Bài phát biểu của ông bố có con học kém nhất lớp gây "sốt mạng xã hội"

Một ông bố Trung Quốc bày tỏ niềm tin rằng cậu con trai học lực kém của mình sẽ có một tương lai tươi sáng đã khơi dậy một cuộc thảo luận về phương pháp nuôi dạy con cái.

Ông bố nói với rằng cậu con trai có tâm lý vững vàng và đang tiến bộ từng ngày. (Nguồn: Douyin)
Ông bố nói với rằng cậu con trai có tâm lý vững vàng và đang tiến bộ từng ngày. (Nguồn: Douyin)

Bài phát biểu của một ông bố ở Trung Quốc, trong đó bày tỏ niềm tin rằng cậu con trai học lực kém của mình sẽ có một tương lai tươi sáng, đã thu hút sự chú ý trên mạng xã hội nước này và khơi dậy một cuộc thảo luận về phương pháp nuôi dạy con cái.

SCMP dẫn một nguồn tin cho biết trong cuộc họp giữa giáo viên và phụ huynh tại một trường tiểu học ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc, một ông bố có con trai học kém nhất lớp đã được mời đến nói chuyện về con mình.

"Con trai tôi là một học sinh kém, nhưng tôi tin con có thể đóng góp to lớn cho xã hội khi trưởng thành," ông bố nói trong đoạn video được lan truyền trên mạng xã hội.

Sau đó, ông bố cũng xin lỗi các giáo viên vì điểm số của con đã khiến điểm trung bình của lớp bị kéo tụt xuống.

"Học lực của con trai tôi rất kém. 'Thành tích' đội sổ của con khiến thành tích của cả lớp bị kéo xuống nghiêm trọng. Tôi rất áy náy và xin lỗi vì điều này, nhưng thực sự, tôi vẫn tin rằng con trai sẽ có một tương lai tươi sáng," ông bố nói.

Ông bố này cho biết thông thường điểm số là tiêu chí để phụ huynh nhận định, đánh giá và suy đoán con mình có nghiêm túc học tập và có một tương lai tốt về sau hay không. Tuy nhiên, anh cho biết anh không suy nghĩ như vậy.

“Nhưng tôi vẫn tin con trai mình sẽ có một tương lai tươi sáng,” ông bố nhấn mạnh và nói thêm: “Đó là vì hai yếu tố. Thứ nhất, dù con trai tôi bị điểm kém nhưng con vẫn cảm thấy thoải mái. Cậu bé vẫn ăn, uống, chơi và ngủ ngon. Cậu bé dường như không bao giờ lo lắng về việc học của mình và điều này khiến tôi thực sự ngưỡng mộ."

“Điều này có nghĩa là con trai tôi là một đứa trẻ có tâm lý vững vàng, thậm chí còn tốt hơn tôi. Tôi là người có chứng chỉ tư vấn tâm lý và tôi biết rằng tâm lý vững vàng và chỉ số EQ cao là yếu tố quyết định sự thành công trong sự nghiệp của chúng ta,” ông bố nói.

Lý do thứ hai được ông đưa ra là cậu bé đang dần tiến bộ trong học tập nhờ có thầy cô.

“Đôi khi con trai tôi có thể đạt 60/100 điểm trong các bài kiểm tra. Vì vậy tôi nghĩ cậu bé có cơ hội trở thành một người thành công trong tương lai,” ông bố nói thêm.

tre_con.jpg
Với dân số đông và môi trường học tập nặng về thi cử, học sinh Trung Quốc phải trải qua nhiều kỳ thi khó khăn. (Nguồn: Ảnh do AI tạo ra từ Bing Image Creator)

Cộng đồng mạng Trung Quốc đã ca ngợi ông bố hết lời.

Chỉ riêng trên Douyin, video bài phát biểu dài 2 phút của ông bố đã thu hút 8,3 triệu lượt xem và hơn 200.000 lượt yêu thích.

Một cư dân mạng viết: “Đây là ông bố sáng suốt nhất Trung Quốc.”

“Cuộc sống là một cuộc chạy marathon. Còn quá sớm để nói một người thắng hay thua ở độ tuổi trẻ như vậy,” một người khác viết.

“Mọi đứa trẻ đều mong muốn được cha mẹ công nhận và hỗ trợ. Nếu bạn không chấp nhận những khuyết điểm của con thì làm sao cậu bé có thể đối mặt với những thách thức trong xã hội?” người thứ ba viết.

Những câu chuyện về việc nuôi dạy con cái thường xuyên gây chú ý ở Trung Quốc.

Vào tháng Chín, một bà mẹ ở tỉnh Chiết Giang, phía Đông Trung Quốc, đã an ủi cô con gái tuổi teen bằng cách ôm và hôn sau khi cô bé hỏi tại sao mình không đẹp bằng mẹ.

Đoạn video clip về sự tương tác của hai mẹ con đã khiến nhiều người xúc động.

Ngoài ra, một người phụ nữ ở Thượng Hải đã giành được nhiều lời khen ngợi trên mạng vì thái độ khoan dung của cô đối với con trai mình, một học sinh cấp hai, sau khi cậu bé để lại lời nhắn yêu cầu cô bỏ qua những lời phàn nàn của giáo viên về điểm số thấp của cậu.

Nhưng không phải phụ huynh nào cũng làm được điều này, mới đây câu chuyện về một bà mẹ ở Trung Quốc đã dọa sẽ tự tử bằng cách nhảy lầu nếu con trai mình không học tập chăm chỉ đã vấp phải nhiều sự chỉ trích trên mạng xã hội ở nước này.

Với dân số đông và môi trường học tập nặng về thi cử, học sinh Trung Quốc phải trải qua nhiều kỳ thi khó khăn.

Các gia đình Trung Quốc thường đặt nhiều áp lực lên con cái để chúng đạt được thành tích cao trong học tập. Điều này có thể làm tăng áp lực tinh thần và tâm lý của học sinh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục