Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội đặt trọng tâm ngăn chặn buôn lậu qua Thương mại Điện tử

Năm 2023, các lực lượng chức năng của Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội đã phát hiện, thanh tra, kiểm tra 28.888 vụ (tăng 1,01%), nộp ngân sách Nhà nước: 4.307,7 tỷ đồng (tăng 15,78%).

Lực lượng Quản lý Thị trường kiểm tra các cơ sở kinh doanh hàng hóa phục vụ Tết. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Lực lượng Quản lý Thị trường kiểm tra các cơ sở kinh doanh hàng hóa phục vụ Tết. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, tổ chức ngày 17/1, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết xác định chống hàng giả trên Thương mại Điện tử là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, các lực lượng chức năng tiếp tục chủ động, nắm chắc diễn biến tình hình, rà soát, phân loại danh sách các website, ứng dụng Thương mại Điện tử; thu thập thông tin về các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội, website Thương mại Điện tử... có các loại hàng hóa nghi vấn là hàng giả, hàng lậu.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng của Hà Nội tiếp tục phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ máy chủ, ngân hàng, viễn thông, đơn vị trung gian thanh toán, đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển, kho bãi, shipper trong việc xác minh đối tượng để kiểm tra và xử lý vi phạm.

Trong công tác chống buôn lậu, theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, các đối tượng thường lợi dụng dịch vụ chuyển phát, giao hàng nhanh, tập kết hàng hóa tại nhà riêng, các nhà ở bỏ trống tại các khu đô thị, các khu chung cư cao tầng gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng.

Ngoài ra, việc phối hợp giữa chủ sở hữu nhãn hiệu, chủ thể quyền đối với các cơ quan chức năng vẫn chưa được thường xuyên. Một số doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm nhiều đến công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Vì vậy, các lực lượng chức năng tăng cường thu thập, phân tích, xử lý thông tin, nắm chắc các tuyến, địa bàn, đối tượng, hàng hóa, dịch vụ dễ bị lợi dụng buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua đường hàng không; xác định các mặt hàng trọng điểm để kiểm tra, kiểm soát; tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin...

z5078863852503-9cc787894687693a7c9be934d74e36d6-8415.jpeg
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia. (Ảnh:

Theo báo cáo, năm 2023, các lực lượng chức năng của Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội đã phát hiện, thanh tra, kiểm tra 28.888 vụ (tăng 1,01%), xử lý hành chính 26.535 vụ vi phạm (tăng 1,01%). Khởi tố 163 vụ (tăng 25,38%) đối với 192 đối tượng (tăng 1,05%). Tổng số thu nộp ngân sách Nhà nước: 4.307,7 tỷ đồng (tăng 15,78%).

“Ban Chỉ đạo 389 thành phố chú trọng đào tạo, tập huấn cho lực lượng chức năng về công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực Thương mại Điện tử, đặc biệt là các kỹ năng liên quan tới điều tra, thu thập chứng cứ, thông tin đối tượng,” Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền thông tin.

Tại hội nghị, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết mặc dù đã tích cực vào cuộc ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, song vấn nạn hàng giả, gian lận thương mại, hàng lậu vẫn diễn biến phức tạp. Các đối tượng chuyển địa bàn hoạt động từ môi trường truyền thống sang môi trường Thương mại Điện tử, gây rất nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.

Vì vậy, ông Linh đề nghị Ban Chỉ đạo 389 các địa phương tăng cường giám sát các kho hàng, bến bãi, làm tốt công tác ngăn chặn hàng giả trên môi trường trực tuyến, đồng thời cần có quy định định danh được để xác định người bán hàng, từ đó xác định được các nghĩa vụ với Nhà nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục