Bàn về học thuyết công nghệ của Tổng thống Mỹ Joe Biden

Một năm sau khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, đây là thời điểm tốt để bắt đầu xác định “Học thuyết công nghệ Biden” dựa trên những gì chúng ta đã chứng kiến cho đến nay.
Bàn về học thuyết công nghệ của Tổng thống Mỹ Joe Biden ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng thehill.com, tờ New York Times từng gọi Barack Obama là “vị tổng thống kỹ thuật số thực sự đầu tiên của nước Mỹ.”

Sau khi khai thác triệt để các mạng xã hội trong chiến dịch tranh cử, ông Obama đã lấp đầy các vị trí trong chính quyền của mình với những nhân vật kỳ cựu trong ngành công nghệ, ủng hộ tính trung lập của Internet và thừa nhận tầm quan trọng của mã hóa.

Ông đã có bài phát biểu tại South by Southwest (SXSW - sự kiện thường niên cho phim điện ảnh, phương tiện truyền thông tương tác, hội thảo và các lễ hội âm nhạc); và thậm chí còn tổ chức phiên bản của riêng mình tại Nhà Trắng.

Tuy nhiên, trong 5 năm kể từ khi Obama rời nhiệm sở, cả nền chính trị và ngành công nghệ đều thay đổi. Các nhà hoạch định chính sách không còn say mê công nghệ như trước đây và Joe Biden đã thể hiện một cách tiếp cận thận trọng hơn đối với ngành này trong chiến dịch tranh cử. Một năm sau khi Joe Biden nhậm chức, đây là thời điểm tốt để bắt đầu xác định “Học thuyết công nghệ Biden” dựa trên những gì chúng ta đã chứng kiến cho đến nay.

Phương pháp tiếp cận kiểu “anh cả” đối với Big Tech

Thông thường, trong một số mối quan hệ anh chị em - anh cả thường là người hay tranh cãi với các em ở nhà nhưng lại là người đầu tiên bảo vệ chúng khi ai đó bắt nạt chúng ở trường. Đó là một động lực mô tả hoàn hảo mối quan hệ của Tổng thống Biden với ngành công nghệ.

Ở trong nước, Nhà Trắng đã nhắm mục tiêu quản lý hoạt động cạnh tranh trong ngành công nghệ qua một sắc lệnh được ban hành vào năm ngoái. Nhiều cơ quan của chính quyền đang khởi kiện hoặc điều tra Amazon, Apple, Google và Meta. Các quan chức Nhà Trắng và bản thân Biden đã định kỳ lên tiếng bày tỏ sự không hài lòng của họ với các công ty công nghệ lớn khác nhau.

Tuy nhiên, ở nước ngoài, chính quyền đã đứng lên kiên quyết đối đầu với các chính phủ khác, đặc biệt là ở châu Âu, những nước “phân biệt đối xử” với các công ty công nghệ của Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã đóng vai trò trung gian cho một thỏa thuận thuế quốc tế lịch sử để đối phó với nỗ lực của các nước châu Âu nhằm đánh “thuế dịch vụ kỹ thuật số” đối với các công ty công nghệ của Mỹ.

[Tổng thống Mỹ Joe Biden hoan nghênh khoản đầu tư lịch sử của Intel]

Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo đã đẩy lùi các tác động “phân biệt đối xử” của Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số do châu Âu đề xuất nhằm tấn công vào các công ty công nghệ lớn (Big Tech) của Mỹ.

Tương tự, “ứng cử viên” Biden trong cuộc chạy đua tổng thống đã chỉ trích Mục 230 và các quyết định về nội dung của các nền tảng - nhưng khi Donald Trump đệ đơn kiện vô căn cứ chống lại các trang mạng xã hội vì “trục xuất” ông, Bộ Tư pháp của Biden đã can thiệp để bảo vệ Mục 230.

Cũng giống như một người “anh lớn”, chính quyền Biden đang buộc các công ty công nghệ phải chịu trách nhiệm, đồng thời mong muốn “gia đình” Mỹ được đối xử công bằng trên thế giới và trước các tòa án.

Cơ quan quản lý “cứng rắn”

Tổng thống Biden đã bổ nhiệm một số nhà chỉ trích công nghệ vào các vị trí quản lý quan trọng, trong đó bao gồm Lina Khan tại Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC), Gary Gensler tại Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) và Rohit Chopra tại Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng (CFPB).

FTC đã kiện Facebook về các thương vụ mua lại Instagram và Whatsapp, và những người ủng hộ Lina Khan đang khuyến khích bà kiện Amazon về thỏa thuận mua lại MGM Studios. Tuy nhiên, FTC đã bất ngờ thất bại trong giai đoạn đầu của vụ kiện Facebook, bởi không chứng minh được công ty có vị trí độc quyền.

Tương tự, Gensler đã có các bài phát biểu chỉ trích ngành công nghiệp tiền điện tử non trẻ, đưa ra đơn kiện chống lại dịch vụ stablecoin Ripple và đe dọa kiện đối với dịch vụ cho vay theo kế hoạch của Coinbase. Thay vì đưa ra bất kỳ quy định đề xuất nào cho ngành tiền điện tử, ông đang cố gắng điều chỉnh ngành thông qua các vụ kiện.

Và Chopra tại CFPB đã thể hiện rõ sự hoài nghi của mình đối với các nhà cung cấp công nghệ tài chính (fintech) mới, bất luận thực tế rằng nhiều dịch vụ công nghệ đang mở rộng cơ hội cho những người bị bỏ lại hoặc thậm chí bị tổn hại bởi tài chính truyền thống.

Có thể dự đoán rằng cơ quan này sẽ đưa ra các vụ việc đáng chú ý khác trong năm 2022. Tuy nhiên, nhiều vụ kiện không được tư vấn kỹ này có thể sẽ thất bại trước các tòa án liên bang vì chúng thiếu cơ sở vững chắc về pháp lý hoặc dữ kiện, khiến các nhà quản lý có thể hứng chịu nhiều thất bại hơn thay vì chiến thắng.

Sau khi các vụ kiện đầy tham vọng của họ thất bại, họ sẽ theo đuổi các vụ kiến dễ dàng hơn, hoặc bắt đầu xây dựng quy tắc và kêu gọi sự góp ý bổ sung.

Thêm nhiều mục tiêu công nghệ lớn

John Kennedy từng đặt cược vào việc đưa con người lên Mặt Trăng. Clinton đã đặt cược vào một mạng Internet nhanh hơn có thể kết nối tất cả mọi người. Các tổng thống có thể truyền cảm hứng cho sự đổi mới đáng kinh ngạc bằng cách đặt ra các mục tiêu công nghệ “đại thành công.”

Chính quyền của ông Biden đã đặt cược lớn vào các khoản đầu tư cho tương lai, bao gồm 65 tỷ USD cho các khoản đầu tư băng thông rộng vào gói cơ sở hạ tầng của mình; ủng hộ chiến lược cạnh tranh của Mỹ để đối phó với Trung Quốc; và phát triển “Liên minh vì tương lai của Internet” để thúc đẩy một web mở toàn cầu. Đây là những bước quan trọng để Mỹ giành chiến thắng trong tương lai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục