Bầu cử liên bang - làn gió mới cho tương lai Australia

Ngày 7/9, cử tri Australia đi bỏ phiếu bầu 150 ghế Hạ viện và 40 ghế trong Thượng viện, qua đó hình thành chính phủ mới nhiệm kỳ 3 năm tới.
Ngày 7/9, hàng triệu cử tri Australia đi bỏ phiếu bầu 150 ghế trong Hạ viện và 40 ghế trong tổng số 76 ghế Thượng viện, qua đó hình thành chính phủ mới cho nhiệm kỳ ba năm tới. Gần 8.000 điểm bỏ phiếu trên khắp "xứ sở chuột túi" đã sẵn sàng cho ngày bầu cử liên bang.

Mặc dù có hàng chục đảng phái tham gia cuộc bầu cử lần này, song thực tế đây chỉ là cuộc đua song mã giữa Công đảng cầm quyền của Thủ tướng Kevin Rudd và Liên đảng Tự do-Quốc gia đối lập do ông Tony Abbott dẫn đầu.

Trong suốt năm tuần lễ tranh cử, hai chính đảng lớn nhất Australia này đã ra sức thuyết phục cử tri trong và ngoài nước bằng những lời hứa hẹn ngọt ngào nhất. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, Thủ tướng Kevin Rudd cho rằng Australia đã vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tốt hơn nhiều quốc gia khác và Công đảng đã được chuẩn bị tốt hơn để dẫn dắt đất nước trong giai đoạn chấm dứt bùng nổ khai thác mỏ. Ông Rudd hứa hẹn sau bầu cử sẽ chú trọng các ngành công nghiệp mới, triển khai “kế hoạch trường học tốt hơn,” đầu tư vào hệ thống y tế và xây dựng chính phủ với cách thức mới trong tương lai…

Trong khi đó, thủ lĩnh phe đối lập Tony Abbott cũng đưa ra chương trình nghị sự hấp dẫn, theo đó cam kết xây dựng một nền kinh tế vững mạnh hơn dựa trên 5 trụ cột, bãi bỏ thuế carbon, chấm dứt tình trạng lãng phí và nợ công do Công đảng gây ra, tăng cường xây dựng đường sá và dịch vụ, ngăn chặn thuyền chở người xin tị nạn tới Australia, tạo thêm 6 triệu việc làm...

Tại các cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình, lãnh đạo Công đảng và Liên đảng ra sức chỉ trích lẫn nhau. Trong khi ông Kevin Rudd chỉ trích các kế hoạch cắt giảm ngân sách của Liên đảng thì ông Tony Abbott chĩa “mũi dùi” vào vấn đề thiếu hụt lòng tin và thâm hụt ngân sách do chính quyền Công đảng gây ra suốt sáu năm qua. Mặc dù có nhiều vấn đề đối với cử tri, những vấn đề chủ chốt trong chiến dịch tranh cử năm 2013 là sức mạnh của nền kinh tế, biện pháp xử lý vấn đề người xin tị nạn, đối phó với biến đổi khí hậu, kế hoạch cạnh tranh để phát triển mạng internet tốc độ cao…

Theo luật pháp Australia, đảng nào nắm đa số quá bán tại Hạ viện sẽ được quyền đứng ra thành lập chính phủ và người đứng đầu đảng này sẽ trở thành thủ tướng. Kết quả bầu cử năm 2010, Liên đảng thắng 73 ghế, Công đảng thắng 72 ghế, đảng Xanh thắng 1 ghế, còn 4 ghế thuộc về các ứng viên độc lập. Công đảng đã thu phục đảng Xanh và 3 nghị sĩ độc lập ủng hộ mình để đứng ra thành lập chính phủ thiểu số.

Bước vào cuộc tranh cử năm nay, Công đảng yếu hẳn so với Liên đảng. Dựa trên số ghế hiện có, Công đảng muốn giữ chính quyền cần thắng thêm ít nhất 2 ghế, bởi hai nghị sĩ độc lập ủng hộ họ đã rút lui không tranh cử. Tuy nhiên, điều này rất khó xảy ra bởi ghế của hai nghị sĩ này đang bị Liên đảng cạnh tranh quyết liệt để giành lại.

Giới phân tích nhận định cuộc bầu cử năm 2013 tại Australia có kết quả dễ dự đoán nhất từ trước tới nay, với phần thắng tại Hạ viện thuộc về Liên đảng. Các nhà quan sát cho rằng Công đảng có thể sẽ thua lớn tại bang Queensland, New South Wales và Victoria. Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận mới nhất do Newspoll công bố ngày 2/9, Liên đảng dẫn trước Công đảng về số phiếu ủng hộ phổ thông, với tỷ lệ lần lượt là 46% và 33%. Về số phiếu tín nhiệm lưỡng đảng, Liên đảng cũng vượt qua Công đảng, với tỷ lệ lần lượt là 54%, 46%. Sát ngày bầu cử, lần đầu tiên uy tín của thủ lĩnh phe đối lập Tony Abbott vượt qua Thủ tướng Kevin Rudd, với tỷ lệ là 43% và 41%.

Cuộc bầu cử tại Australia lần này diễn ra trong bối cảnh sức mạnh của Công đảng cầm quyền sa sút sau những rạn nứt nội bộ nghiêm trọng, tình hình kinh tế trong nước gặp không ít khó khăn, chi phí sinh hoạt hộ gia đình tăng… Chính vì vậy, bầu cử sẽ là thước đo phản ánh sự tín nhiệm của cử tri đối với những chính sách kinh tế- xã hội mà Thủ tướng Kevin Rudd đề ra trong thời gian qua.

Cho dù đảng nào lên nắm quyền sau bầu cử, cử tri Australia cũng hy vọng sẽ có một làn gió mới cho tương lai “xứ sở chuột túi”, đặc biệt trong vấn đề thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội, lương bổng, tạo thêm nhiều công ăn việc làm... Trong cuộc bầu cử ngày 7/9, cử tri sẽ quyết định ai có khả năng tạo ra làn gió đó./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục