Bắt đầu cuộc đua đoạt giải Nobel Văn học 2009

Giải Nobel Văn học 2009 sẽ được công bố vào ngày 8/10 và thời điểm này, cuộc đua cho vị trí chủ nhân giải thưởng này đã thực sự "nóng".
Giải Nobel Văn học năm nay sẽ được công bố vào ngày 8/10. Ở kỳ giải lần này, hãng Ladbrokes tiếp tục xem nhà văn Israel, Amos Oz là người có nhiều khả năng chiến thắng nhất với tỷ lệ cược 4-1.

Tuy nhiên, theo tờ Guardian thì “cửa” dành cho Amos Oz lại không mấy sáng sủa vì năm ngoái ông cũng được Ladbrokes đánh giá cao nhất trong khi người đoạt giải, nhà văn Pháp, Jean-Marie Gustave Le Clezio, chỉ có tỷ lệ cược 14-1.

Năm nay, những ứng cử viên đứng hàng thứ hai là các nhà văn Assia Djebar (Algeria) và Joyce Carol Oates (Mỹ), đều có tỷ lệ cược 5-1. Nhưng liệu lần này giải Nobel và số tiền thưởng trị giá 10 triệu krona (1,4 triệu USD) có cơ hội lọt vào tay một nhà văn Mỹ không?

Năm ngoái, ông Horace Engdahl, thành viên Viện Hàn lâm Thụy Điển, đã gây nên một làn sóng phản ứng khi nói rằng người Mỹ không phải là những ứng cử viên cho giải thưởng danh giá này bởi họ không biết gì đến các xu hướng văn học thế giới và không thực sự tham gia vào “cuộc đối thoại lớn” của văn học.

Thế nhưng năm nay, ngoài Oates, Mỹ còn có một số nhà văn được cho là cũng nhiều hy vọng đoạt giải như Philip Roth (tỷ lệ cược 7-1) và Thomas Pynchon (9-1).

Ông Nick Weinberg, người phát ngôn của nhà cái Ladbrokes, nói: “Chỉ dựa vào khả năng văn chương thì Oates và Roth sẽ có giá trị thấp hơn. Nhưng do hồi năm ngoái, ông Engdahl đã “nặng lời” về văn học Mỹ nên năm nay chúng tôi đẩy giá của họ lên”.

Huyền thoại âm nhạc Bob Dylan cũng được đưa vào danh sách ứng viên với tỷ lệ cược 25-1 vì phần ca từ của ông mang đậm chất thơ. Tác giả Mỹ gần đây nhất đoạt giải Nobel Văn học là Toni Morrison, hồi năm 1993.

Mặc dù Horace Engdahl đánh giá thấp các nhà văn Mỹ nhưng nhìn vào thực tế thì rõ ràng họ vẫn chiếm ưu thế hơn các đồng nghiệp người Anh A.S. Byatt (50-1), Salman Rushdie (80-1), Beryl Bainbridge và Ian McEwan (100-1).

Viện Hàn lâm Thụy Điển vốn rất kín tiếng về việc chọn lựa của mình, nhưng theo di chúc mà Alfred Nobel để lại thì giải thưởng nên được trao cho những người “quan tâm tới lợi ích lớn lao nhất của nhân loại”.

Trong cuốn sách viết về giải Nobel, thành viên Viện Hàn lâm Thụy Điển, Kjell Espmark nói rằng, các nhà văn, nhà thơ thường được trao giải nhờ khả năng soi sáng nền văn hóa của dân tộc họ hoặc đề cập tới những chủ đề nhân văn mang tính toàn cầu.

Mặc dù vậy nhưng việc phân biệt rạch ròi giữa một nhà văn lớn với một nhà văn bình thường vẫn là điều gây tranh cãi trong giới phê bình. Mức độ ảnh hưởng của văn học tới cuộc sống thường nhật hiếm khi rõ ràng như những thành tựu khoa học hay kinh tế./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục