Bầu cử tổng thống ở Pháp - Cơ hội khôi phục niềm tin vào truyền thông

17 tòa soạn báo Pháp đã tham gia dự án hợp tác kiểm chứng thông tin dịp bầu cử Tổng thống, với hy vọng nhanh chóng lật tẩy các tin đồn, tin giả, từ đó khôi phục niềm tin vào truyền thông của độc giả.
Bầu cử tổng thống ở Pháp - Cơ hội khôi phục niềm tin vào truyền thông ảnh 1Chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp của bà Le Pen. (Nguồn: wan-ifra.org)

Cuộc bầu cử tổng thống ở Pháp có thể là một cơ hội để khôi phục niềm tin vào giới truyền thông. Một nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng phần lớn độc giả đang đặt niềm tin vào các hãng truyền thông trong việc cung cấp cho họ các thông tin được kiểm chứng. Và các tổ chức báo chí trên khắp nước Pháp đang tích cực chuẩn bị để đáp ứng kỳ vọng này.

Theo một nghiên cứu được công bố tuần trước trên báo La Croix và Kantan Public, gần 80% người dân Pháp cho rằng truyền thông sẽ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, và 74% kỳ vọng rằng các hãng truyền thông sẽ cung cấp cho họ thông tin xác thực.


Một cơ hội cho các tổ chức báo chí

Đây là tin tốt cho các hãng truyền thông Pháp, khi mà chính báo cáo này cũng chỉ ra rằng niềm tin của độc giả đối với báo chí đang dần giảm sút. Chỉ có 44% số người được hỏi cho rằng họ cảm thấy thông tin được đăng trên báo là đáng tin cậy. Đây là con số thấp nhất kể từ năm 2003 đến nay, giảm 14 điểm phần trăm so với năm 2015 và 7 điểm so với năm 2016. Điều này đưa báo chí lên dẫn trước truyền hình, dù không nhiều, với 41% số người được hỏi cho rằng thông tin trên truyền hình là đáng tin cậy.

Radio được cho là nguồn tin đáng tin cậy nhất, với hơn một nửa số người được hỏi (52%) cho biết họ tin rằng những điều mình nghe được trên đài là sự thật.

Do vậy, việc các hãng truyền thông đáp ứng được nhu cầu và kỳ vọng của độc giả đối với việc đưa tin chính xác và công bằng trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử có thể giúp củng cố niềm tin của công chúng - một điều rất cần thiết hiện nay.

Một dự án hợp tác xác minh thông tin

Nhiều tổ chức báo chí của Pháp đang có những bước đi nhằm tránh lặp lại những gì đã xảy ra trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, khi các tin tức giả lan tràn nhanh chẳng khác nào cháy rừng trên các trang mạng xã hội. Thậm chí, đã có lập luận cho rằng tình trạng này chính là điều đã nghiêng cán cân về phía có lợi cho ông Donald Trump.

Theo thông báo được đưa ra mới đây, 17 tòa soạn địa phương và quốc gia Pháp, trong đó có AFP, Buzzfeed News, Les Echos, Le Monde, Libération và La Voix Du Nord cùng nhiều tên tuổi khác, đã tham gia một dự án hợp tác kiểm chứng thông tin báo chí mang tên CrossCheck. Được tạo ra bởi First Draft và Google News Lab, dự án sẽ được khởi động vào ngày 27/2 tới.

Bằng việc tham gia vào nỗ lực chung này, các tòa soạn trên toàn nước Pháp đang hy vọng sẽ có thể nhanh chóng lật tẩy các trò lừa gạt, các tuyên bố sai sự thật hoặc tin đồn xoay quanh cuộc bầu cử tổng thống, và để kiểm chứng các nội dung được lan truyền trên mạng Internet.

Mỗi đối tác sẽ đóng góp kinh nghiệm, các nguồn lực và hiểu biết của họ cho dự án nhằm đảm bảo các thông tin chính xác sẽ tới được với người dân Pháp cũng như các công dân nước ngoài.

Cùng lúc đó, họ sẽ khuyến khích công chúng tham gia vào dự án bằng cách gửi các câu hỏi hoặc liên kết tới các trang web và nội dung mà CrossCheck nên điều tra.

Ngoài ra, các sinh viên được chọn đến từ CFJ và Trường Báo chí Science Po ở Paris sẽ được đào tạo để sử dụng các công nghệ tòa soạn tiên phong kết hợp với các kỹ thuật tìm kiếm nâng cao.

Một loạt công cụ sẽ được sử dụng như một phần của dự án, trong đó có Spike - công nghệ của NewsWhip nhằm phát hiện và dự đoán các thông tin bộc phát và nội dung được lan truyền; Meedan’s Check, một nền tảng hợp tác xác minh, hoặc Le Décodex của tờ Le Monde.

Xác định các trang tin không đáng tin cậy

Décodex, được thiết kế nhằm giúp độc giả xác định các trang web có thông tin giả hoặc không đáng tin cậy, vừa được khởi động vào tuần trước. Đơn vị xác minh thông tin mang tên Les Décodeurs của nhật báo Le Monde theo dõi hơn 600 trang web, trong đó có các trang blog, trang Facebook và các tài khoản Twitter, và phân loại chúng theo độ tin cậy và độ chính xác. Phần lớn các trang web thuộc cơ sở dữ liệu này là các trang tiếng Pháp, song trong đó cũng có một số trang quốc tế.

Độc giả có thể sử dụng máy tìm kiếm Décodex trên trang web hoặc thông qua phần mở rộng dành cho trình duyệt Chrome và Firefox để tìm hiểu xem trang web mình đang xem có đáng tin cậy hay không, dựa vào một hệ thống đánh dấu theo màu. Màu xanh lá cây được dành cho các trang web có độ tin cậy cao, nội dung trên các trang được đánh dấu màu vàng nên được tiếp thu một cách thận trọng vì chúng thường chứa các thông tin chưa được kiểm chứng, và màu đỏ có nghĩa là trang web đó thường xuyên đăng tải các thông tin sai lệch hoặc bịa đặt hoàn toàn.

Ngoài ra, các trang tin châm biếm được đánh dấu màu xanh dương, còn các trang không thể coi là nguồn tin thì được đánh dấu màu ghi, chẳng hạn như trang chủ Facebook hoặc Twitter. Người dùng có thể đánh dấu các trang web chưa được đưa vào cơ sở dữ liệu. Những trang này sau đó sẽ được xem xét và bổ sung.

Êkíp vận hành Décodex nhấn mạnh rằng việc phân loại các trang web không liên quan tới định hướng chính trị, mà chỉ dựa vào việc các bài báo có đáp ứng được các tiêu chuẩn về tính xác thực và chính xác hay không.

Décodex được hoàn thiện bởi một robot mạng trên Facebook. Khi được hỏi, robot này sẽ cho người dùng biết một trang web nhất định nào đó có đáng tin cậy hay không, giúp xác minh hoặc lật tẩy các tuyên bố cụ thể dựa trên các từ khóa, và cung cấp các thông tin và công cụ giúp phát hiện và xử lý các tin tức giả.

Ngoài ra, trang web chính cũng đăng tải một số bài viết và hình minh họa nhằm giúp xác định các tin tức giả.


Đẩy mạnh nỗ lực xác minh thông tin

Libération, một tờ báo nghiêng về cánh tả và là một thành viên khác trong dự án, đã đẩy mạnh các nỗ lực từ lâu của mình trong việc quy trách nhiệm cho các chính trị gia về những gì họ đã nói, và giúp người đọc có định hướng đúng đối với các thông tin sai lệch.

Ngoài việc phát hành nhiều bài viết về Désintox, một trang web được ra mắt năm 2008 nhằm mục đích xác minh và kiểm chứng các tuyên bố chính trị, nhà xuất bản này cũng thiết lập trang web L'Oeil sur le Front vào tháng 11, dành riêng cho đảng Mặt trận quốc gia (NF) cánh hữu của Marine Le Pen.

Trong một trong số các bài đăng gần đây với tiêu đề “Non, Marine Le Pen n’a pas vraiment "reculé" sur la peine de mort de son projet” (Tạm dịch: Không, Marine Le Pen đã không thực sự rút lại hình phạt tử hình khỏi chương trình của mình), êkíp này đã bác bỏ các khẳng định “phóng đại” của một số hãng tin khẳng định rằng nhà lãnh đạo đảng NF trên thực tế đã thay đổi quan điểm của mình về việc khôi phục hình phạt tử hình.

Mặc dù bà Le Pen thực sự đã nói trong một bài phỏng vấn rằng bà muốn thay thế hình phạt tử hình bằng “phạt tù chung thân hợp lý” trong tuyên ngôn của mình, bà cũng thông báo về các kế hoạch để các cử tri có quyền khởi động các sáng kiến quần chúng về các vấn đề xã hội nếu họ có thể thu thập được 500.000 chữ ký ủng hộ. Điều này có nghĩa là nếu có đủ người ủng hộ hình phạt tử hình, hình phạt này có thể vẫn được khôi phục.

Tuy nhiên, theo người đứng đầu bộ phận digital của tờ báo, Xavier Grangier, L'Oeil sur le Front được dành riêng cho đảng Mặt trận quốc gia, và việc chỉ tập trung vào chính trị cánh hữu có thể là chưa đủ.

“Chúng ta cần đảm bảo rằng ta đang theo dõi các chính trị gia ở cả cánh tả lẫn cánh hữu, nếu không, chúng ta sẽ chỉ được những độc giả của riêng chúng ta tin tưởng. Điều đó rất phức tạp, nhưng ta cần phải phá vỡ cái bong bóng đó,” ông Grangier khẳng định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục