Chủ tịch cơ quan quản lý hãng BBC Chris Patten ngày 11/11 đã kêu gọi việc cải tổ toàn bộ tổ hợp truyền thông nhà nước lớn nhất thế giới này sau khi hãng rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, gắn liền với sự ra đi của Tổng giám đốc George Entwistle. [Tổng giám đốc BBC phải từ chức vì đưa tin sai lệch] Chris Patten, Chủ tịch quỹ BBC Trust, nói rằng cuộc khủng hoảng đã cho thấy nhu cầu "cải tổ cơ bản, triệt để và thay đổi cấu trúc tổ chức" ở đài, dù bản thân ông đã khẳng định sẽ không từ chức. Phát biểu của Patten được đưa ra sau sự từ chức đột ngột của Tổng giám đốc BBC George Entwistle trong đêm 10/11, để nhận trách nhiệm cho việc chương trình Newsnight đã đưa tin cáo buộc sai một chính trị gia phạm tội lạm dụng tình dục trẻ em. Patten nói rằng ông không có ý định thuyết phục Entwistle ở lại BBC. Patten đã mô tả Entwistle, người ông chỉ định vào ghế Tổng giám đốc, là "một người rất tốt, có đầu óc, trọng danh dự và can đảm." Patten đã bác tin ông cũng sẽ từ chức: "Tôi nghĩ rằng giờ mình sẽ phải đảm bảo rằng, vì lợi ích của những người dùng trả phí và khán giả nói chung, BBC phải có trách nhiệm lên đường trở lại.". Sự ra đi của Entwistle đã khiến BBC rơi vào hỗn loạn khi đài đang cố lấy lại niềm tin của dư luận, đồng thời phải đối mặt với bê bối xung quanh Jimmy Savile, ngôi sao truyền hình quá cố của BBC vừa mới bị phanh phui là kẻ lạm dụng tình dục trẻ em. "Toàn bộ các sự kiện diễn ra trong mấy tuần qua đã đưa tôi tới kết luận rằng BBC cần chỉ định một lãnh đạo mới” - Entwistle thông báo với các phóng viên ngay bên ngoài trụ sở BBC - "Tôi đã quyết định rằng điều danh dự mà tôi nên làm là từ chức. Được trở thành Tổng giám đốc BBC, dù chỉ trong thời gian ngắn và được đặt vào trong các tình thế nhiều thách thức nhất, đã luôn là một vinh dự lớn lao." Entwistle, 50 tuổi, mới chỉ nắm ghế Tổng giám đốc hồi tháng Chín năm nay, khiến ông trở thành người nắm chiếc ghế này ngắn nhất lịch sử BBC. Entwistle thông báo quyết định từ chức của ông chỉ một ngày sau khi Newsnight buộc phải xin lỗi vì phát phóng sự ám chỉ một quan chức cáo cấp của đảng Bảo thủ lạm dụng trẻ em tại một trung tâm chăm sóc trẻ ở xứ Wales, dù không phải thế. Tổng giám đốc đã lên án phóng sự là "sai lầm cơ bản," nhưng cũng thừa nhận rằng ông không biết gì về chương trình trước khi nó lên sóng - thông tin khiến ông bị chỉ trích là không còn kiểm soát được BBC nữa. Entwistle nói rằng ông từ chức do với tư cách Tổng giám đốc BBC, ông phải chịu trách nhiệm cho mọi nội dung đài phát ra. Ông đã được thay thế tạm bởi Tim Dave, cựu Giám đốc điều hành công ty Pepsi và hiện đang làm Giám đốc phát thanh và âm nhạc của BBC, trong thời gian BBC Trust tìm ra người thay thế tốt hơn. BBC đã mở vài cuộc điều tra vào bê bối của Savile và vụ bê bối mới liên quan tới Newsnight. Ông nói: "Công việc của tôi là đảm bảo chúng ôi đã nhận được các bài học từ những cuộc điều tra đó và chúng tôi phải khôi phục niềm tin vào BBC." Các nhà bình luận đánh giá vụ bê bối thuộc dạng lớn nhất trong lịch sử 90 năm tồn tại của BBC. Tờ Mail on Sunday đã lên án Entwistle "là Tổng giám đốc, nhưng lại nhắm mắt trước sự đi xuống của BBC và phải trả giá đắt." Trong khi đó tờ Independent đã đánh giá Entwistle là người "quá xa cách, không có chiều sâu và cuối cùng là mất việc." Entwistle đã phải đương đầu với nhiều vấn đề lớn ngay sau khi lên nắm quyền hồi tháng Chín vừa qua. Các câu hỏi ông phải trả lời là vì sao Newsnight lại bỏ một cuộc điều tra nhằm vào các cáo buộc liên quan tới Savile hồi tháng 12 năm ngoái. Có tin nói rằng BBC làm thế để tránh xung đột với một chương trình ca ngợi công lao của Savile do đài thực hiện để phát trong dịp Giáng sinh. Đài truyền hình ITV, đối thủ của BBC, sau đó đã phát một số đoạn phỏng về các nạn nhân của Savile vào tháng 10 năm nay, qua đó khuyến khích nhiều người khác đưa ra cáo buộc chống lại ông ta. Với tư cách giám đốc BBC Vision, Entwistle chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ nội dung truyền hình, vào thời điểm phóng sự điều tra liên quan tới Savile bị hủy bỏ. Cũng chính ông đã thông qua chương trình ca ngợi Savile vào Giáng sinh. Entwistle, người từng là biên tập viên ở Newsnight cách đây một thập kỷ, thừa nhận hôm 10/11 rằng BBC đang vấp phải một "cuộc khủng hoảng niềm tin."
BBC đang vấp phải cuộc khủng hoảng niềm tin (Nguồn: AFP)
Bộ trưởng Văn hóa Maria Miller đã hoan nghênh sự ra đi của ông này, nói rằng nó "rất đáng tiếc, nhưng là một quyết định đúng." Bà cũng nói rằng "điều cốt tử hiện nay là khôi phục uy tín và sự tin tưởng của công chúng vào cơ quan thông tấn quốc gia quan trọng này." Nhưng người dẫn chương trình của Newsnight là Jeremy Paxman, nổi tiếng ở Anh vì phong cách thẳng thắn của mình, nói rằng Entwistle đã bị "những kẻ hèn nhát và bất tài hạ bệ." Ông nói: "Tôi đã hy vọng George có thể ở lại và xử lý khủng hoảng. Thật đáng tiếc khi một người tài năng như vậy lại bị đem ra làm vật cúng tế"./.
Linh Vũ (Vietnam+)