Chống buôn lậu, hàng giả: Nắm rõ bản chất, đấu tranh từ xa phòng ngừa vi phạm

Bộ trưởng Công Thương yêu cầu việc đấu tranh chống hàng giả, buôn lậu trên môi trường mạng phải có cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin, đẩy mạnh công tác đấu tranh, phòng ngừa từ xa.

Lực lượng Quản lý Thị trường kiểm tra hàng hóa phục vụ người tiêu dùng. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Lực lượng Quản lý Thị trường kiểm tra hàng hóa phục vụ người tiêu dùng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Diễn biến hàng giả, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp, do vậy để đấu tranh hiệu quả với vấn nạn này cần nắm rõ bản chất, đấu tranh từ xa, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, như: Xăng dầu, khí đốt, thuốc chữa bệnh cũng như đẩy mạnh việc kiểm soát chống buôn lậu gian lận trên Thương mại Điện tử…

Đây là lưu ý của lãnh đạo Bộ Công Thương tại Hội nghị “Tổng kết công tác năm 2023 và Triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Tổng cục Quản lý Thị trường,” diễn ra chiều 4/1, tại Hà Nội.

“Nóng” hàng lậu và hàng giả trên môi trường mạng

Năm 2023, lực lượng Quản lý Thị trường đã thanh tra, kiểm tra 71.928 vụ (tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2022), phát hiện, xử lý 52.351 vụ vi phạm (tăng 19%), trong đó chuyển cơ quan điều tra 174 vụ có dấu hiệu tội phạm (tăng 37%), thu nộp ngân sách Nhà nước trên 501 tỷ đồng (tăng 2,2%).

Riêng lĩnh vực Thương mại Điện tử, theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng Cục Quản lý Thị trường, toàn lực lượng đã phát hiện, xử lý 928 vụ, xử phạt trên 15 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 6,3 đồng. Tuy vậy, đây là lĩnh vực rộng, để kiểm tra xử lý phải mất rất nhiều thời gian theo dõi các đối tượng livestream bán hàng.

Trong khi đó, thống kê doanh thu một ngày của các sàn Thương mại Điện tử khoảng 4.000 tỷ đồng, một con số rất lớn, do vậy ông Linh khẳng định việc chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên Thương mại Điện tử sẽ là vấn đề mới, mặt trận vô cùng nóng bỏng trong thời gian tới.

“Các doanh nghiệp, chủ thể quyền phản ánh nhiều về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng nhái đặc biệt tiêu thụ trên môi trường online, do vậy cần sự phối hợp chặt chẽ từ biên phòng, hải quan, công an, thanh tra chuyên ngành… để ngăn chặn các vi phạm,” ông Trần Hữu Linh kiến nghị.

img-3892-9805.jpg
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Thị trường phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Đồng tình nhận định này, ông Đặng Văn Dũng, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, cho hay lĩnh vực Thương mại Điện tử của Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, song đây cũng là lĩnh vực dễ phát sinh buôn lậu và gian lận thương mại. Năm 2023, lực lượng Quản lý Thị trường mới xử lý vi phạm trên môi trường Thương mại Điện tử gần 1.000 vụ việc (chiếm khoảng 2%) nên đánh giá cũng chỉ rõ chưa tương xứng với tình hình.

Từ đó, đại diện Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Trung ương đề nghị lực lượng Quản lý Thị trường triển khai thực hiện hiệu quả hơn Đề án 319 của Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả trên Thương mại Điện tử.

“Hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ diễn biến phức tạp, cần xác định cung đường đi của những vi phạm này đồng thời phối hợp chặt chẽ với biên phòng, hải quan ngăn chặn ngay từ đầu nguồn, khi có thông tin các lực lượng cần chia sẻ để đấu tranh hiệu quả hơn,” ông Đặng Văn Dũng lưu ý thêm.

Phối hợp cần chặt chẽ, hiệu quả hơn

Việc nhận diện đúng phương thức, thủ đoạn buôn lậu và gian lận thương mại để đấu tranh hiệu quả loại tội phạm này là yêu cầu đặt ra của các cơ quan chức năng, song nêu thực tế từ công tác triển khai, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Điều tra Chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan tỏ ra băn khoăn khi số vụ việc giữa hai lực lượng cùng phối hợp, chia sẻ vẫn còn khiêm tốn, trong đó năm 2023 mới chỉ khoảng 5%, chưa đến 30 vụ việc được triển khai.

Dẫn một bất cập từ thực tế, ông Tuấn chia sẻ thêm, đối với hải quan, qua kiểm tra tại thời điểm thông quan thì chưa đủ để xác định hành vi vi phạm, cụ thể là hàng có dấu hiệu kém chất lượng (nhãn mác không vi phạm), nhưng trên bao bì sẽ thấy rõ việc doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng đề khi đưa vào nội địa chỉ cần bóc tem giấy ra là có thể thay đổi về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm.

“Những dấu hiệu đó, phía hải quan không đủ căn cứ để xử lý khi thông quan, do đó cần có đầu mối để trao đổi thông tin, cùng nhau phối hợp xử lý. Mặt khác, khi xác định được hàng giả xuất xứ nguồn gốc nhập lậu thì cần chuyển thông tin cho lực lượng hải quan để cùng chủ động trong công tác phòng ngừa,” đại diện Cục Điều tra Chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan kiến nghị thêm.

Còn theo ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường Hà Nội, vụ việc bán hàng online mà liên ngành phát hiện và bắt giữ trên địa bàn Hà Đông với số lượng chốt đơn cực lớn, lên tới hàng tỷ đồng mỗi ngày cho thấy cần sự phối hợp đồng bộ từ các lực lượng chức năng để ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật.

“Nhiều vụ việc phát hiện để chuyển sang cơ quan công an khởi tố rất phức tạp, thậm chí không có kho để lưu giữ hàng vi phạm, do vậy cần sự quan tâm hỗ trợ của các cơ quan chức năng để tháo gỡ những bất cập,” ông Chu Xuân Kiên nêu ý kiến.

Còn theo bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số, bên cạnh sự phối hợp của cơ quan chức năng, cần đẩy mạnh tuyên truyền chính sách pháp luật, tổ chức các hội thảo, qua đó cảnh báo cho chủ sở hữu hàng hóa, ký cam kết nói không với hàng giả và đấu tranh với hàng giả trên môi trường trực tuyến.

“Tiếp tục ứng dụng Công nghệ Số, phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu chung, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành trong việc đấu tranh chống hàng gian, hàng giả khi mua sắm online là giải pháp quan trọng trong thời gian tới,” bà Oanh nói.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại vẫn còn phổ biến, đặc biệt trên môi trường Thương mại Điện tử vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ vi phạm.

Trong khi đó, số vụ việc bắt giữ dù tăng cao, song còn chưa phản ánh đúng những gì diễn ra trên thực tế, chưa kể việc kiểm tra tại một số địa bàn còn chưa sâu sát, công tác kiểm tra chủ yếu ở việc niêm yết giá chưa đi sâu vào kiểm soát tại cơ sở, do vậy, ông Diên yêu cầu cần đi vào ngóc ngách của vấn đề để tìm ra bản chất, từ đó có cách giải quyết hiệu quả hơn.

img-3893-576.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề ra nhiều nhiệm vụ trong công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại của lực lượng Quản lý Thị trường. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Nhấn mạnh công tác đào tạo nghiệp vụ cần thực hiện tốt hơn, người đứng đầu ngành Công Thương lưu ý thêm việc đấu tranh trên môi trường Thương mại Điện tử phải có cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin đồng thời đẩy mạnh công tác thanh tra, giám sát cấp dưới trong việc thực thi công vụ.

Bộ trưởng yêu cầu toàn lực lượng Quản lý Thị trường tập trung chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết xử lý các cá nhân vi phạm, nhất là hành vi bảo kê, tham nhũng, tiêu cực… nghiên cứu hình thức luân chuyển, điều động cán bộ để phòng ngừa vi phạm, cũng như có hình thức động viên, khen thưởng kịp thời các tấm gương làm tốt.

Cùng đó, ngành cần tăng cường ứng dụng Công nghệ thông tin, Chuyển đối Số, mở đợt cao điểm phòng chống buôn lậu gian lận thương mại dịp Tết để người dân yên tâm mua sắm, trọng điểm là mặt hàng xăng dầu, sớm có kế hoạch kiểm tra, kiểm soát 100% cửa hàng theo địa bàn, góp phần lành mạnh hóa thị trường.

"Nếu phối hợp tốt giữa các lực lượng để đánh chặn từ xa sẽ không mất công chặn trong nội địa, do đó thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ làm việc với các đơn vị chức năng để có quy chế phối hợp tốt, qua đó đấu tranh hiệu quả hơn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả,” Bộ trưởng nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục