Ngày 29/8, công ty dược phẩm sinh học Emergent BioSolutions của Mỹ cho biết Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) nước này đã chấp thuận sử dụng rộng rãi vaccine ACAM2000 phòng bệnh đậu mùa khỉ (mpox) của hãng cho những người có nguy cơ mắc bệnh cao.
Theo FDA, ACAM2000 là vaccine sống giảm độc lực, song có thể gây tác dụng phụ. Trung bình cứ 175 người tiêm vaccine ACAM2000 có 1 người gặp tình trạng viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim.
Quyết định mới nhất của FDA được đưa ra sau khi Emergent BioSolutions nộp đơn lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đăng ký đưa vaccine ACAM2000 vào danh mục khuyến cáo sử dụng khẩn cấp.
Vaccine sống như ACAM2000 là loại vaccine được sản xuất từ các tác nhân gây bệnh (virus hoặc vi khuẩn) vẫn còn sống nhưng đã bị làm suy yếu. Các tác nhân đã giảm độc lực này khi được tiêm vào cơ thể sẽ vẫn hoạt động và tiếp tục nhân lên để tạo thành một quần thể đủ để kích thích hệ miễn dịch phát triển kháng thể, giúp cơ thể xây dựng miễn dịch.
Khi gặp lại vi khuẩn hoặc virus trong tương lai, hệ miễn dịch đã được tiêm chủng sẽ có khả năng nhận biết và tiêu diệt tác nhân gây bệnh, giúp ngăn ngừa nhiễm bệnh hoặc nếu nhiễm bệnh sẽ không tiến triển nặng.
Về cách thức tiêm phòng, thay vì một mũi như các loại vaccine thông thường, vaccine ACAM2000 được tiêm qua một loạt vết chích nhỏ trên da bằng kim tiêm có 2 mũi, tạo sẹo. Khoảng 2 đến 4 tuần sau tiêm, sẹo sẽ lành.
Trong khoảng thời gian đó, virus sống đã được làm giảm độc lực có thể tỏa đi khắp các bộ phận của cơ thể, củng cố hệ miễn dịch.
Tuy nhiên, FDA khuyến nghị không tiêm vaccine ACAM2000 cho những người có hệ miễn dịch suy yếu, chẳng hạn như người nhiễm virus HIV.
Đầu tháng Tám này, WHO đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu do bệnh đậu mùa khỉ bùng phát ở các nước châu Phi. Biến thể mới của virus là Clade 1b khiến dịch bệnh lây lan nhanh chóng tại đây.
Tuần trước, Emergent thông báo sẽ tặng 50.000 liều vaccine đậu mùa của công ty này cho Cộng hòa Dân chủ Congo và các quốc gia bị ảnh hưởng khác gồm Burundi, Kenya, Rwanda và Uganda để ngăn chặn đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ hiện nay./.
WHO thông tin thêm về cách lây lan của bệnh đậu mùa khỉ
Trong thông báo đăng tải trên trang chủ, WHO cho biết bệnh đậu mùa khỉ lây lan giữa người với người, chủ yếu thông qua tiếp xúc vật lý gần gũi với người bị nhiễm virus.