Bất ngờ với những sáng chế của 'nhà khoa học' chỉ học hết lớp 8

Nông dân Nguyễn Hồng Chương, ở thôn Lạc Thanh, xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, dù mới học hết lớp 8, đã nghiên cứu, chế tạo được 15 loại sản phẩm, đưa ra thị trường thế giới.
Bất ngờ với những sáng chế của 'nhà khoa học' chỉ học hết lớp 8 ảnh 1Nhà nông sáng chế Nguyễn Hồng Chương (áo trắng) trong xưởng cơ khí của mình. (Nguồn: Báo Lâm Đồng)

Không chỉ tự sản xuất máy nông nghiệp phục vụ gia đình và người thân, đến nay, nông dân Nguyễn Hồng Chương, 43 tuổi, ở thôn Lạc Thanh, xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng dù mới học hết lớp 8, đã nghiên cứu, chế tạo được 15 loại sản phẩm, đưa ra thị trường nhiều nước trên thế giới.

Mới đây, ngày 11/12, anh được vinh danh trong Lễ tôn vinh 53 “Nhà khoa học của nhà nông," lần đầu tiên được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức nhằm ghi nhận, đánh giá và biểu dương những trí thức, nhà khoa học có cống hiến xuất sắc trong quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.

Xuất thân từ gia đình thuần nông ở huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Hưng (nay là Hải Dương), anh Chương theo gia đình vào huyện Đơn Dương - vựa rau lớn nhất của tỉnh Lâm Đồng - lập nghiệp từ thập niên 80 của thế kỷ 20.

Do cuộc sống khó khăn, hằng ngày phải theo bố mẹ ra đồng canh tác nông nghiệp, anh đã trăn trở rất nhiều về việc làm sao để giải phóng được sức lao động, khi người nông dân chỉ biết làm thủ công, năng suất không cao.

Anh kể: "Là con nhà nông, hằng ngày, tôi đã chứng kiến cảnh người nông dân và người thân vất vả phun thuốc trừ sâu bằng công cụ thô sơ tốn nhiều thời gian và nặng nhọc. Trăn trở đó khiến tôi nghiên cứu, chế tạo cần phun thuốc trừ sâu hiệu suất cao vào năm 2004. Cần phun này mỗi giờ phun được 8.000-10.000m2 các loại rau thương phẩm, thay thế từ 4-6 lao động, lại giảm được sự độc hại cho người lao động do ảnh hưởng của hóa chất."

Sau thành công đầu tiên này, năm 2007, anh Nguyễn Hồng Chương dùng số tiền hơn 7 triệu đồng tích lũy được để mua sắt, thép về nhà nghiên cứu và chế tạo thành công máy gieo hạt chân không. Đây là sản phẩm đầu tay nhưng rất hữu ích cho các nhà nông khi làm vườn ươm công nghệ cao.

Từ niềm đam mê và thành công bước đầu, năm 2008, Nguyễn Hồng Chương vay bạn bè và được sự hỗ trợ của Hội Nông dân địa phương đã mạnh dạn mở Cơ sở nghiên cứu ứng dụng máy nông nghiệp Hồng Chương do anh làm chủ.

Các sản phẩm công nghệ phục vụ nông nghiệp của anh Chương lần lượt ra đời như máy gieo hạt chân không; máy đóng đất vào chậu tự động; máy vắt nước cho rau; cần phun thuốc trừ sâu hiệu suất cao; máy đóng bầu đất vào vỉ xốp; máy xay đất bùn; máy xay đất bùn kết hợp băng tải; máy đóng đất vào túi nilon tự động; máy sàng đất mùn; giải pháp trồng rau sạch công nghệ cao; bộ lấy cây từ vỉ xốp; máy rửa đánh bóng và phân loại củ quả; máy rửa, đánh bóng củ, quả đa năng...

[Lão ngư với niềm đam mê không ngừng chế tạo máy nông nghiệp]

Những sáng chế của anh Chương được nhiều doanh nghiệp Malaysia ưa chuộng và đặt mua. Năm 2012, nhà nông sáng chế Nguyễn Hồng Chương với trình độ văn hóa mới học hết lớp 8/12 đã trở thành một “kỹ sư chân đất," xuất ngoại ký kết sản xuất máy nông nghiệp với những đối tác ở các nước Đông Á.

Đến năm 2017, trong vòng 2 tuần, Nguyễn Hồng Chương đã cải tiến và thiết kế ra mẫu máy gieo hạt chân không tự động mới có công xuất lớn hơn, với hệ thống 6 trong 1 tự động.

Sản phẩm của anh đã được bán rộng rãi trong toàn quốc và xuất đi Trung Quốc, Lào, Campuchia, đặc biệt tiêu thụ nhiều ở Malaysia. Loại máy này đạt được tỷ lệ chính xác cao, không rơi vãi hạt, bình quân mỗi giờ gieo được gần 27.000 hạt giống, được người sử dụng đánh giá rất cao. Mỗi chiếc máy gieo hạt này có thể thay thế cho từ 10-12 lao động nhưng lượng điện chỉ tiêu tốn 0,5kw/h, lợi ích đem lại cho người nông dân rất lớn.

Đặc biệt, chiếc máy gieo hạt 6 trong 1 tự động model HC 020 ra đời sau đó còn có thể thay thế 18-20 nhân công và cơ sở của anh đang sản xuất đại trà loại máy này.

Anh Nguyễn Hồng Chương cho biết trước kia, anh đã từng chế tạo máy nông nghiệp nhưng là riêng lẻ cho từng công việc nên rất cồng kềnh và chi phí cao. Xuất phát từ suy nghĩ làm sao để người nông dân có chiếc máy gọn nhẹ lại nhiều công năng, anh đã cho ra đời chiếc máy này.

Giảm được chi phí trả thù lao cho nhân công làm thủ công nên chỉ khoảng 4 tháng, người sử dụng máy sẽ thu hồi được vốn. Sản phẩm của anh hiện tiêu thụ rộng rãi trong toàn quốc từ Quảng Nam, Đà Nẵng, Đắk Nông, Bình Thuận cho đến các tỉnh Đồng bằng Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và Hà Nội.

Ông Trần Đình Vân trú tại tổ dân phố 4, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) cho biết gia đình ông đã 5 năm nay mua và sử dụng loại máy này để canh tác hơn 3ha rau màu. Đây là thiết bị nông nghiệp đạt hiệu quả cao, giá thành phù hợp, giảm được nhiều nhân công lao động và chi phí sản xuất.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Thị Tường Vi đánh giá: “Máy móc của anh Nguyễn Hồng Chương rất phù hợp với người nông dân. Tuy nhiên, với trình độ đến lớp 8, việc đăng ký bản quyền, bản vẽ... còn gặp nhiều khó khăn. Tương lai, anh Chương nên tham gia các lớp học để nâng cao kinh nghiệm và phát huy tính sáng tạo tốt hơn."

Hiện nay, nhà khoa học nông dân Nguyễn Hồng Chương đã mở rộng xưởng cơ khí quy mô hơn 1.000m2 ở thôn Lạc Thạnh, xã Lạc Lâm (Đơn Dương), với tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 2,2 tỉ đồng. Đây là khoản tiền thu được sau hơn 4 năm cơ sở bán máy tự chế ra thị trường trong và ngoài nước; trong đó riêng tại thị trường Malaysia, anh Chương đã xuất khẩu trực tiếp 15 chiếc máy nông nghiệp tự chế gồm máy gieo hạt, máy đóng đất vô vỉ xốp, máy đóng đất vô chậu.

Từ những đóng góp cho nền nông nghiệp, nhà khoa học "chân đất" Nguyễn Hồng Chương đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng.

Năm 2017, chủ cơ sở sản xuất nông cụ Hồng Chương đã được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba vì đã có thành tích xuất sắc trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, chế tạo máy phục vụ sản xuất máy nông nghiệp công nghệ cao, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Đánh giá và ghi nhận về những thành quả của người nông dân làm được, ông Phạm S - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng cho biết đối với điều kiện khó khăn ở địa phương như huyện Đơn Dương, một người nông dân như anh Chương đã nỗ lực và sáng tạo ra nhiều sản phẩm mới phục vụ ngành nông nghiệp là rất đáng ghi nhận. Vì vậy, những sản phẩm của anh được thị trường đón nhận và nhận nhiều giải thưởng danh giá là điều xứng đáng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục