Bài 2: Làm giàu thêm đời sống văn hóa mới của người dân xứ Đoài

Bản giao hòa của văn hóa Thăng Long và văn hóa xứ Đoài

Trong bài 1 của chùm bài, chúng ta đã bàn việc gìn giữ bản sắc của hai vùng văn hóa cổ, thì trong bài 2 sẽ đề cập cách làm giàu thêm đời sống văn hóa mới.
Bản giao hòa của văn hóa Thăng Long và văn hóa xứ Đoài ảnh 1Truyền dạy sử dụng cồng chiêng tại xã Yên Trung (Thạch Thất) là một cách lưu giữ văn hóa tinh thần của người Mường. (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)

15 năm hòa nhập hai dòng văn hóa Thăng Long và xứ Đoài, đời sống văn hóa tinh thần người dân Thủ đô ngày càng được bồi đắp phong phú hơn.

Các hoạt động văn hóa cơ sở, các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư, môi trường văn hóa có nhiều chuyển biến.

Nhiều mô hình văn hóa mới ra đời có sức lan tỏa rộng rãi trong đời sống nhân dân. Đây cũng là nguồn tài nguyên văn hóa quý góp phần phát triển Thủ đô Hà Nội.

Vang tiếng cồng chiêng trong lòng thành phố

Trong những sự kiện lớn được tổ chức ở Hà Nội, cùng với những màn múa hát là xen kẽ phần trình diễn cồng chiêng của người Mường thuộc huyện Thạch Thất và Ba Vì.

Khác với sự hoa mỹ, điệu đà, tiếng cồng chiêng gợi lên âm hưởng trầm hùng, khí thế, linh thiêng của trời đất, mang đậm bản sắc dân gian.

Nhiều người dân xứ Mường, huyện Thạch Thất, Ba Vì vẫn nhớ về cảm xúc lần đầu tiên năm 2014 biểu diễn cồng chiêng tại vườn hoa Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm.

[Sắc màu Quê hương Xứ Đoài mây trắng qua nét cọ của họa sỹ Cổ Đô]

Ngày hôm đó, các bà, các mế Mường biểu diễn tiếng chiêng, tiếng hát của mình xong mà rưng rưng nước mắt bởi những tiết mục ấy đã chạm vào vùng ký ức ngủ quên của họ; bởi sự hãnh diện về văn hóa Mường vang lên ngay giữa lòng Thủ đô trong tràng pháo tay khen ngợi của nhiều người tham dự buổi biểu diễn.

Từ đó trở đi, người Mường thường xuyên được biểu diễn nhạc cụ của mình cho công chúng tại phố đi bộ Hồ Gươm. Qua đó, giới thiệu tới công chúng Thủ đô và người dân khắp mọi miền đất nước cũng như du khách quốc tế các loại hình di sản văn hóa phi vật thể mà Hà Nội góp phần đáng kể để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân gian truyền thống trong xã hội đương đại.

Năm 2008, khi người Mường mới về với Thủ đô, không ít người nghĩ rằng, văn hóa của mình sẽ bị mai một.

Nhưng sau 15 năm, bản sắc văn hóa của đồng bào Mường vẫn được gìn giữ và phát huy hơn.

Những giai điệu khi trầm, khi bổng của các bài chiêng cứ thế lướt qua làn sương mỏng, bay vút tận rừng xa, dội vào vách đá cheo leo rồi vọng lại, tạo nên bản hợp xướng hùng tráng, đắm say trong không gian văn hóa cồng chiêng xứ Mường.

Ông Đinh Công Tuân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, cho biết năm 2008, khi địa phương được sáp nhập vào Hà Nội, cả xã chỉ có một bộ cồng chiêng, nguy cơ bị mai một do đời sống kinh tế khó khăn.

Nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của đồng bào Mường, năm 2009 huyện Thạch Thất đã đầu tư 6 bộ cồng chiêng cho 3 xã Tiến Xuân, Yên Bình và Yên Trung để người dân sử dụng nhằm khôi phục lại nghệ thuật truyền thống của đồng bào Mường.

Bản giao hòa của văn hóa Thăng Long và văn hóa xứ Đoài ảnh 2Mỗi năm có hàng trăm người Mường ở huyện Thạch Thất (Hà Nội) được truyền dạy nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng. (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)

Tiếp đó, được sự chỉ đạo của thành phố Hà Nội, năm 2016, Ủy ban Nhân dân huyện Thạch Thất xây dựng Đề án “Bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường giai đoạn 2016-2020.”

Nhờ đó, đến nay, 100% thôn, bản có đội chiêng và được bồi dưỡng, tập huấn hàng năm, sử dụng thành thạo chiêng vào các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, sinh hoạt cộng đồng.

“Nhờ có nhận thức đúng về giá trị và đầu tư nguồn lực kinh tế, 3 xã kể trên đã có sự thay đổi rõ rệt về đời sống văn hóa. Chỉ tính riêng về cồng chiêng đã có hơn 60 bộ được đầu tư, hàng nghìn người được đào tạo và sử dụng thành thạo cồng chiêng," ông Đinh Công Tuân nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hồng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thạch Thất, để văn hóa Mường được lan tỏa, huyện đã chỉ đạo 3 xã tổ chức biên soạn bản tin tiếng Mường để phát trong chương trình phát thanh của xã, định kỳ vào thứ 4 hàng tuần.

Dịp đầu Xuân năm mới, các xã sẽ tổ chức cuộc thi cồng chiêng giữa các đội của thôn làng, tạo không khí vui tươi lành mạnh, tôn vinh văn hóa dân tộc.

Nhằm phát huy văn hóa Mường, trong các ngày 27-28/7, đồng bào dân tộc thiểu số các xã: Ba Trại, Minh Quang, Khánh Thượng và học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Hà Nội được Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì tổ chức tập huấn, truyền dạy kỹ năng biểu diễn chiêng dân tộc Mường đợt 2 năm 2023.

Nghệ nhân ưu tú, Giám đốc Bảo tàng Di sản văn hóa Mường (tỉnh Hòa Bình), Nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Mường Bùi Thanh Bình là người trực tiếp truyền dạy cho các em.

Sống động không gian văn hóa từ giếng nước, ao làng

Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được tập trung chỉ đạo với nhiều giải pháp, mô hình thiết thực.

Bên cạnh việc giáo dục truyền thống lịch sử, địa phương, nếp sống thanh lịch, văn minh được tăng cường ở các xã miền núi thì việc cải tạo chỉnh trang hạ tầng văn hóa ở xã đồng bằng cũng đang được triển khai mạnh mẽ.

Bản giao hòa của văn hóa Thăng Long và văn hóa xứ Đoài ảnh 3Từ ao nước tù, ô nhiễm, người dân làng Hưng Giáo, xã Tam Hưng (Thanh Oai, Hà Nội) kêu gọi ủng hộ, đóng góp được số tiền 1,3 tỷ đồng để cải tạo thành "bể bơi khổng lồ" miễn phí cho trẻ em tập bơi, tắm mát vào mùa Hè oi bức. (Nguồn: Báo Tổ Quốc)

Nhiều thiết chế văn hóa, thể thao của thành phố luôn được đổi mới phương thức tổ chức và hoạt động, cơ sở vật chất được tăng cường, phục vụ sát với yêu cầu của nhân dân.

Thể hiện rõ nhất là phong trào gìn giữ và cải tạo, “mặc áo mới” cho ao hồ, biến ao làng thành “sân khấu,” nơi vui chơi tắm mát cho trẻ em và người dân tại các huyện ven đô.

Người dân làng Hưng Giáo, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai đã quyên góp được 1,3 tỷ đồng để cải tạo ao nước tù, ô nhiễm thành bể bơi miễn phí.

Nguồn nước để bơm vào đây lấy từ giếng ngầm, qua bể lắng khoảng 3 ngày rồi mới bơm vào ao.

Bể bơi được thiết kế có rào chắn xung quanh và chia ra làm hai khu vực bơi: dành cho người lớn có diện tích 600m2, cho trẻ em là 500m2.

Ao làng được cải tạo không chỉ tạo ra sân chơi bổ ích mà còn là môi trường rèn luyện, nâng cao kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ; đồng thời mang lại cảnh quan xanh, sạch, đẹp cho làng quê.

Tại nhiều địa phương khác ở Hà Nội (như Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh...), ao hồ trước đây ô nhiễm hay bị lấn chiếm, nay được cải tạo hoặc đưa vào kế hoạch chỉnh trang.

Chỉ tính riêng huyện Gia Lâm, từ năm 2016, Ủy ban Nhân dân huyện yêu cầu các xã không được lấp ao, hồ trong khu dân cư để xây dựng các khu đô thị.

Huyện thống kê toàn bộ các ao, hồ trên địa bàn để lập đề án cải tạo. Tính đến nay, huyện Gia Lâm đã cải tạo, hồi sinh được 26/36 ao, hồ trên địa bàn, với nguồn vốn đầu tư, cải tạo lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Việt Hà, Bí thư Huyện ủy Gia Lâm, việc kè ao là việc làm đa lợi ích, nhiều mục tiêu. Bởi sau khi kè cải tạo lại ao thì cảnh quan môi trường thôn quê khang trang hơn; không còn xảy ra lấn chiếm ao, hồ; khôi phục lại được nét đẹp văn hóa tại các làng quê gắn liền với cây đa, bến nước, sân đình.

Tại một số nơi, để ao hồ không bị "bó cứng," sau khi cải tạo, các địa phương đã khơi gợi các hoạt động văn hóa tinh thần liên quan đến ao hồ, không gian mặt nước.

Tại xã Trung Mầu (huyện Gia Lâm) dịp lễ, Tết địa phương thường tổ chức xới vật truyền thống ngay trên mặt ao Cầu.

Ở các xã khác của Gia Lâm, một số câu lạc bộ thơ, văn hóa văn nghệ đã gắn với ao làng sau khi được chỉnh trang, cải tạo, giúp đời sống văn hóa tinh thần ở nông thôn thêm phong phú, chan hòa./.

Bài 1: Gìn giữ bản sắc hai vùng văn hóa cổ

Bài cuối: Kết tinh, lan tỏa văn hóa Hà Nội



(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục