Ra đời muộn hơn so với các tờ báo điện tử đã thành danh, lại không định hướng theo phong cách ‘sốc-sến’ vốn là “món ăn khoái khẩu” của độc giả lúc bấy giờ, cơ sở vật chất thì thiếu thốn, hơn tám tháng trời gặp sự cố kỹ thuật, đội ngũ nhân lực trẻ thiếu kinh nghiệm… có lẽ, những người lạc quan nhất cũng chẳng thể ngờ Báo Điện tử VietnamPlus lớn mạnh, trở thành tờ báo điện tử chính thống hàng đầu chỉ sau đó ít năm.
Để rồi, nhìn lại hành trình 12 con giáp đã qua, người Báo Điện tử VietnamPlus có thể tự hào về những thành quả mình đạt được, tự tin và kiên định bước tiếp trên con đường đã được ban lãnh đạo tòa soạn vạch ra từ khi khai sinh tờ báo và đặt thêm lên đó những “viên gạch” sáng tạo, để Báo Điện tử VietnamPlus ngày càng tạo dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả toàn cầu.
Xây nhà từ niềm tin
Một buổi tối mùa Thu năm 2008!
“Ting!” Chiếc điện thoại cũ mèm báo tin nhắn Yahoo! Messenger. Ở đầu bên kia, nhà báo Lê Quốc Minh, một người anh trên diễn đàn Nhà báo Việt Nam (Vietnam Journalism), nhắn: “Thông tấn xã Việt Nam mở tờ báo điện tử đầu tiên, em về góp sức nhé.”
[Báo Điện tử VietnamPlus giành giải A Báo chí Quốc gia với loạt bài về rác thải]
Sau khoảng 10 phút trao đổi về đường hướng của Báo Điện tử VietnamPlus, chàng phóng viên trẻ vốn đang ở “top” nhuận bút của một tờ báo nọ gật đầu cái rụp mà không một câu hỏi han về tiền lương, chế độ đãi ngộ… Và, khi cầm trên tay Quyết định nhận vào làm việc, anh không khỏi ngỡ ngàng cơ sở vật chất của phòng phóng viên khi đó chỉ là một phòng nhỏ, vài chiếc máy tính chậm… như rùa. Trong những buổi họp phòng, họ phải người ngồi kẻ đứng… Ở phía “thượng tầng,” phòng của Tổng Biên tập Lê Quốc Minh được “cơi nới” hành lang suốt bốn năm trời với những vách ngăn thạch cao chỉ quá đầu người vài gang tay.
Có vẻ “ngon nghẻ” hơn là phòng của các Phó Tổng Biên tập khi được “ăn chung, ở đụng” với toàn bộ cán bộ nhân viên phòng biên tập, phòng tổng hợp, sales trong một không gian chật chội.
Một điều “choáng không thể tả” nữa chính là tờ báo điện tử “lúc chạy, lúc… nghỉ giải lao” hơn 8 tháng trời do lỗi kỹ thuật. Thu nhập hằng tháng của chàng phóng viên trẻ khi ấy chỉ bằng hơn 1/3 so với thu nhập từ tờ báo cũ…
Thế nhưng tất cả họ đều không bỏ cuộc. Không một ai muốn rời Báo Điện tử VietnamPlus…
Ở những ngày đầu vô cùng vất vả, đội ngũ nhân lực trẻ của Báo Điện tử VietnamPlus tỏ ra ‘lì lợm’ đến khó ngờ. Họ có một niềm tin sắt đá rằng tờ báo chính thống sẽ phát triển và họ sẽ là một phần, là người kiến tạo nên sự thành công dù trước mắt là muôn vàn gian khó.
Bởi thế, cho dù nửa đêm rét mướt, chỉ cần nghe tin có động đất, tăng giá xăng hay mưa bão lũ lụt, họ sẽ tìm mọi cách để có thông tin nhanh nhất hoặc lập tức khoác balô lên đường…
Trong căn phòng nhỏ của phóng viên, lúc nào cũng có những gói mì tôm, xúc-xích, thịt hộp… của chính lãnh đạo phòng bỏ tiền túi ra mua để dự phòng cho anh em, đặc biệt vào kỳ thông tin lớn của đất nước như bầu cử, Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, tác nghiệp bão lũ miền Trung… Những phóng viên lăn xả bên ngoài cũng luôn nhận được sự hỗ trợ tối đa từ Tổng Biên tập, các Phó Tổng Biên tập và đội ngũ biên tập viên ở nhà để thông tin có thể cập nhật một cách nhanh nhất đến độc giả.
Bĩ cực rồi cũng dần qua. Hệ thống kỹ thuật hoạt động trơn tru, người VietnamPlus như được tiếp thêm sinh lực để mải miết đi theo con đường mình đã chọn. Lãnh đạo tòa soạn, đặc biệt là Tổng Biên tập Lê Quốc Minh khi ấy đã dành ra mỗi tuần 1 buổi trưa để training cho nhân viên những kỹ năng làm báo hiện đại. Trong mỗi buổi trò chuyện ấy, việc ‘phản pháo’ lại “ông Tổng” được thực hiện công khai mỗi khi phóng viên thấy điều mình nghĩ là đúng. Cùng nhau ‘ôn luyện’ và rèn giũa kiến thức, các phóng viên, biên tập viên ‘mặt còn búng hơi sữa’ đã trau dồi được nhiều kỹ năng mà trong nhà trường họ chưa được tiếp cận để áp dụng vào công việc dần trơn tru, nhuần nhuyễn. Và ngay trong năm 2009, những phóng viên trẻ của Báo Điện tử VietnamPlus đã có giải thưởng đầu tay tại Giải Báo chí của ngành…
Rõ ràng, với việc ra đời muộn, không theo con đường “sốc-sến,” cơ sở vật chất thì ‘bi đát’ và đội ngũ nhân lực vừa mới ra trường, lãnh đạo Báo Điện tử VietnamPlus xác định kim chỉ nam của tờ báo là sáng tạo, áp dụng công nghệ mới để đưa thông tin tới độc giả một cách nhanh nhất. Bên cạnh đó, thông tin của Báo Điện tử VietnamPlus luôn phải bảo đảm tính chính thống, không sao chép, chộp giật…
Sau khi đã “bơm” vào đầu đội ngũ của mình những tư duy, kỹ năng làm báo mới, cùng với sự “trợ giúp” của bão công nghệ khi mà 3G, smartphone dần phủ sóng tới khắp nẻo ở Việt Nam, Tổng Biên tập Lê Quốc Minh cùng cộng sự bắt đầu triển khai những ý tưởng mà khi đó không ít người làm báo còn hoài nghi, thậm chí cho là “điên rồ.”
Làng báo khi ấy hẳn sẽ rất lấy làm lạ khi 2010, Báo Điện tử VietnamPlus cho ra đời tới 9 sản phẩm báo chí: Từ Ứng dụng VietnamPlus Mobile đa ngữ chạy mượt mà trên cả những chiếc điện thoại “cùi bắp” thu hút đến gần 500.000 lượt download, dịch vụ thông tin đồ họa hợp tác với hãng tin AFP tới các trang web về người Việt ở nước ngoài, trang web đa ngữ nhân sự kiện 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội...
Liên tục từ đó tới nay, Báo Điện tử VietnamPlus luôn có những sản phẩm báo chí mới mẻ, tiên phong trong áp dụng công nghệ báo chí-truyền thông hiện đại: Từ ảnh/video 360 độ, flycam, thông tin đồ họa tĩnh-đồ họa tương tác, dòng sự kiện timeline cho đến việc ứng dụng báo chí di động (mobile journalism), báo chí bằng công cụ truyền thông xã hội (social journalism), bài Mega story và báo chí dữ liệu (data journalism), Podcast, báo chí thu phí...
Đáng chú ý, sản phẩm RapNews của Báo Điện tử VietnamPlus đã tạo ra “chấn động” về thông tin, được bạn bè thế giới đánh giá cao khi đoạt giải nhất ở hạng mục đặc biệt “Digital First” của Hiệp hội các Nhật báo và Nhà Xuất bản Tin tức Thế giới (WAN-IFRA) vào năm 2014.
[VietnamPlus vinh dự lần thứ hai giành giải thưởng báo chí quốc tế]
Điểm độc đáo của Báo Điện tử VietnamPlus là rất nhiều phần trong quy trình sản xuất nội dung hiện đại đều sử dụng công cụ online và tất cả phóng viên, biên tập viên đều tự tay xử lý được mà không hề cần nhân viên thiết kế đồ họa hay nhân viên lập trình. Đó là việc làm ra các biểu bảng đồ họa tương tác sử dụng những công cụ như Infogram hay Visme, làm video bằng công cụ Wochit, trình bày các bài Mega Story bằng công cụ Atavist…
“Sáng tạo hay là chết?” câu hỏi ấy dường như đã ăn sâu vào khối óc của những người VietnamPlus. Sự sáng tạo ấy không chỉ là đường hướng từ cấp trên, mà còn từ những cách tác nghiệp ngoài hiện trường của phóng viên. Họ sử dụng chiếc điện thoại di động để quay chụp, ‘bắn’ text và thậm chí là dựng tin trên mobile ngay tại hiện trường. Mỗi biên tập viên cũng có thể làm thay công việc của phóng viên khi cần chứ không chỉ đơn thuần là việc biên tập và chỉnh sửa tin tức sẵn có…
Áp dụng công nghệ mới một cách thuần thục và đặc biệt đem lại hiệu quả sâu rộng khi thông tin tới người đọc một cách nhanh chóng, chuẩn xác, dễ hiểu. Năm 2015, Báo Điện tử VietnamPlus được Hiệp hội Báo chí và các Nhà Xuất bản Tin tức Thế giới (WAN-IFRA) chọn là một trong 5 tòa soạn nhỏ nhưng sáng tạo nhất thế giới. Tháng 4/2019, tại Hội nghị Ban chấp hành Tổ chức Tổ chức các hãng Thông tấn châu Á-Thái Bình Dương (OANA), sản phẩm Chatbot của VietnamPlus đã đạt “Giải thưởng xuất sắc chất lượng thông tấn.”
Bên cạnh đó, đội ngũ phóng viên, biên tập viên của VietnamPlus cũng ngày càng khẳng định được tên tuổi của mình. Gần như 100% phóng viên và rất nhiều biên tập viên của Báo Điện tử VietnamPlus đều đã gặt hái những giải thưởng báo chí của Bộ, ngành và nhiều lần được xướng tên tại các giải báo chí cấp quốc gia. Ví dụ như Báo Điện tử VietnamPlus 8 năm liên tiếp giành thứ hạng cao tại Giải Báo chí Quốc gia, từ Giải Khuyến khích đến Giải A, riêng 4 năm 2017-2020 đã liên tiếp giành 4 Giải A Giải Báo chí Toàn quốc. Ở Giải thưởng Toàn quốc về Thông tin Đối ngoại, Báo Điện tử VietnamPlus cũng nhiều năm được xướng tên ở hạng mục cao nhất; giải Báo chí Búa liềm vàng với 2 Giải C…
Cho dù không lấy giải thưởng làm mục tiêu, nhưng rõ ràng sự ghi nhận ấy đã giúp phóng viên, biên tập viên Báo Điện tử VietnamPlus vững tin thêm trên con đường mình đã chọn. Họ lại lăn xả với nghề không quản ngày đêm hay hiểm nguy để bảo đảm cho những dòng tin chính thống không bao giờ ngừng chảy, cho dù trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là khi các tờ báo điện tử khác cũng đang chuyển mình mạnh mẽ với các chiến lược đầu tư bài bản về vật chất cũng như con người.
Đáng chú ý, vào tháng 10/2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển một số báo in và báo điện tử đối ngoại quốc gia của TTXVN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu đưa Báo Điện tử VietnamPlus trở thành một trong năm báo điện tử có lượng truy cập cao nhất từ nước ngoài, là sản phẩm báo chí đối ngoại quốc gia có tầm ảnh hưởng trong khu vực và trên thế giới.
Triển khai đề án, Báo Điện tử VietnamPlus đã phối hợp cùng các đơn vị trong TTXVN xây dựng lộ trình cụ thể hướng đến mục tiêu báo điện tử đa ngữ với 8 thứ tiếng (Việt, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc) với diện mạo hoàn toàn mới, chất lượng chuyên môn cao, là kênh thông tin chính thống, tuyên truyền hiệu quả các đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam, góp phần định hướng dư luận xã hội.
Phía sau những dòng tin...
Trong hành trình 12 năm không ngơi nghỉ ấy, bên cạnh những dòng tin không ngừng chảy, tập thể lãnh đạo, cán bộ nhân viên Báo Điện tử VietnamPlus luôn chú tâm tới những hoạt động ''Về Nguồn.'' Chúng tôi đã đặt chân tới những điểm di tích vô cùng ý nghĩa như nơi thành lập Thông tấn xã Việt Nam, nơi tác nghiệp của Thông tấn xã tại An toàn Khu (Tân Trào, Tuyên Quang), Đài thu phát T6-Khu di tích cách mạng thời Kháng chiến chống Pháp, nơi sơ tán của Thông tấn xã Việt Nam thời chống chiến tranh phá hoại (Phượng Cách, Quốc Oai, Hà Nội)…
Chúng tôi cũng tìm về làng Sen quê mẹ và làng Chùa quê cha của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Nghệ An, nhà tưởng niệm nhà báo-liệt sỹ Trần Kim Xuyến-người anh cả của TTXVN tại Hà Tĩnh, thăm hang Pác Bó (Cao Bằng), nghĩa trang Vị Xuyên (Hà Giang), cột cờ Lũng Cú-điểm cực Bắc của Tổ quốc, đến thăm mũi địa đầu Móng Cái (Quảng Ninh)… đó là những chuyến về nguồn để khơi lên lòng tự hào, về truyền thống hào hùng của dân tộc, của cơ quan Thông tấn xã cho lứa các phóng viên còn trẻ của Báo Điện tử VietnamPlus.
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động xã hội đầy ắp tính nhân văn cũng được lãnh đạo báo hết sức quan tâm. Ngoài việc tham gia ủng hộ từ thiện cùng cơ quan, trong những lần đi tác nghiệp phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus luôn chú tâm tới cuộc sống của bà con, từ đó cùng công đoàn, đoàn thanh niên của báo lên kế hoạch kêu gọi anh em trong tòa soạn, tìm đối tác để lên đường làm thiện nguyện.
Có thể kể ra đây hàng loạt chuyến đi nghĩa tình như tặng áo ấm cho trẻ em vùng khó ở Tương Dương (Nghệ An), tặng quà vùng lũ (Quảng Bình, Hà Tĩnh năm 2013), trao quà cho xã vùng cao Sơn Vỹ (Hà Giang), trao quà cho trẻ ở bãi giữa sông Hồng, trao quà cho gia đình bị chất độc da cam (Hà Nội), dự án Anh hùng Nhí (Little Heroes) hỗ trợ những tấm gương thiếu niên truyền cảm hứng trên mọi miền đất nước…
Đặc biệt, gần đây nhất, ngày 7/11, nhân kỷ niệm 12 năm thành lập báo, Báo Điện tử VietnamPlus đã phối hợp cùng Samsung trao tặng bà con nghèo bản Lủng Sính (Phố Cáo, Đồng Văn, Hà Giang) những bồn inox chứa nước nghĩa tình, giúp người dân trên cao nguyên đá của miền biên viễn ải Bắc xa xôi bớt khát trong mùa khô, giúp những đôi chân, bờ vai gầy của người phụ nữ Mông đỡ phải đi bộ dăm bảy cây số, gùi trên lưng những can nước về để sinh hoạt…
[VietnamPlus 'Về Nguồn': Những chuyến đi sâu nặng nghĩa tình]
Tại mỗi điểm dừng chân, mỗi cán bộ, nhân viên của Báo Điện tử VietnamPlus đều rưng rưng xúc động khi nghe những thông tin của điểm đến, mục sở thị những kỷ vật trong nhà truyền thống hay những khó khăn của người dân. Nhờ đó, mỗi người lại càng thêm quyết tâm xây dựng Báo Điện tử VietnamPlus tiếp tục phát triển, đóng góp vào sự nghiệp lớn của toàn ngành TTXVN, nỗ lực đem lại những giá trị tốt đẹp cho xã hội.
Một điểm đáng chú ý là trong những chuyến đi kéo dài tới 2-3 ngày, dù phải vượt qua nhiều con dốc với những khúc cua tay áo hiểm trở, hay trong những kỳ nghỉ lễ-Tết kéo dài… những dòng tin của Báo Điện tử VietnamPlus vẫn luôn liền mạch. Với sự kết hợp và sử dụng nhuần nhuyễn các công cụ hiện đại như thiết bị di động, laptop của phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, độc giả vẫn thấy trên trang báo những thông tin thời sự nóng hổi trong nước và quốc tế.
Nhà báo Trần Tiến Duẩn, Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus cho hay: “Trong hành trình 12 năm, với sự chỉ đạo sáng suốt Đảng ủy, Ban lãnh đạo TTXVN, đặc biệt của đồng chí Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập sáng lập và dìu dắt tờ báo suốt 10 năm, cùng sự phối hợp chặt chẽ của ban lãnh đạo báo, sự đoàn kết của anh em trong tòa soạn, Báo Điện tử VietnamPlus luôn có những bước tiến vững chắc. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiên định trên con đường mình đã chọn và liên tục đổi mới, sáng tạo để góp phần đặt thêm viên gạch vào sự thành công ấy, đặc biệt là mục tiêu tiếp tục xây dựng và phát triển Báo Điện tử VietnamPlus trở thành báo điện tử chính thống của TTXVN, báo đối ngoại quốc gia mạnh, xứng tầm khu vực và thế giới.”
12 năm không dài cho một đời người, cũng rất nhỏ bé so với hành trình 75 năm của TTXVN, nhưng rõ ràng với một tờ báo điện tử của Việt Nam, đó là quãng thời gian không hề ngắn.
Sau 12 năm, cũng đã có những người cũ đã ra đi, những người trẻ mới đến song với tất cả họ, làm báo ở Báo Điện tử VietnamPlus không chỉ là tìm một chỗ làm, để mưu cầu cuộc sống mà là để được sống và làm báo trong một môi trường nhiều sáng tạo, nhiều đam mê và thân thiết yêu thương. Để rồi, ai đã đến thì muốn suốt đời gắn bó, nếu ai vì lý do gì đó phải rời xa ngôi nhà Báo Điện tử VietnamPlus đều có cảm giác phải chia tay gia đình của mình, nơi họ đã có những tháng năm đẹp nhất, đáng tự hào nhất...
Và, mỗi thành viên tòa soạn hiện nay đều hiểu rằng những gì Báo Điện tử VietnamPlus đã trải qua là để khẳng định vị trí trên bản đồ báo chí nước nhà, thậm chí là thế giới, góp phần vào thành tích đồ sộ của TTXVN. Nhưng, tất cả sẽ trôi vào dĩ vãng nếu tòa soạn không tiếp tục nỗ lực sáng tạo…
Bởi thế, một hành trình tiếp theo của Báo Điện tử VietnamPlus sẽ lại bắt đầu…
Báo Điện tử VietnamPlus được Đảng, Nhà nước tặng các phần thưởng cao quý: • Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2018) • Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2013) • Cờ Thi đua Chính phủ (các năm 2010, 2012, 2016) • Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2011) |