Bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam 2021

Trong giai đoạn 2017-2021, ngành bất động sản-xây dựng, ngành tài chính và ngành thực phẩm-đồ uống luôn giữ vững vị trí là tốp 3 ngành có số lượng doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất.
Bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam 2021 ảnh 1Thực phẩm-đồ uống là một trong 3 ngành có số lượng doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất. (Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN)

Theo tin từ Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietNamNet công bố Bảng xếp hạng PROFIT500-Top 500 Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2021.

Top 10 Bảng xếp hạng PROFIT500 bao gồm những thương hiệu: Công ty TNHH Samsung Electronics Thái Nguyên, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Điện Lực Việt Nam, Tập đoàn VINGROUP - Công ty cổ phần và Công ty cổ phần Sữa Việt Nam.

Theo ông Vũ Đăng Vinh, Tổng Giám đốc Vietnam Report, cho biết, bảng xếp hạng PROFIT500-Top 500 Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam cũng chọn ra Top 10 Doanh nghiệp tư nhân lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2021, bao gồm: Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn VINGROUP - Công ty cổ phần, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng, Ngân hàng TMCP Quân đội, Ngân hàng TMCP Á Châu, Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam và Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động.

Đi vào đánh giá từng ngành, lĩnh vực kinh tế của các doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng PROFIT500, ông Vinh cho biết, trong giai đoạn 2017-2021, ngành bất động sản-xây dựng, ngành tài chính và ngành thực phẩm-đồ uống luôn giữ vững vị trí là tốp 3 ngành có số lượng doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất trong bảng xếp hạng.

[Petrovietnam nằm trong tốp 3 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam]

Trong khi đó nhóm ngành tài chính và ngành thực phẩm-đồ uống luôn ổn định và lần lượt dao động quanh mức 11% và 10% xuyên suốt giai đoạn này, ngành bất động sản-xây dựng lại có bước nhảy vọt trong năm 2019 khi tăng mạnh từ 14,8% (năm 2018) lên mức 23,9% - chiếm gần 1/4 tổng số doanh nghiệp trong bảng.

Tốc độ tăng trưởng kép về lợi nhuận (CAGR) trung bình của tất cả các doanh nghiệp trong PROFIT500 là 10,12%; trong đó, Top 7 ngành đạt chỉ số CAGR cao nhất và có đóng góp lớn cho sự tăng trưởng chung là: ngành thép là 34,5%; ngành bán lẻ 17,5%; ngành tài chính 17,3%; ngành nông nghiệp 16,0%; ngành thực phẩm-đồ uống 11,9%; ngành hóa chất 11,7% và ngành bất động sản-xây dựng 10,8%.

Đây cũng được xem là những ngành có tiềm năng tăng trưởng và góp phần tích cực cho đà phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian sắp tới.

Nếu xét theo quy tắc 70 - phép mầu của tăng trưởng trong kinh tế học, ngành thép đạt được ngưỡng tăng trưởng 34,5%, tức chỉ cần 2 năm (70/34,5) lợi nhuận trung bình của doanh nghiệp ngành thép sẽ được nhân đôi, tương tự các doanh nghiệp bán lẻ và tài chính mất khoảng 4 năm so với mức trung bình chung 7 năm (70/10,12) của toàn bộ doanh nghiệp PROFIT500 để đạt được quy mô lợi nhuận tăng lên gấp đôi, ông Vinh phân tích.

Bình luận về những tác động và khó khăn của doanh nghiệp trong giai đoạn bùng phát dịch COVID-19, theo ông Vinh, dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện từ năm 2020 đã gây ra không ít khó khăn đến tình hình sản xuất kinh doanh tại thị trường trong nước cũng như cản trở hoạt động xuất nhập khẩu tới các quốc gia khác.

Số liệu thống kê từ Bảng xếp hạng PROFIT500 năm 2021 đối với 339 doanh nghiệp niêm yết cho thấy có đến 53,1% doanh nghiệp vẫn giữ vững được đà tăng trưởng lợi nhuận trong suốt giai đoạn 2019-2020 và 6 tháng đầu năm 2021. Bên cạnh đó, 24,4% doanh nghiệp đã bắt đầu phục hồi và lấy lại được đà tăng trưởng lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm 2021.

Đây là dấu hiệu tích cực cho biết các doanh nghiệp niêm yết trong PROFIT500 đã dần thích ứng với sự thay đổi của các điều kiện kinh doanh sau khi đại dịch xuất hiện.

Ngoài ra, 14,2% doanh nghiệp trong số này bị tăng trưởng chậm lại và ghi nhận mức lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2021 giảm so với cùng kỳ năm 2020. Còn lại, 8,3% doanh nghiệp thuộc nhóm phục hồi chậm với lợi nhuận giảm 2 kỳ liên tiếp-lợi nhuận năm 2020 giảm so với năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2021 giảm so với cùng kỳ năm trước.

Bước sang năm 2021, với những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra trong một khoảng thời gian dài, cả 3 khu vực kinh tế đều chứng kiến sự suy giảm ROA (tỷ số lợi nhuận trên tài sản) bình quân so với Bảng xếp hạng PROFIT500 năm trước.

ROA bình quân khu vực FDI giảm nhẹ từ 12,5% trong năm 2020 xuống 12,4% vào năm 2021. Khu vực kinh tế tư nhân ghi nhận ROA bình quân năm 2021 giảm còn 9,4% so với mức 9,8% của năm trước.

Đặc biệt, khu vực Nhà nước đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi giảm từ 11,7% trong năm 2020 xuống 8,4% vào năm nay. Điều này đã khiến cho hiệu quả sử dụng tài sản của khối doanh nghiệp này bị tụt xuống mức thấp nhất so với hai khu vực kinh tế còn lại.

Bàn về những giải pháp trong bối cảnh dịch bệnh, theo các chuyên gia kinh tế,  chuyển đổi số là cách để các doanh nghiệp giải quyết được những vấn đề do đình trệ sản xuất, khó quản lý nhân viên đến việc phải tạm đóng cửa các cơ sở kinh doanh vì dịch bệnh. Chuyển đổi số hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động thương mại điện tử (mua bán trực tuyến), giúp tăng khả năng tiếp cận khách hàng; quản lý khách hàng thông qua hệ thống CRM; mua hàng và thanh toán trực tuyến nhanh chóng, dễ dàng; vận chuyển an toàn, ít tiếp xúc.

Mặt khác, trong điều hành doanh nghiệp, chuyển đổi số là công cụ hữu hiệu giúp các nhà quản trị giải quyết bài toán về chi phí và tăng hiệu suất công việc, cụ thể: chuyển đổi dữ liệu từ dạng văn bản giấy tờ sang dữ liệu điện tử, giảm thiểu chi phí giao dịch (điển hình đối với ngân hàng), tối ưu chi phí vận hành...

Hơn nữa trong giai đoạn giãn cách, nhờ có chuyển đổi số, các nhà quản trị đã giải quyết được những khó khăn trong điều hành và quản lý công việc từ xa, có thể nắm được tình hình, kiểm soát tiến độ và chất lượng công việc của toàn bộ công ty, tối ưu hóa nguồn lực dù làm việc tại nhà (Work from home) thông qua việc chuẩn hóa quy trình làm việc nhờ phần mềm quản lý nguồn lực doanh nghiệp (ERP), theo dõi dòng tiền kịp thời và nhanh chóng, họp trực tuyến để trao đổi công việc...

Trải qua 5 năm thực hiện bình chọn và công bố, bảng xếp hạng PROFIT500-Top 500 Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam hướng tới việc tìm kiếm và tôn vinh những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có khả năng tạo lợi nhuận tốt và bền vững, là niềm tự hào và cũng là những cột trụ cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch diễn ra suốt hơn một năm qua, ý nghĩa của việc tìm kiếm các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, duy trì được tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận, càng được cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư và công chúng mong chờ hơn bao giờ hết. Đồng thời, góp phần giới thiệu thương hiệu doanh nghiệp Việt tới cộng đồng kinh doanh và các nhà đầu tư trong nước và quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục