Bài học phòng cháy tại Nga: Muốn cứu mình thì phải bảo vệ mình

Tại Nga, Lực lượng phòng cháy chữa cháy thuộc Bộ Các tình trạng khẩn cấp và số điện thoại 112 là số điện thoại khẩn cấp chung cho các lực lượng cứu hộ, từ chữa cháy cho đến thiên tai, địch họa.
Bài học phòng cháy tại Nga: Muốn cứu mình thì phải bảo vệ mình ảnh 1Một buổi tham quan tại Trạm Phòng cháy chữa cháy số 38 quận Gagarin, Moskva, cho các em học sinh lớp 2. (Ảnh: Tâm Hằng/Vietnam+)

Ngày 25/3 một trung tâm thương mại tại thành phố Kemerovo miền trung Siberi lạnh lẽo của nước Nga đã bị cháy rụi, 64 người thiệt mạng, đa số trong đó là trẻ em. Vụ việc bị khởi tố và vẫn đang được điều tra, có một số cá nhân bị bắt, phát hiện ra một số sai phạm trong trang thiết bị phòng chống cháy nổ, trong công tác sơ tán. Nhưng dù kết luận cuối cùng như thế nào cũng không còn có thể trả lại người thân cho các gia đình.

Sau vụ cháy được xem là một trong những vụ có thiệt hại lớn nhất về người trong cả 100 năm qua tại nước Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã chỉ thị tổng rà soát lại tất cả các trung tâm thương mại, tăng cường chiến dịch phổ biến quy tắc an toàn cháy nổ đến mọi người dân.

Giáo dục ý thức từ lứa tuổi nhỏ

Tại Nga, Lực lượng phòng cháy chữa cháy thuộc Bộ Các tình trạng khẩn cấp và số điện thoại 112 là số điện thoại khẩn cấp chung cho các lực lượng cứu hộ, từ chữa cháy cho đến thiên tai, địch họa. Công tác giáo dục phổ biến kiến thức phòng cháy chữa cháy được tiến hành thường xuyên tại Nga.

Lực lượng phòng cháy chữa cháy có riêng bộ phận chuyên trách công tác này, kết hợp với nhà trường, cơ quan, ban quản lý chung cư, các trung tâm thương mại v.v. tổ chức các buổi tham quan, các giờ hướng dẫn tại hiện trường kỹ năng thoát hiểm, và quan trọng hơn là cách sử dụng lửa an toàn. Trạm phòng cháy chữa cháy-cứu hộ số 38 quận Gagarin thành phố Moskva ngày 10/4 đã đón đoàn học sinh lớp 2 một trường phổ thông gần đó. Cô giáo và khá đông phụ huynh đi theo tháp tùng. Các em được tận mắt nhìn thấy một chiếc xe cứu hỏa, hoạt động và công dụng của thiết bị có trên xe và trang phục bảo hộ cần có cho ngành nghề đặc biệt nguy hiểm song lại luôn gắn với những chiến công này.

Khi phóng viên TTXVN hỏi em sẽ làm gì nếu có báo cháy ở trường học, em Dania 8 tuổi đáp: “Nếu có cháy, chúng cháu phải ra khỏi trường ngay và gọi đến số 101 hoặc 112.” Ngay cả với người lớn cũng có dịp nhớ lại những nguyên tắc an toàn mà đôi khi rất dễ bị lãng quên trong đời sống.

Bà của Dania cho biết: “Cuộc tham quan rất lý thú và bổ ích, ngay cả người lớn chúng tôi cũng vỡ ra nhiều điều. Ví dụ nhà tôi vừa sửa nhà và có dùng vật liệu nhựa, nhưng hôm nay nghe anh cứu hỏa nói thì hóa ra không hề nên dùng, vật liệu nhựa rất nguy hiểm trong trường hợp cháy, nên dùng những vật liệu tự nhiên hơn. Còn các cháu thì quá là thích thú, giờ các cháu được biết chỗ nào được chơi, chỗ nào không nên, biết thận trọng khi dùng lửa, đôi khi chúng có vứt que diêm lung tung, giờ thì chúng biết là không được vứt thế, mà cả mang theo người cũng không được.”

Bài học phòng cháy tại Nga: Muốn cứu mình thì phải bảo vệ mình ảnh 2Một buổi tham quan tại Trạm Phòng cháy chữa cháy số 38 quận Gagarin, Moskva, cho các em học sinh lớp 2. (Ảnh: Quang Vinh/Vietnam+)

Đồng bộ và phối hợp trong công tác cứu hộ

Với những tòa nhà chọc trời tại Moskva thì điều kiện làm việc của người nhân viên chữa cháy không hiếm khi có những pha treo người ngoạn mục như trong bộ phim hành động và vì vậy tuân thủ quy định về trang phục bảo hộ là nguyên tắc không ai có thể coi nhẹ mỗi khi đi làm nhiệm vụ.

Theo quy định, xe chữa cháy phải có mặt tại hiện trường trong vòng 10 phút kể từ khi nhận điện báo cháy nếu ở thành phố, và không quá 20 phút nếu ở nông thôn. Vì vậy ngoài sức khỏe và kỹ năng của lính cứu hỏa được rèn luyện tốt thì tình trạng hoạt động cũng như mức độ sẵn sàng của xe máy, phương tiện chữa cháy luôn được đảm bảo 100%. Công tác phòng cháy chữa cháy tại Nga được xem là đồng bộ giữa công tác phòng chống, tuyên truyền giáo dục người dân, kiểm tra giám sát tình hình thực hiện quy định an toàn cháy nổ. Một trạm phòng cháy chữa cháy như trạm số 38 quận Gagarin thành phố Moskva có đầy đủ các phòng ban chức năng cũng như các chuyên gia, kỹ sư cho các nhiệm vụ trên.

Anh Buku Bushkiev, đội phó đội chữa cháy-cứu hộ số 26 thuộc Lực lượng chữa cháy thành phố Moskva cho biết, chữa cháy chỉ là khâu cuối cùng đáng tiếc trong hoạt động của lực lượng khẩn cấp. Nhiệm vụ đặt ra cho lực lượng là làm sao để nâng cao ý thức cho người dân, cho doanh nghiệp.

Tại Nga, yêu cầu đối với doanh nghiệp kinh doanh tại các cơ sở là phải trang bị hệ thống phòng cháy hoàn chỉnh, hệ thống báo cháy tự động. Hệ thống này hiện cũng đang được nhân rộng ra các tòa nhà ở. Song quan trọng nhất vẫn là làm sao để mọi người dân đều tuân thủ các biện pháp an toàn phòng chống cháy nổ, và theo người lính chữa cháy Bushkiev thì đây chính là đảm bảo cho tính mạng con người trong trường hợp đáng tiếc.

Trung bình mỗi quận hành chính của thành phố Moskva có từ 5 đến 6 đơn vị lực lượng các tình trạng khẩn cấp, mỗi đơn vị gồm 15-20 nhân viên và 5-6 xe chữa cháy chuyên dụng, có téc nước tự động, bơm tự động và thang vượt. Ngoài ra, trong quận còn có đơn vị ứng cứu tai nạn. Trong các trường hợp khẩn cấp, tai nạn, thiên tai, hỏa hoạn thì hoạt động của Lực lượng các tình trạng khẩn cấp được tiến hành phối hợp, ví dụ trong trường hợp hỏa hoạn, cùng lúc sẽ có lực lượng chữa cháy của địa bàn và lực lượng cứu hộ trực của quận đến hiện trường. Công tác dập lửa, cứu nạn con người, xử lý hậu quả v.v. được thực hiện đồng bộ nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và vật chất, cũng như nhanh chóng khắc phục hậu quả, nối lại hoạt động sinh hoạt của người dân.

Sự phối hợp và đồng bộ cũng được thực hiện ở các khâu giấy tờ, văn bản v.v. Sơ đồ bố trí một tòa nhà luôn được lưu hai bản, một bản tại phòng điều vận của tòa nhà, bản thứ hai lưu tại trạm cứu hỏa, cứu hộ chịu trách nhiệm về khu vực. Trong trường hợp xảy ra cháy, lực lượng cứu hỏa và cứu hộ sẽ đến hiện trường mà có sẵn trong tay bản sơ đồ chi tiết của tòa nhà, hữu ích rất nhiều trong công tác dập lửa, sơ tán người dân cũng như tìm kiếm nạn nhân.

Bài học phòng cháy tại Nga: Muốn cứu mình thì phải bảo vệ mình ảnh 3 Hệ thống báo cháy tự động đặt tại phòng điều vận của chung cư nơi có nhân viên trực 24/24 giờ. (Ảnh: Quang Vinh/Vietnam+)

Muốn cứu mình phải bảo vệ mình

Theo như anh Buku Bushkiev cho biết, có ba nguyên nhân chính dẫn đến hỏa hoạn tại Nga: bất cẩn trong sử dụng lửa, chập thiết bị điện, dây điện, và đốt có chủ đích. Trong đó, những vụ cháy có thiệt hại về người thường là các vụ cháy ở nơi tập trung đông người, và các vụ cháy ban đêm khi người dân đang ngủ và không kịp thời sơ tán. Ngoài những nguyên nhân dẫn đến thiệt hại về người do bất cẩn hay vi phạm, có những trường hợp đáng tiếc do chính lỗi của người dân. Ví dụ trong một vụ cháy mới đây tại trung tâm thương mại ở Moskva, một nhân viên của trung tâm đã bị thiệt mạng do nhầm lẫn hướng thoát hiểm.

Kỹ sư trưởng Valery Marushko, người chịu trách nhiệm về vận hành tòa nhà chung cư số 67 đại lộ Leninsky, nơi đặt trụ sở Cơ quan đại diện TTXVN tại Moskva cũng kể lại câu chuyện về một phụ nữ sống trong tòa nhà thuộc công ty của ông điều hành luôn di chuyển lên các tầng trên trong khi báo cháy ở tầng một. Ông Marushko giải thích, lửa và khói luôn bốc lên phía trên, cho nên trong trường hợp này, thay vì di chuyển xuống dưới nơi có cửa thoát thì người phụ nữ kia lại chọn nơi có nhiệt độ cao nhất, nguy cơ ngạt và bỏng cũng cao nhất.

Các phương tiện phòng cháy chữa cháy cũng như hệ thống báo động động trong các tòa nhà chung cư của Nga do công ty được cấp phép cung cấp. Trả lời câu hỏi về chất lượng của thiết bị, ông Marushko cho biết, chất lượng do công ty chức năng kiểm soát, tùy theo loại thiết bị mà các cuộc kiểm tra được tiến hành hai tháng hoặc sáu tháng một lần, tất cả các tình trạng không đạt chuẩn hay vi phạm đều được xử lý ngay tại chỗ và ngay lập tức. Tuy nhiên, ông đánh giá, chất lượng trang thiết bị không phải là yếu tố quan trọng hàng đầu, mà cái chính là phải bảo đảm được tình trạng hoạt động, thực hiện các biện pháp theo quy định và người dân có ý thức trong sinh hoạt hàng ngày. Ông khẳng định, nếu tuân thủ được hai điều kiện đó, sẽ không bao giờ có thể có thiệt hại đáng tiếc.

Để kết luận bài viết, xin dẫn ra lời của người lính cứu hỏa dạn dày kinh nghiệm và thành tích Buku Bushkiev: “Là một lính chữa cháy tôi muốn nói rằng để có thể tự cứu mình trong trường hợp hỏa hoạn, người dân trước hết phải bảo vệ lấy mình, cần phải tuân thủ các biện pháp an toàn phòng chống cháy nổ, ví dụ, trong các tòa nhà chung cư không được đồ đồ gỗ cản trở các lối đi lại, lối thoát hiểm, không được tàng trữ chất gây cháy, khi phát hiện có cháy thì gọi ngay số điện thoại cứu hỏa, sau đó báo với bảo vệ, với hàng xóm, tùy theo khả năng mà hỗ trợ dập lửa bằng các phương tiện chữa cháy như họng nước, bình chữa cháy được trang bị v.v.”

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục