Tờ Daily Mail đã bị Wikipedia gỡ bỏ khỏi danh sách "nguồn tin đáng tin cậy" sau khi hãng tin này được đánh giá là "nhìn chung không đáng tin."
Khoảng 12.000 đường dẫn tới tờ Mail và trang MailOnline sẽ dần dần được các biên tập viên tình nguyện dỡ bỏ khỏi trang bách khoa toàn thư mở.
Ban thảo luận cho biết sự ủng hộ lệnh cấm này "tập trung vào thực tế Daily Mail nổi tiếng là không kiểm chứng thông tin, thích gây giật gân và bịa đặt trắng trợn."
The Huffington Post vừa đưa ra những ví dụ làm bằng chứng khiến Daily Mail bị loại khỏi danh sách "nguồn tin đáng tin cậy."
1. Đưa tin sai lệch về bản án của Amanda Knox , bao gồm trích dẫn lời các luật sư
Trang MailOnline đã đưa thông tin sai sự thật về việc Amanda Knox bị kết án vào ngày 3/10/2011.
Mặc dù Knox được điều tra ra là vô tội, thông tin sai lệch về bản án đã được truyền trực tiếp trên trang MailOnline trong khoảng 90 giây.
Bản tin này còn bao gồm cả trích dẫn lời các công tố viên phản ứng với quyết định này. Bản tin nói rằng Knox "tỏ ra choáng váng" khi nghe phán quyết.
[Tờ Daily Mail của Anh bị Wikipedia đưa vào danh sách "không đáng tin"]
Gia đình của Meredith Kercher cũng được mô tả là "không biểu lộ cảm xúc, nhìn thẳng về phía trước, chỉ liếc nhìn gia đình Knox đang quẫn trí đúng một lần."
Hãng tin này sau đó đã phải đăng tin đính chính và rút lại bản tin. Daily Mail cho biết sau sự việc này, hãng đã xem xét lại cách thực hành đưa tin, chuẩn bị trước cho các tin về bản án và các loại hình tin tức khác.
2. Phỏng vấn "giả" với Paul Pogba
Cầu thủ Paul Pogba đã quyết liệt phủ nhận việc được Daily Mail phỏng vấn hồi năm 2014 dù tờ báo này đã đăng một bài viết có nội dung Pogba "mô tả cuộc sống tại Manchester United."
Trung vệ nổi tiếng đã viết trên Twitter như sau: "Trang web Daily Mail đã cố tình gán ghép những lời đó cho Paul và gây phản ứng dữ dội trên mạng xã hội. Paul muốn nói rằng anh ấy chưa bao giờ được Daily Mail, Sportsmail hay anh David Kent nào đó phỏng vấn. Paul có quyền thực hiện mọi hành động pháp lý phù hợp để giải quyết vấn đề này."
Tuy nhiên, bài viết này vẫn được đăng tải trên MailOnline.
3. Khiến George Clooney nổi điên với tin về "căng thẳng" trong mối quan hệ với Amal
Năm 2014, nam diễn viên George Clooney đã lên tiếng chỉ trích bài viết của MailOnline nói về những "căng thẳng tôn giáo" giữa anh và gia đình vị hôn thê Amal Alamuddin.
"Daily Mail đã đăng tải một câu chuyện hoàn toàn bịa đặt nói rằng mẹ vị hôn thê của tôi phản đối chúng tôi kết hôn vì các lý do tôn giáo," Clooney chia sẻ trên tờ USA Today. "Chẳng có chi tiết nào trong câu chuyện là thật."
MailOnline sau đó đã lên tiếng xin lỗi và nói rằng: "Chúng tôi công nhận khẳng định của Clooney là câu chuyện không chính xác, và chúng tôi xin được xin lỗi anh, cô Amal Alamuddin và mẹ cô."
Tờ báo cho biết câu chuyện được một nhà báo tự do cung cấp "với thiện chí". Tuy nhiên Clooney không chấp nhận lời xin lỗi này.
4. Phỏng vấn "giả" với Andrea Pirlo
Tháng 8/2016, Daily Mail lại cho đăng một cuộc phỏng vấn giả khác với một cầu thủ bóng đá.
Theo Daily Mail, Andrea Pirlo, trung vệ người Italy đã mỉa mai Paul Pogba vì đã rời Manchester United mà không mất một đồng rồi trở lại với bản hợp đồng kỷ lục hồi năm ngoái.
Sau đó, Pirlo đã đăng một thông điệp lên Instagram khẳng định rằng những lời nói đó hoàn toàn sai sự thật.
"Nói cho rõ ràng, tôi chưa bao giờ trả lời phỏng vấn cho tờ Daily Mail nói về Pogba hay Manchester," anh viết.
Những bài viết có kèm các trích dẫn này hiện không còn trên mạng nữa.
5. Thao túng dữ liệu khoa học để phủ nhận cảnh báo ấm lên toàn cầu
Một nhà khoa học hàng đầu về khí hậu đã hết sức giận giữ trước một bài báo của Daily Mail nói rằng nghiên cứu của ông "phủ nhận" các nghiên cứu về sự ấm lên toàn cầu.
Một bài báo năm 2010 trên tờ Daily Mail Chủ nhật khẳng định rằng các kết quả nghiên cứu của Mojib Latif "thách thức những niềm tin cố hữu về sự ấm lên toàn cầu" và "làm suy yếu các mô hình tính toán khí hậu tiêu chuẩn."
Daily Mail cũng cho đăng tải các khẳng định này.
Latif, một chuyên gia khí hậu của Đại học Kiel, Đức nói rằng bài viết đã nhầm lẫn giữa hiện tượng thời tiết ngắn hạn với các xu hướng nhiệt độ trong dài hạn - đối tượng tập trung nghiên cứu của ông.
Latif chia sẻ với tờ Guardian: "Tôi rất kinh ngạc khi có người tìm cách dùng những phát biểu của tôi để tranh cãi về bản chất của hiện tượng ấm lên toàn cầu. Tôi tin sự ấm lên toàn cầu là do con người gây ra."
Wikimedia UK, một tổ chức từ thiện tại Anh chuyên đào tạo các biên tập viên của Wikipedia chia sẻ với tờ Huffington Post rằng quyết định cấm Daily Mail đã nhận được sự đồng thuận của cộng đồng thảo luận trên trang bách khoa toàn thư này.
Giám đốc điều hành Lucy Crompton-Reid cho biết: "Về cơ bản đây là một quyết định của cộng đồng và là quyết định mà cộng đồng biên tập viên Wikipedia tại Anh đã đưa ra. Thực tế quyết định này đã được đưa ra thảo luận từ năm 2015."
Cô tiếp tục: "Cả cộng đồng đã đi đến quyết định đồng lòng là Daily Mail không thể được dùng như một nguồn thông tin đáng tin cậy trên Wikipedia. Quyết định đó sẽ ảnh hưởng tới khoảng 12.000 đường dẫn, nhưng rõ ràng mọi chuyện sẽ không được thay đổi chỉ trong một đêm.
"Cách các biên tập viên của Wikipedia đưa ra quyết định không phải qua biểu quyết mà là qua những cuộc thảo luận trên trang web. Đây là quy trình ra quyết định thông thường của chúng tôi."
Quyết định đăng trên Wikipedia có nội dung như sau: "Chúng tôi đều đồng ý rằng Daily Mail (bao gồm cả phiên bản trực tuyến của tờ báo này là dailymail.co.uk) nhìn chung là không đáng tin, và việc dùng nó làm nguồn tham khảo bị cấm, nhất là khi có nhiều nguồn tin đáng tin cậy hơn.
"Vì thế, Daily Mail không nên được dùng để chú thích, hay làm nguồn thông tin trong các bài viết. Một bộ lọc chỉnh sửa sẽ được đưa ra để cảnh báo các biên tập viên có ý định sử dụng Daily Mail làm nguồn tham khảo."
Wikimedia Foundation, công ty nắm quyền kiểm soát pháp lý Wikipedia đã được liên hệ để đưa ra bình luận.
Wikipedia không có danh sách công khai các trang tin được cho là không đủ độ tin cậy để làm nguồn tham khảo, và các biên tập viên trên trang bách khoa toàn thư này nói rằng quyết định cấm Daily Mai là bất thường.
Các hãng truyền thông khác, như The Sun hay Daily Mirror cũng được coi là "có vẻ không đáng tin", nhưng chưa bị cấm.
Daily Mail và chủ sở hữu công ty Daily Mail là General Trust chưa đưa ra phản ứng gì về sự việc này./.