécta, bằng 106% so với cùng kỳ 2017, sản lượng nuôi dự kiến đạt 4,3 triệu tấn, tăng 8,3%, trong đó tôm các loại là 800.000 tấn, tăng 10,5%; cá tra 1,42 triệu tấn, tăng 14,0%.

Năm 2018 cũng ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc trong lĩnh vực thủy sản. Diện tích nuôi cá tra đạt 5.400 hécta, sản lượng đạt 1,42 triệu tấn, tăng 8,4% so với 2017.

Về nuôi biển (cá biển, nhuyễn thể, tôm hùm, rong biển, cua ghẹ,...) tiếp tục có sự tăng trưởng tốt, diện tích nuôi cá biển đạt 6.000 hécta với sản lượng 32.000 tấn; nhuyễn thể 45.000 hécta, sản lượng 320.000 tấn; tôm hùm 1.600 tấn, cua ghẹ hơn 60.000 tấn…

Tuy vậy, một thực trạng đáng lo ngại nổi lên gần đây là sự biến đổi khí hậu, kéo theo hạn hán, thiên tai và xâm nhập mặn đã ảnh hưởng không nhỏ tới sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản của Việt Nam.

Đánh giá từ Tổng cục thủy sản cho thấy, năm 2018, nguồn lợi cá đáy tiếp tục suy giảm, cá nổi nhỏ giảm ở các vùng biển và cá nổi lớn suy giảm ở vùng biển xa bờ và Biển Đông so với giai đoạn 2011 - 2015.

Trong khi đó, về mặt chủ quan, theo đại biểu Trương Minh Hoàng, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, việc đánh bắt quá mức đã dẫn đến trữ lượng cạn kiệt từ đó ảnh hưởng đến đời sống của nhiều ngư dân.

Với thực trạng này, ông cho rằng, Nhà nước cần phải có quy hoạch vùng khai thác và thời điểm đánh bắt cũng như đưa ra các quy định về ngư cụ khai thác, tránh việc tận diệt các nguồn thủy hải sản trên biển.

Bài 5: Ngành thủy sản vươn ra đại dương để phát triển kinh tế biển ảnh 3Đến cuối năm 2018, cả ước có 2.457 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ, trong đó có 1.855 cơ sở sản xuất giống tôm sú.

Phát huy lợi thế để cùng vươn ra biển

Hiện nay, Việt Nam đã ký và tham gia rất nhiều Hiệp định thương mại tự do, song những dấu hiệu về bảo hộ thị trường đang đặt ra nhiều thách thức cho ngành thủy sản của Việt Nam.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Chủ tịch VASEP cho hay, trong 10 năm qua, những đòi hỏi khắt khe về chất lượng và kiểm soát an toàn thực phẩm từ các nước nhập khẩu đòi hỏi doanh nghiệp phải không ngừng đầu tư chuyên sâu cũng như kiểm soát sản phẩm một cách chặt chẽ hơn, bởi chỉ một sơ suất nhỏ có thể kéo theo những tác động khôn lường.

“Nếu vượt qua được các tiêu chuẩn khắt khe của nước nhập khẩu cũng đồng nghĩa với việc năng lực cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam tiếp tục được nâng lên,” đại diện VASEP lưu ý thêm.

Trong khi đó, ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thủy sản đưa ra lưu ý, để đảm bảo sản phẩm đồng đều về mặt chất lượng, cũng như đáp ứng đủ nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu, việc liên kết giữa các khu vực sản xuất là điều cần thiết nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và thực hiện truy suất nguồn gốc tốt hơn.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, việc áp dụng các tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu, nếu không thực hiện liên kết tổ chức sản xuất thì đây sẽ là vấn đề khó khăn cho các đơn vị nhỏ lẻ khi bắt tay vào làm.

Theo ông Luân, một hướng đi mà ngành thủy sản đang đẩy mạnh, đó là tiếp tục đầu tư về khoa học công nghệ nhằm tận dụng tốt nhất các nguồn nguyên liệu sẵn có, cũng như chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng phục vụ cho con người, ngành y tế...

“Chỉ riêng cá tra hiện nay đã có thể chế biến thành rất nhiều sản phẩm, đơn cử như colagen là sản phẩm có nhu cầu tốt đem lại giá trị gia tăng cao. Ngoài ra, xương cá có thể giúp chế biến thành bột xương canxi nano phục vụ cho con người hay dầu cá, mỹ phẩm… là mục tiêu nghiên cứu mà ngành hướng tới để tạo ra giá trị lớn hơn cho sản phẩm,” lãnh đạo Tổng cục thủy sản nói.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản, do cách thức canh tác biển vẫn còn nhỏ lẻ, quy mô bé, trình độ sản xuất còn thấp, do vậy dù có tiềm năng lớn nhưng Việt Nam vẫn chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có các nguồn lợi thủy sản.

Từ thực tế này, khi trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam đề xuất, trong lĩnh vực nuôi biển công nghiệp cần được triển khai mạnh mẽ hơn, theo đó không chủ dừng ở việc khai thác đơn thuần mà “phải tiến ra biển lớn vươn ra đại dương, đương đầu với sóng gió cũng như vượt qua thách thức để canh tác biển.”

Hơn thế nữa, lĩnh vực nuôi biển công nghiệp cần tiếp cận theo hướng huy động được lực lượng của tất cả các ngành kinh tế có liên quan đến biển, như ngành đóng tàu, dầu khí, vận tải biển, du lịch… nhân lên sức mạnh của tất cả các ngành, qua đó đóng góp tích cực hơn vào chiến lược phát triển kinh tế biển của đất nước như mục tiêu mà Chiến lược phát triển kinh tế biển đặt ra./.

Bài 6: Cảng biển ‘lột xác” sau thập kỷ, chờ khơi thông dòng vốn

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục