Trong 6 tháng đầu năm 2024, Nhật Bản ghi nhận tổng cộng 37.227 trường hợp qua đời trong cô độc tại nhà.
Số liệu chính thức này vừa được Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản công bố.
Trong số những người qua đời một mình tại nhà, có tới 28.330 người trên 65 tuổi, chiếm khoảng 76%.
Theo độ tuổi, những người trên 85 tuổi là nhóm có số người chết trong cô độc cao nhất, với 7.498 trường hợp, trong khi những người dưới 30 tuổi là nhóm có số người chết trong cô độc thấp nhất, với 473 trường hợp.
Theo giới tính, số nam giới chết trong cô độc cao gấp hơn 2 lần so với số nữ giới. Các vùng đô thị ghi nhận số người chết trong cô độc ở mức rất cao, trong đó có thủ đô Tokyo và các tỉnh như Kanagawa, Chiba, Saitama, cũng như Osaka.
Trong bối cảnh Nhật Bản đang phải vật lộn với tình trạng dân số già đi nhanh chóng, việc hỗ trợ những người già sống một mình ngày càng trở nên quan trọng hơn.
Theo thống kê của chính phủ, tỷ lệ hộ gia đình độc thân ở mức 36% vào năm 2020 và tỷ lệ này dự kiến sẽ vẫn tăng cao trong tương lai. Trong khi đó, tỷ lệ những người từ 65 tuổi trở lên là 28,6% vào năm 2020 và dự kiến còn tăng hơn nữa.
Ngoài ra, theo Viện Nghiên cứu An sinh Xã hội và Dân số Quốc gia Nhật Bản, số người trên 65 tuổi sống một mình ở nước này ước tính sẽ tăng từ 7,38 triệu vào năm 2020 lên 8,87 triệu vào năm 2030 và lên 10,84 triệu vào năm 2050.
Số người qua đời một mình tại nhà vì bỏ bê bản thân cũng được cho là sẽ gia tăng, mặc dù vấn đề này không hoàn toàn mới đối với Nhật Bản.
Cụm từ "koritsushi" (chết trong cô độc) đã trở thành từ vựng phổ biến ở Nhật Bản sau trận động đất Kobe năm 1995. Vào thời điểm đó, nhiều người lớn tuổi buộc phải rời khỏi khu dân cư của họ và phải sống trong những ngôi nhà tạm bợ trong một thời gian dài.
Cụm từ "koritsushi" (chết trong cô độc) đã trở thành từ vựng phổ biến ở Nhật Bản sau trận động đất Kobe năm 1995. Vào thời điểm đó, nhiều người lớn tuổi buộc phải rời khỏi khu dân cư của họ và phải sống trong những ngôi nhà tạm bợ trong một thời gian dài. Một số người sau đó rơi vào trạng thái tự cách ly bản thân, từ chối chăm sóc bản thân hoặc từ chối nhận sự chăm sóc từ người khác.
Các chuyên gia nói rằng chứng mất trí nhớ và bệnh tâm thần thường gây ra tình trạng như vậy, đồng thời lưu ý rằng ngay cả khi người dân từ chối nhận sự chăm sóc từ người khác, chính phủ cần tìm cách hỗ trợ để họ có thể sống tốt hơn.
Họ cho rằng tác động kinh tế xã hội của những cái chết đơn độc đối với những người ở lại như hàng xóm và các thành viên khác trong gia đình cũng phải được xem xét.
Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2011 về "koritsushi" đã chỉ ra rằng 70% các khu dân cư tại Nhật Bản không thống kê các trường hợp tử vong trong cô độc.
Trong bối cảnh đó, tháng 8/2023, Văn phòng Nội các Nhật Bản đã thành lập một nhóm chuyên gia để tìm hiểu về những cái chết đơn độc, như một phần trong kế hoạch xây dựng các biện pháp ứng phó cần thiết.
Trong một báo cáo được công bố vào tháng 12/2023, các chuyên gia đã định nghĩa koritsushi là “qua đời mà không ai biết và thi thể của họ được tìm thấy sau một thời gian nhất định”./.