Nhờ những cố gắng của chính quyền và người dân huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng cùng sự giúp đỡ của Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI), tỉnh Cao Bằng đã bảo vệ và phát triển thành công đàn vượn Cao Vít - một loài linh trưởng quý hiếm tưởng chừng đã tuyệt chủng.
Từ 24 cá thể được phát hiện năm 2004, đến nay tại Cao Bằng đã có 129 cá thể vượn Cao Vít.
Theo ông Đinh Hà Đầu, xóm Pác Ngà, xã Ngọc Côn, huyện Trùng Khánh, xưa kia, trong vùng này có loài vượn không đuôi, tay dài, vượn trưởng thành nặng khoảng 7-8kg.
Con đực toàn thân màu đen và có chỏm mào trên đỉnh đầu. Con cái trưởng thành lông vàng, có mảng lông đen và không có chỏm; con non lông màu vàng. Chúng sống thành từng nhóm nhỏ trên cây, di chuyển bằng hai tay rất nhanh. Mỗi sớm bình minh, chúng cất tiếng hót “cao vít,” “ka huýt”... kéo dài nên dân địa phương thường gọi là vượn Cao Vít hay Ka Huýt.
Tuy nhiên, do nạn chặt phá, khai thác rừng bừa bãi nên một thời gian dài người dân không thấy loài vượn này xuất hiện.
Các nghiên cứu của FFI cho thấy vượn Cao Vít có tên khoa học là Nomascus nasutus nasutus, thuộc loài vượn đen Đông Bắc chỉ có ở vùng Đông Bắc Việt Nam và đảo Hải Nam, vùng Đông Nam Trung Quốc.
Theo FFI, Cao Vít là loài linh trưởng đặc biệt quý hiếm trên thế giới. Ở Việt Nam, từ thập kỷ 50 của thế kỷ trước, loài vượn này đã không được nhìn thấy và bị coi là tuyệt chủng.
Khi phát hiện đàn vượn ở Trùng Khánh, qua phân tích ADN và tiếng hót, các nhà khoa học đã khẳng định đây đúng là loài vượn Cao Vít.
Nhằm bảo tồn loài linh trưởng đặc biệt quý hiếm này, tỉnh Cao Bằng đã thành lập Dự án bảo tồn vượn Cao Vít, hoạt động từ tháng 3/2004.
Năm 2007, FFI đã hỗ trợ tỉnh thành lập Khu bảo tồn vượn Cao Vít rộng 1.657ha tại 3 xã Phong Nặm, Ngọc Khê và Ngọc Côn (huyện Trùng Khánh).
Dự án thành lập 2 tổ tuần tra, thường xuyên tuần tra, kiểm tra rừng, giám sát đa dạng sinh học; triển khai các lớp tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo tồn loài vượn cho người dân; định hướng và hỗ trợ người dân có những giải pháp bền vững và hướng đi hiệu quả trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, góp phần bảo vệ, phát triển khu bảo tồn loài và sinh cảnh vượn Cao Vít.
Để giảm thiểu sự phụ thuộc của người dân vào tài nguyên rừng, dự án cũng hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi tại các xóm xung quanh khu bảo tồn vượn Cao Vít nhằm tạo ra sinh kế bền vững cho người dân, từ đó vận động người dân tích cực tham gia công tác bảo vệ thiên nhiên.
Ông Nông Văn Tạo - Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh vượn Cao Vít, cho biết từ năm 2007 đến nay, dự án đã tập huấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ cây, con giống, cho vay vốn, hỗ trợ xây dựng hầm khí biogas, lò tiết kiệm củi... cho nhân dân.
Với sự hỗ trợ của dự án, đời sống của người dân gần khu vực bảo tồn được cải thiện đáng kể, bà con tham gia tích cực vào hoạt động của dự án bảo vệ loài vượn Cao Vít quý hiếm./.