Bài toán khó của Malaysia trong hiện đại hóa lực lượng không quân

Kể từ năm 2010, chi tiêu quốc phòng của Malaysia đã giảm từ 1,5% GDP vào năm 2010 xuống còn 1% vào năm 2020, đồng nghĩa với việc RMAF không thể nhanh chóng hiện đại hóa các tài sản của mình.
Bài toán khó của Malaysia trong hiện đại hóa lực lượng không quân ảnh 1Chiến đấu cơ Sukhoi Su-30MKM của Không quân Hoàng gia Malaysia. (Nguồn: thereaderwiki.com)

Theo trang mạng eastasiaforum.org, ngày 31/5/2021, một “đội hình chiến thuật” gồm 16 máy bay quân sự của Trung Quốc đã xâm nhập vào không phận phía trên vùng biển ngoài khơi bờ biển Sarawak, Borneo của Malaysia.

Vụ việc này đã khiến lực lượng Không quân Hoàng gia Malaysia (RMAF) phải điều máy bay ra để nhận diện rõ ràng các máy bay quân sự Trung Quốc. Sự cố này cũng cho thấy tầm quan trọng của việc đảm bảo rằng RMAF có thể bảo vệ các lợi ích an ninh của Malaysia.

Malaysia cần đảm bảo các thiết bị của RMAF không bị lỗi thời và luôn duy trì tư thế sẵn sàng hành động ở mức độ tối ưu.

Tuy nhiên, khả năng hoàn thành nhiệm vụ của RMAF bị giới hạn bởi những hạn chế về ngân sách.

Kể từ năm 2010, Malaysia đã chứng kiến xu hướng giảm chi tiêu quốc phòng, theo đó khoản chi cho lĩnh vực này đã giảm từ 1,5% GDP vào năm 2010 xuống còn 1% vào năm 2020.

Trên thực tế, ngân sách quốc phòng của Malaysia đã tụt từ mức đỉnh điểm là 4,6 tỷ USD vào năm 2015 xuống còn 3,8 tỷ USD vào năm 2020. Kết quả là, ngân sách dành cho chi phí vận hành giảm khoảng 11%, còn chi phí phát triển giảm xuống dưới 800 USD trong cùng giai đoạn.

Tình trạng này đồng nghĩa với việc RMAF không thể nhanh chóng hiện đại hóa các tài sản của mình và đảm bảo tư thế sẵn sàng hành động cho các tài sản hiện có.

RMAF hiện có xấp xỉ 71 máy bay chiến đấu trong kho vũ khí của mình, với các chủng loại đa dạng như F/A-18D Hornets, Mig-29N, Sukhoi-30 MKM, Hawk MK-108/MK-208 và MB-339C.

Các máy bay Hornets và Hawk được tậu về từ giữa những năm 1990, trong khi các máy bay Sukhois được chuyển giao cho RMAF trong giai đoạn từ 2007-2009.

Các máy bay Mig-29 đã lần lượt ngừng hoạt động kể từ năm 2009. Nỗ lực đầu tiên nhằm tìm kiếm những sự thay thế phù hợp là chương trình Máy bay chiến đấu đa chức năng. Tuy nhiên, sự hạn chế về ngân sách đã khiến Malaysia phải tạm ngừng chương trình này vào năm 2017.

Những nỗ lực của RMAF nhằm hiện đại hóa phi đội máy bay trực thăng vận tải của mình đang được xúc tiến một cách chậm chạp. Phải đến tận cuối năm 2020 thì RMAF mới công bố sẽ cho phi đội máy bay trực thăng Sikorsky S-61A-4 NURI (đã hoạt động được hơn 50 năm) ngừng phục vụ trong vòng vài năm tới.

Hiện, nước này chưa có kế hoạch mua các thiết bị mới hơn, và RMAF đang cân nhắc thuê một vài máy bay trực thăng để làm phương án tạm thời.

Thêm vào đó, nguồn lực tài chính thiếu thốn đã tác động đến khả năng bảo trì các tài sản hiện có. Trong vòng 13 năm trước năm 2019, ngân sách vận hành hàng năm của RMAF đã tăng không đáng kể khoảng 3%, lên khoảng 600 triệu USD.

[Đối thoại Perwira 2020: Malaysia công bố Sách Trắng Quốc phòng]

Trong năm 2018-2019, nguồn tài chính được chính phủ Malaysia phân bổ chỉ đáp ứng được 47% chi phí hậu cần của RMAF. Kết quả là, các hoạt động bảo trì các tài sản hiện có phải giảm đi hoặc không thể đảm bảo cho tất cả.

Một ví dụ điển hình là tư thế sẵn sàng tác chiến của máy bay chiến đấu Sukhoi. Năm 2018, chỉ có 4 chiếc Sukhoi có thể bay. Tính đến năm 2021, RMAF được cho là sở hữu khoảng 43 máy bay có khả năng chiến đấu.

Bất chấp những thách thức tài chính, RMAF đã áp dụng các biện pháp để củng cố các năng lực của mình. Lực lượng này đã xử lý các vấn đề về bảo trì, theo đó các máy bay Sukhoi đang trải qua một chương trình tân trang lớn ở trong nước nhằm kéo dài tuổi thọ hoạt động.

Hiện, Malaysia còn có kế hoạch mua thêm các thiết bị mới cho RMAF theo Kế hoạch Phát triển Năng lực RMAF 2055 (CAP55) được khởi động từ năm 2018.

Chương trình này giúp cân bằng nhu cầu duy trì các năng lực của RMAF với những hạn chế về tài chính. Chẳng hạn như các kế hoạch của RMAF nhằm giảm bớt các nền tảng chiến đấu của mình từ 5 xuống còn 2, một động thái chiến lược sẽ giảm bớt chi phí vận hành về lâu dài.

RMAF hiện đang tập trung vào việc mua các nền tảng mới theo chương trình máy bay chiến đấu hạng nhẹ để thay thế các máy bay Hawk, MB-339 và Mig-29.

Ngày 22/6 vừa qua, Bộ Quốc phòng Malaysia đã bổ nhiệm một người phụ trách chương trình này.

Máy bay chiến đấu hạng nhẹ được kỳ vọng sẽ đối phó với một loạt mối đe dọa, từ truyền thống đến các cuộc nổi loạn. Những kỳ vọng này nhất quán với Sách Trắng Quốc phòng Malaysia năm 2019, trong đó đề cập đến nhu cầu đẩy mạnh năng lực phòng không và chiến đấu trên không của Malaysia.

Với thực tế là ngân sách có giới hạn, các nhà hoạch định quốc phòng sẽ buộc phải lựa chọn một loại máy bay chiến đấu hạng nhẹ vì lý do đầu tiên là vấn đề chi phí, điều họ đã từng làm trước đây.

Chẳng hạn, chi phí mua các máy bay Mig và Sukhoi của Nga chủ yếu được thanh toán bằng các trao đổi thương mại.

Tuy nhiên, giới hoạch định chính sách cũng nên cân nhắc các chi phí khác khi xác định các nền tảng máy bay chiến đấu hạng nhẹ phù hợp.

Một sự thay thế khả thi là áp dụng cơ sở về Tổng chi phí sở hữu cho các nền tảng mới để chúng có thể hoạt động tối ưu về lâu dài, trong đó bao gồm các chi phí phát triển, nhân sự, huấn luyện và hỗ trợ hậu cần.

Cách tiếp cận này sẽ mang lại một bức tranh rõ ràng hơn về chi phí vận hành các thiết bị mới và giúp đưa ra một quyết định có tính toán về loại thiết bị được mua, để từ đó RMAF có thể thực hiện nhiệm vụ của mình về lâu dài./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục