Báo "Nước Đức Mới" đăng bài ca ngợi Hồ Chủ tịch

Báo Nước Đức Mới số 117 đã đăng bài viết của Hellmut Kapfenberger, thể hiện sự hiểu biết và lòng kính trọng đối với Hồ Chủ tịch.
Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo Nước Đức Mới (Neues Deutschland) số 117 ra tháng 5 đã đăng bài viết của tác giả Hellmut Kapfenberger, thể hiện sự hiểu biết sâu sắc và tình cảm kính trọng của tác giả đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Mở đầu, bài báo viết: "Ước nguyện cống hiến cả cuộc đời cho cách mạng, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc khỏi ách thực dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành khi Người dõng dạc đọc bản tuyên ngôn độc lập trên Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2/9/1945.

Đó là bản tuyên ngôn khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó cũng là lần đầu tiên Bác Hồ đặt chân lên mảnh đất Thủ đô sau nhiều năm bôn ba ở nước ngoài kể từ khi Người ra đi tìm đường cứu nước, cũng là lần đầu tiên gần một triệu người dân ở thủ đô Hà Nội được tận mắt trông thấy Bác Hồ, được nghe tiếng nói của Người mà từ lâu họ vẫn biết đến với tên gọi Nguyễn Ái Quốc, lãnh tụ cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc của Nhân dân Việt Nam."

Tác giả dẫn dắt bạn đọc đi từ một làng quê nghèo tại tỉnh Nghệ An, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chào đời ngày 19/5/1890 với tên gọi Nguyễn Sinh Cung, đến các bước đường bôn ba của Người trong suốt quá trình hoạt động cách mạng tại Pháp, Anh, các nước thuộc địa của Pháp ở châu Phi, Tây Âu (trong đó có Đức), Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc, Thái Lan... cho đến ngày nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời năm 1945.

Chỉ nằm trong khuôn khổ một bài báo, song bài viết của tác giả Kapfenberger như một "cuốn biên niên sử thu nhỏ" về Bác Hồ, bởi đã khái quát được gần như toàn bộ những sự kiện nổi bật trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác theo trình tự thời gian, từ khi Người quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước năm 1911 cho đến ngày Người đọc tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945.

Có lẽ phải là người đã nghiên cứu rất sâu về Bác Hồ và am hiểu văn hóa và phong tục Việt Nam cũng như phương Đông, nên dù là một người Đức nhưng tác giả đã có những câu viết rất phương Đông: "Không biết vì lý do gì mà cha mẹ của Người, cụ Nguyễn Sinh Sắc và Hoàng Thị Loan lại đặt tên cho người con trai thứ ba của mình là Cung, có nghĩa là 'được kính trọng.' Vì vậy mà họ không biết được rằng sau này, người con của họ không những được Nhân dân Việt Nam mà còn được hàng triệu người dân trên thế giới biết đến và kính trọng."

Tác giả cũng đưa ra những lý giải với bạn đọc về tên gọi Nguyễn Tất Thành, mà theo tác giả tức là "hoàn thành mong ước" hoặc cũng có thể là "chàng trai họ Nguyễn nhất định thành công," hay tên gọi Nguyễn Ái Quốc được tác giả lý giải "Nhà yêu nước họ Nguyễn" hay "người coi tình yêu quê hương là phẩm chất cao quý nhất."

Nhà báo Hellmut Kapfenberger là người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam và không xa lạ đối với độc giả Việt Nam. Ông là cựu phóng viên của Hãng thông tấn ADN của Cộng hòa Dân chủ Đức (trước đây) và cựu phóng viên của báo "Nước Đức Mới."

Ông đã có nhiều năm sống và làm việc tại Việt Nam và là tác giả của nhiều bài viết về Việt Nam và về Bác Hồ. Năm 2009, nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hellmut Kapfenberger đã cho ra mắt độc giả cuốn Biên sử Hồ Chí Minh bằng tiếng Đức.

Mới đây nhất, vào đúng dịp Đảng và Nhà nước Việt Nam kỷ niệm trọng thể sinh nhật lần thứ 120 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 18/5 bản dịch tiếng Việt của cuốn sách đã chính thức được ra mắt bạn đọc Việt Nam. Đây thực sự là kho tư liệu quý phục vụ công tác nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục