Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa sách chữ Thái cổ Sơn La

Hiện Bảo tàng Sơn La đã sưu tầm được 1.094 cuốn sách Chữ Thái cổ được viết bằng mực Tàu màu đen bằng bút lông trên loại giấy Dó.

Đề án "Bảo quản, dịch thuật, khai thác, phát huy di sản văn hóa sách chữ Thái cổ tỉnh Sơn La," do Bảo tàng tỉnh và Thư viện tổng hợp tỉnh Sơn La triển khai trong 4 năm (từ năm 2011 đến hết năm 2014) nhằm góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa công đồng các các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Hiện nay, Bảo tàng tỉnh Sơn La đã sưu tầm được 1.094 cuốn sách Chữ Thái cổ. Những cuốn sách chữ Thái cổ được viết bằng mực Tàu màu đen bằng bút lông trên loại giấy do người Thái tự sản xuất gọi là giấy Dó. Giấy có loại dầy, có loại mỏng như những tờ giấy Pơ Luya có khả năng nhìn thấu nên khi viết người ta thường chập đôi tờ giấy.

Hình dáng, kích thước các cuốn sách gồm nhiều loại; có cuốn hình vuông, có cuốn hình chữ nhật; kích thước cuốn bé nhất là 15cm x 15cm, cuốn lớn nhất là 50cm x 30cm. Bìa các cuốn sách có cuốn làm bằng giấy dầy, có cuốn làm bằng da thú, có cuốn làm bằng vải; gáy được khâu bằng dây gai hoặc dây dù rất chắc chắn.

Sưu tập sách Thái cổ của Bảo tàng Sơn La chứa đựng những giá trị nhiều mặt của nền văn hóa dân tộc:

Về lịch sử, các cuốn 'Quam tô mương Mường Muổi,' 'Quam tô mương Mường La,' 'Quam tô mương Mường Mụa... (Chuyện kể bản mường) cho ta biết quá trình thiên di của người Thái từ vùng Xíp Xoong Păn Na (Nam Trung Quốc) tới Việt nam, lịch sử hình thành của các châu mường Thái; cuốn 'Tay pú sớc,' 'Quam chưong han,' 'Quam xớc Hán Cơ Lương'... (dã sử đánh giặc phương bắc giữ yên bản mường) nói về lịch sử chống giặc ngoại xâm của người Thái cùng các dân tộc khác trên nước Việt, có những cuốn viết về hoạt động của bộ máy chính quyền phong kiến như Công văn của các Tri Châu, báo cáo tình hình kinh tế-xã hội của các mường......

Về tôn giáo tín ngưỡng, nhiều tác phẩm mô tả, tường thuật chi tiết quy trình tiến hành một đám tang, các bài cúng tiễn đưa linh hồn người chết; nhiều quyển sách được xem như những cẩm nang giúp ngươì Thái chọn ngày giờ làm nhà, chọn ngày giờ làm đám cưới, đưa tang, thậm chí chọn giờ đi săn như các cuốn 'Sổ đu mự' (lịch)... Nhiều cuốn sách miêu tả các phong tục tập quán được lưu truyền từ lâu đời của dân tộc như 'Mơi mák,' 'Quam hịa khuôn,' 'Quam báo khuôn,' 'Quam măn,' ' Sên hươn, 'Hịt khoong... (các bài cúng, bài mo).

Về văn học, sách Thái cổ đã ghi lại đầy đủ những tác phẩm văn học do người Thái sáng tác như 'Sống chụ son sao,' 'Khun Lú-Nang Ủa,' 'San Lương-Inh Lai,' 'Tạo Hôm- Nang Hai'... Nhiều tác phẩm phỏng tác theo các cốt Truyện của người Việt, người Trung Quốc như 'Lưu Bình- Dương Lễ,' 'Tống Trân-Cúc Hoa,'  'Lương Sơn Bá-Trúc Anh Đài"... Một số cuốn ghi các câu tục ngữ, các bài ca dao, các câu đố vui, hát giao duyên.

Sách Thái cổ lưu giữ tại Bảo tàng Sơn La còn là một kho tư liệu quý giá để nghiên cứu về chữ viết của người Việt cổ. Theo một số nhà nghiên cứu Sử học và Dân tộc học hàng đầu ở Việt Nam như cố giáo sư Trần Quốc Vượng, cố giáo sư Từ Chi..., chữ Thái cổ chính là chữ Khoa đẩu có từ thời kỳ Vua Hùng. Theo các tài liệu lưu trữ ở Trung Quốc: Vua Hùng đã tặng Vua Nghiêu một con rùa lớn, trên mai rùa có đề tặng bằng chữ Khoa đẩu.

Chữ Khoa đẩu là thứ chữ tượng thanh, như chữ Thái; trái với chữ Trung Quốc là loại chữ tượng hình. Vì vậy sau hơn ngàn năm Bắc thuộc, các triều đại phong kiến Trung Quốc với dã tâm hủy diệt văn hóa đã tìm mọi cách xoá sạch dấu vết chữ viết của người Việt.

Nhà văn-nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền (với bút danh Khánh Hoài) trong tác phẩm 'Cuộc hành trình đi tìm chữ Việt cổ' đã bỏ nhiều công sức tìm kiếm ở các cục lưu trữ ở một số Quốc gia như Việt Nam, Pháp, Italy và ông đã có đủ tư liệu để xác định hàng trăm di tích đền, miếu thờ cúng các thầy cô giáo dạy chữ Khoa đẩu thời Hùng Vuơng (như miếu thờ thầy giáo Vũ Thê Lang ở thôn Hương Lan, xã Trưng Vương thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, nay đã được xếp hạng di tích cấp Quốc gia), chứng tỏ thời đó chữ Khoa đẩu đã được truyền bá rộng rãi trong dân chúng.

Ông đã cùng các nhà nghiên cứu tìm kiếm dấu vết chữ Khoa đẩu ở nhiều nơi và đã tìm thấy ở chữ Thái cổ, vùng Tây Bắc Việt Nam.

Hiện nay, Bảo tàng Sơn La đã tiến hành kiểm kê, phân loại, đánh số, đóng bìa lưu trữ trong hệ thống sổ sách theo quy định của các Bảo tàng Quốc gia; các cuốn sách được bảo quản bằng các phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng của Bảo tàng nên luôn ở trong tình trạng tốt. Một số cuốn sách đã được lược thuật nội dung và đưa ra trưng bày phục vụ công chúng.

Để bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị của sách chữ Thái cổ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La đang triển khai thực hiện Đề án "Bảo quản, dịch thuật, khai thác, phát huy di sản văn hóa sách chữ Thái cổ tỉnh Sơn La," với những nội dung quan trọng. Trong đó thực hiện việc kiểm kê, lược dịch và phân loại (số lượng, chủng loại và chất lượng) sách chữ Thái cổ, hiện có trong 2 kho lưu giữ tại Thư viện tỉnh Sơn La và Bảo tàng tỉnh Sơn La).

Đồng thời, Sở cũng rà soát, tổ chức lược thuật nội dung những bản sách chữ Thái cổ chưa được lược thuật tại kho Bảo tàng tỉnh; kiểm kê, phân loại, đánh giá chất lượng sách về các mặt cơ, lý, hóa học; nắm chắc, đúng về số lượng bản gốc, dị bản; phân loại nội dung thông tin trong sách theo các thể loại.

Để khai thác, phổ biến và phát huy giá trị vốn sách Thái cổ, Bảo tàng tỉnh Sơn La hiện đang tổ chức trưng bày giới thiệu sách chữ Thái cổ tại Bảo tàng Sơn La; đồng thời xây dựng ngân hàng dữ liệu nhằm lưu giữ, bảo quản, khai thác, phát huy giá trị sách chữ Thái cổ đã có ở Thư Viện và Bảo tàng; lựa chọn xuất bản nội dung một số cuốn sách chữ Thái cổ tiêu biểu, có giá trị để phổ biến rộng rãi trong nhân dân (theo hình thức song ngữ Thái-Việt).

Sách chữ Thái cổ từ xưa đến nay luôn được coi là một loại cổ vật quý hiếm, có giá trị lớn cả về mặt văn hoá và kinh tế, do đó bị các đối tượng buôn bán cổ vật săn lùng ráo riết để mang ra nước ngoài.

Hiện nay, bên cạnh việc nghiên cứu bảo tồn, phát huy giá trị của trên một ngàn cuốn sách đã có trong kho, Bảo tàng tỉnh sơn La tiếp tục sưu tầm những cuốn sách đang còn nằm ở đâu đó trong các hộ gia đình người Thái trên địa bàn để bổ sung cho sưu tập hiện vật vô cùng quý giá của mình, góp phần bảo tồn và phát triển nền năn hoá dân tộc./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục