Bảo tàng Hồ Chí Minh triển lãm về 133 tấm gương bình dị mà cao quý

Triển lãm không chỉ giới thiệu, tôn vinh những tấm gương ‘người tốt, việc tốt’ mà còn góp phần để người xem có thêm nhận thức sâu sắc hơn về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Bảo tàng Hồ Chí Minh triển lãm về 133 tấm gương bình dị mà cao quý ảnh 1Khách tham quan triển lãm tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương (sinh năm 1983), Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam là nữ sỹ quan đầu tiên của Việt Nam thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan.

Chị là một trong số 133 tấm gương điển hình tiên tiến (gồm 62 tập thể và 71 cá nhân) được lựa chọn giới thiệu trong triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023).

Triển lãm khai mạc ngày 17/5 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, giới thiệu hơn 200 tài liệu, bài viết và hiện vật, qua đó kể câu chuyện cảm động về các tập thể và những con người bình dị đã vượt lên hoàn cảnh, số phận, dám nghĩ, dám làm, không ngừng cố gắng vì lợi ích của cộng đồng, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bảo tàng Hồ Chí Minh triển lãm về 133 tấm gương bình dị mà cao quý ảnh 2Trung tá Nguyễn Minh Phương, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, năm 2022. (Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh)

Ngoài ra, triển lãm cũng giới thiệu thêm một số tư liệu sưu tập báo cắt dán về gương người tốt việc tốt được Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu dương và thưởng huy hiệu và một số huy hiệu Bác Hồ gửi tặng tấm gương người tốt việc tốt.

Qua nội dung trưng bày, Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương cho hay thời gian làm nhiệm vụ tại Nam Sudan không chỉ giúp chị nâng cao trình độ bản thân, cập nhật các kiến thức của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc mà còn tích lũy được nhiều kỹ năng quan trọng để có thể thực hiện nhiệm vụ tại phái bộ trong thời gian tới bằng tinh thần trách nhiệm và truyền thống của bộ đội cụ Hồ cũng như phẩm chất tốt đẹp của phụ Việt Nam.

Tại triển lãm, người xem còn được gặp gỡ các tấm gương bình dị mà cao quý khác như: Ông Hồ Văn Thân - “nghệ nhân múa rối đồng quê” ở Nghệ An; cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Tâm (sinh năm 1990 tại Nam Định) mắc căn bệnh xương thủy tinh bẩm sinh nhưng vẫn luôn giữ cho mình một thái độ sống tích cực, lạc quan và yêu đời; nghệ nhân Sầm Văn Dừn (Tuyên Quang) được xem như “bảo tàng sống” của văn hóa Cao Lan…

Bảo tàng Hồ Chí Minh triển lãm về 133 tấm gương bình dị mà cao quý ảnh 3Huy hiệu Bác Hồ gửi tặng tấm gương người tốt việc tốt. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Triển lãm diễn ra tại Bảo tàng Hồ Chí Minh đến hết tháng 8/2023 và sẽ được giới thiệu tại một số địa phương trong cả nước thời gian tới.

Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, ông Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cho rằng đây là hoạt động có ý nghĩa, được Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chỉ đạo Bảo tàng Hồ Chí Minh thực hiện trong 11 năm liên tiếp.

[Trưng bày 200 tài liệu về quá trình 17 năm Bác Hồ gắn bó với Thủ đô]

“Triển lãm không chỉ giới thiệu, tôn vinh những tấm gương ‘người tốt, việc tốt’ mà còn góp phần để người xem có thêm nhận thức sâu sắc hơn về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; qua đó, mỗi người, mỗi gia đình, mỗi tổ chức sẽ đóng góp những việc làm thiết thực, có sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống, để cả xã hội luôn là một rừng hoa đẹp kính dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh mỗi dịp kỷ niệm sinh nhật của Người,” ông Vũ Mạnh Hà nói.

Bảo tàng Hồ Chí Minh triển lãm về 133 tấm gương bình dị mà cao quý ảnh 4 Bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự một hội nghị ở Chiến khu Việt Bắc trưng bày tại triển lãm.

Cũng trong ngày 17/5, triển lãm “Chữ ký và bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 1945-1969” đã khai mạc tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, giới thiệu đến công chúng hơn 200 lệnh, sắc lệnh gốc tiêu biểu và gần 80 ảnh tư liệu minh họa cho giai đoạn lịch sử 1945-1969, cũng là quãng thời gian 24 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở cương vị người đứng đầu Nhà nước Việt Nam.

Triển lãm được chia làm hai phần. Phần đầu là các hình ảnh, tư liệu, văn bản Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, xây dựng hệ thống chính quyền nhân dân, kiên trì giải pháp ngoại giao để bảo vệ thành quả cách mạng và lãnh đạo cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân thắng lợi (1945-1954).

Phần 2 giới thiệu các hình ảnh, tư liệu Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo công cuộc cải tạo, xây dựng xã hội chủ nghĩa và bảo vệ miền Bắc, đồng thời tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam, mở rộng quan hệ ngoại giao, tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của các lực lượng hòa bình, dân chủ, tiến bộ trên thế giới (1954-1969).

Theo ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, các sắc lệnh có bút tích viết tay hoặc chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh là minh chứng khẳng định vai trò lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Người trong những năm đầu xây dựng chính quyền nhà nước non trẻ, trong những năm kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc, thể hiện tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Bác như: Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), Lời kêu gọi toàn dân thi đua ái quốc năm (11/6/1948)./.

Bảo tàng Hồ Chí Minh triển lãm về 133 tấm gương bình dị mà cao quý ảnh 5Sưu tập chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 1945- 1969. (Ảnh: PV/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục