Bài toán nan giải của các phương tiện truyền thông xã hội

Sau một thập kỷ rưỡi tồn tại, những lợi thế và bất lợi cho xã hội của các nền tảng truyền thông xã hội - vốn không thể dự đoán được trong những ngày đầu - đang trở nên rõ ràng.
Bài toán nan giải của các phương tiện truyền thông xã hội ảnh 1(Nguồn: Time Magazine)

Theo trang mạng của Học viện Các vấn đề Quốc tế Australia (AIIA), các phương tiện truyền thông xã hội cung cấp một cơ chế chưa từng có cho tất cả mọi người để truyền đi ý kiến của mình ra thế giới và kết nối đồng thời với rất nhiều người khác.

Facebook, nền tảng phương tiện truyền thông xã hội lớn nhất, có tới 2,38 tỷ người dùng, chiếm 1/3 dân số thế giới.

Tuy nhiên, sau một thập kỷ rưỡi tồn tại, những lợi thế và bất lợi cho xã hội của các nền tảng truyền thông xã hội - vốn không thể dự đoán được trong những ngày đầu - đang trở nên rõ ràng. Điều không may là cho đến nay, vẫn chưa có các biện pháp khắc phục các nhược điểm của phương tiện truyền thông xã hội.

Lạc quan sớm

Trong thời điểm diễn ra “Mùa Xuân Arab," rất đông người biểu tình ủng hộ dân chủ đã cảm ơn Facebook vì đã cung cấp một nền tảng chính cho việc tổ chức các cuộc biểu tình. Có một cảm giác lạc quan bao trùm về tác động của các phương tiện truyền thông xã hội đối với xã hội. Chúng đóng vai trò là một công cụ có giá trị để kết nối, thúc đẩy và tổ chức những người dân bình thường chống lại các công cụ quyền lực áp bức.

Bi quan tăng dần

Cho đến năm 2019, có thể nói sự lạc quan đó đã không còn được mạnh mẽ như trước. Trong khi Tunisia đã được giải phóng khỏi chế độ độc tài, áp bức lại gia tăng ở Ai Cập và Syria; Libya và Yemen bị sa lầy trong các cuộc nội chiến tàn khốc.

Có lẽ các phương tiện truyền thông xã hội đã tạo điều kiện cho các cuộc cách mạng còn non trẻ, rất dễ bị tổn thương trước các lực lượng đối lập.

Tuy nhiên, việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội cho các mục đích cách mạng tiến bộ vẫn tiếp tục, ví dụ như trong cuộc lật đổ Tổng thống Omar al-Bashir ở Sudan vừa qua. Phương tiện truyền thông xã hội đã tạo điều kiện cho sự lan truyền “tin giả,” một loại tin tức đã đầu độc quá trình dân chủ và kết quả bầu cử bằng cách khiến cử tri bỏ phiếu dựa trên những câu chuyện bịa đặt mà họ có thể nhận được qua một quá trình phức tạp có chủ đích.

Facebook đã bị chỉ trích vì không kiểm soát các hoạt động của Nga trong cuộc bầu cử ở Mỹ, trong khi công ty con của Facebook là Whatsapp được sử dụng để truyền bá những câu chuyện không có thực trong cuộc bầu cử gần đây ở Brazil. Thậm chí, tin tức giả có chủ đích còn được dự kiến sẽ trở thành một đặc tính của tất cả các cuộc bầu cử sắp tới ở các nước mà phương tiện truyền thông xã hội hoạt động tương đối tự do.

Tệ hơn nữa, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để chiêu mộ thánh chiến và đe dọa.

Facebook còn góp phần lan truyền các ngôn từ kích động hận thù trên toàn thế giới, gây ra các cuộc xung đột sắc tộc dữ dội, đáng chú ý nhất là nạn diệt chủng ở Myanmar năm 2017.

Thảm họa Myanmar

Cuộc đàn áp người thiểu số Hồi giáo Rohingya ở Myanmar đã gia tăng trong 3 thập kỷ qua và bùng phát thành bạo lực cực đoan vào năm 2012. Cuộc xung đột đó đã dẫn tới các vụ tàn sát khủng khiếp hơn vào năm 2017.

Một phái đoàn tìm hiểu thực tế của Liên hợp quốc cho biết họ đã có đủ bằng chứng để tiến hành điều tra và truy tố các quan chức quân đội Myanmar về tội diệt chủng.

Phái đoàn điều tra còn khẳng định vai trò “đáng kể” của phương tiện truyền thông xã hội trong việc tạo điều kiện cho các hành động tàn bạo: “Facebook là một công cụ hữu ích cho những người truyền bá thù hận, trong bối cảnh hầu hết người dùng coi Facebook là mạng Internet. Thời báo New York Times đã có một cuộc điều tra chi tiết về hành vi cố ý kích động diệt chủng của các sỹ quan cao cấp trong quân đội Myanmar. Facebook cũng đã thừa nhận nền tảng của họ đã đóng một vai trò đáng kể gây ra thảm họa."

Có một số yếu tố làm sâu sắc vai trò của Facebook ở Myanmar. Đầu tiên và quan trọng nhất là sự tồn tại của một bầu không khí cực kỳ thù địch đối với người Rohingya. Hơn nữa, ở Myanmar, người dân có rất ít kỹ năng và kiến thức về kỹ thuật số trong khi việc sử dụng Internet đã tăng lên theo cấp số nhân trong vài năm qua.

Thứ hai, nhiều người ở Myanmar coi Facebook chính là mạng Internet vì Facebook sử dụng dữ liệu tương đối ít hơn so với nhiều ứng dụng khác và, do đó, nhiều gói cước điện thoại không tính Facebook trong hạn ngạch dữ liệu. Điều này rất có ý nghĩa ở một quốc gia nghèo như Myanmar, nơi mọi người muốn trả ít nhất có thể cho các gói dữ liệu. Do đó, người dân ở Myanmar thường không truy cập được hoặc thậm chí không có quyền truy cập vào các nguồn thông tin thay thế nào khác ngoài Facebook.

Hơn nữa, chữ viết Zawgyi cho ngôn ngữ Myanmar không có trong phông chữ Unicode được công nhận, điều này khiến cho thuật toán Facebook khó khăn hơn nhiều trong việc phát hiện các bài đăng độc hại cần phải xóa.

Giải pháp trong bối cảnh có các yêu cầu trái ngược

Facebook đã cam kết sẽ làm tốt hơn trong việc kiểm soát sự lan truyền của tin giả và ngăn chặn việc sử dụng nền tảng của mình cho mục đích kích động bạo lực và thậm chí là diệt chủng. Thật không may, cho đến nay, Facebook vẫn chưa làm được gì nhiều ngoài việc thừa nhận “có lỗi” và hứa sẽ “làm tốt hơn."

[Facebook không được mời dự hội nghị truyền thông xã hội của Nhà Trắng]

Nói một cách công bằng, Facebook khó có thể “làm tốt hơn” nữa khi mà công ty này phải đáp ứng các yêu cầu cạnh tranh. Một mặt, Facebook bị chỉ trích là đã kiểm duyệt quá mức, mặt khác, họ lại bị chê trách vì cho phép quá nhiều ngôn từ gây khó chịu. Mặc dù nhu cầu về kiểm duyệt ở một mức độ nhất định là rõ ràng, song không phải lúc nào cũng dễ dàng xác định được “ngôn từ thù hận” thực sự, đặc biệt là trong rất nhiều bối cảnh văn hóa khác nhau trên thế giới.

Hơn nữa, việc gỡ bỏ nội dung phản cảm cũng có thể làm mất bằng chứng về tội ác chiến tranh.

Facebook đang thực hiện nhiều biện pháp để tránh lặp lại việc sử dụng nền tảng của mình cho các mục đích xấu. Họ đã thành lập ra “Nhóm phản ứng chiến lược nội bộ” để tránh gây ra một cuộc diệt chủng khác. Đội ngũ này bao gồm các cựu quan chức ngoại giao, các chuyên gia nhân quyền và nhiều chuyên gia có liên quan khác. Việc thành lập ra nhóm này minh chứng cho những tác động và hậu quả chính trị thực tế của nền tảng Facebook.

Tác động chính trị không mong muốn của truyền thông xã hội

 Các công ty truyền thông xã hội, đặc biệt là Facebook, đang phải vật lộn với thực tế về tác động chính trị và xã hội gây ra những biến động của mình. Tác động sâu sắc đó có lẽ không thể dự đoán trước và cũng không mong muốn.

Thực tế của tác động chính trị và xã hội nêu trên là không thể làm ngơ và các công ty truyền thông xã hội cũng như chính phủ và xã hội phải tìm ra giải pháp cho vấn đề này. Điều này không hề dễ dàng, trong bối cảnh có các lợi ích cạnh tranh về tự do ngôn luận, ngôn từ kích động hận thù, tin giả và quyền riêng tư. Đối với Facebook, việc hài hòa các lợi ích trên cho hơn 2 tỷ người dùng có lẽ là bất khả thi.

Thử nghiệm tự do ngôn luận

Có quan điểm cho rằng sự thật sẽ thắng thế nếu các ý tưởng và lời nói được phép tự do truyền đạt. Khái niệm này đã được diễn đạt lại thành “thị trường ý tưởng”, trong đó những ý tưởng tốt được cho rằng có khả năng vươn lên và đánh bại những ý tưởng tồi. Phương tiện truyền thông xã hội có thể là một thực tế gần nhất với “thị trường ý tưởng” mà chúng ta hướng tới. Chúng đã tạo ra một không gian cho các ý tưởng cả tốt và xấu từ tất cả mọi người.

Mặt khác, phải thấy rằng các phương tiện truyền thông xã hội vẫn bị điều tiết bởi các quy định trong nước và quốc tế và bị thao túng bởi các thuật toán. Các công ty truyền thông xã hội phải điều tra các tác động của việc thao túng thị trường và có các điều chỉnh cần thiết.

Hiện vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi liệu các thuật toán được xây dựng để tối đa hóa sự tham gia của người dùng, và qua đó tối đa lợi nhuận của các nền tảng, có phù hợp với các nguyên tắc của một xã hội dân chủ và đa nguyên lành mạnh hay không./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục