Bầu cử quốc hội Italy: Cử tri quay lưng với mô hình liên kết châu Âu

Cuộc tổng tuyển cử tại Italy đã khiến những người phản đối hội nhập EU bước sang một giai đoạn mới khi cử tri Italy "không còn mong muốn EU tiếp tục theo đuổi con đường dẫn đến một hình mẫu EU."
Bầu cử quốc hội Italy: Cử tri quay lưng với mô hình liên kết châu Âu ảnh 1Cựu Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi tại điểm bầu cử ở Milan ngày 4/3. (Nguồn: THX/TTXVN).

Cuộc bầu cử lập pháp tại Italy đã khép lại với kết quả thắng lợi nghiêng về các đảng phái chính trị dân túy và hoài nghi châu Âu.

Đánh giá của giới quan sát tại Brussels về kết quả này trên trang tin điện tử EuroNews ngày 7/3 cho biết đây thực sự là một sự thay đổi kể từ năm 2008, thời điểm Italy từng có tỷ lệ người dân ủng hộ Liên minh châu Âu (EU) cao nhất. Tuy nhiên, chính các chính sách tài chính "thắt lưng buộc bụng" và chính sách nhập cư của EU đã làm dấy lên làn sóng phản đối này.

Theo nghị sỹ Nghị viện châu Âu (EP), bà Cécile Kyenge, lá phiếu các cử tri Italy đã bị chi phối trước thực tế đất nước thiếu triển vọng kinh tế và thách thức của cuộc khủng hoảng nhập cư. Bà giải thích rằng đó là một xu hướng giống như Brexit (Anh rời khỏi EU) khi người dân gắn vấn đề nhập cư với các khó khăn xã hội, vốn dĩ có nguồn gốc từ khủng hoảng kinh tế.

Trong khi đó, nghị sỹ người Séc theo đường lối bảo thủ tại EP Jan Zahradil, cho rằng cuộc tổng tuyển cử tại Italy đã khiến những người phản đối hội nhập EU bước sang một giai đoạn mới. Theo đó, cử tri Italy "không còn mong muốn EU tiếp tục theo đuổi con đường dẫn đến một hình mẫu EU theo kiểu liên bang hay mô hình kiểu Mỹ mang tính hội nhập cao."

[“Quốc hội treo” và khả năng lập chính phủ liên minh ở Italy]

Theo kết quả cuộc bầu cử vừa qua ở Italy, liên minh cánh hữu của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi đã dẫn đầu và giành được 37% số phiếu tại Hạ viện (đối với số ghế được bầu theo cơ chế đại diện tỷ lệ) cùng với 103 ghế hạ nghị sỹ (được bầu theo cơ chế ứng cử viên nào giành nhiều phiếu nhất sẽ thắng cử). Còn tại Thượng viện, liên minh này giành được tỷ lệ tương ứng là hơn 37% cùng với 54 ghế thượng nghị sỹ.

Trong khi đó, đảng dân túy Phong trào 5 Sao (M5S) giành được 32,67% số phiếu tại Hạ viện cùng với 85 ghế hạ nghị sỹ; hon 32% số phiếu tại Thượng viện và 41 ghế thượng nghị sỹ. M5S mặc dù xếp ở vị trí thứ hai nhưng lại là đảng đơn lẻ giành được nhiều phiếu bầu nhất. Còn liên minh cánh tả, trong đó có đảng Dân chủ (PD) cầm quyền, xếp ở vị trí thứ ba và chỉ giành được 22,85% tại Hạ viện và 22,99% tại Thượng viện cùng với 22 ghế hạ nghị sỹ và 12 ghế thượng nghị sỹ.

Điểm đáng chú ý trong kỳ bầu cử này, tỷ lệ ủng hộ của cử tri đối với các đảng dân túy và kháng chính thống tăng mạnh, dẫn chứng là đảng dân túy M5S và đảng cực hữu Liên đoàn (tên cũ là Liên đoàn phương Bắc) giành được khá nhiều phiếu bầu so với kỳ bầu cử trước.

Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ đối với các chính đảng truyền thống như đảng PD và đảng Tiến lên Italy (FI) lại sụt giảm mạnh. Sự thắng thế của các đảng dân túy và cực hữu ở Italy được cho là một đòn mạnh giáng vào EU và khiến giới đầu tư quan ngại.

Tuy nhiên, kết quả nói trên có nghĩa không có phe nào trong số ba lực lượng chính trị chủ chốt ở Italy giành đủ đa số quá bán để tự đứng ra thành lập chính phủ và một quốc hội treo là kết quả của cuộc bầu cử lần này. Với kết quả bầu cử như vậy, tương lai chính trị của Italy vẫn chưa hề chắc chắn.

Triển vọng thành lập một đại liên minh giữa liên minh cánh hữu và đảng PD trung tả dường như là một kịch bản đang được các nhà đầu tư và giới chức Liên minh châu Âu kỳ vọng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục