Bức ảnh này đã ghi lại cảnh lần đầu tiên hai chị em Yogita Rameshbhai Nandwana, 5 tuổi và Amisha, 3 tuổi, tự bước đi mà không cần tới sự trợ giúp.
Đây là kết quả của 3 tháng thực hiện chế độ ăn hạn chế do các chuyên gia đặt ra cho hai em. Trước đó, cân nặng của Yogita là 34kg, còn Amisha nặng 48kg, và cả hai em đều không thể tự làm bất kỳ việc gì. Sau 3 tháng ăn kiêng, mỗi em đã giảm được 6kg và đã có thể tự bước đi.
Trước đây, ngày nào các em cũng ăn 18 chiếc chapati, 1,3kg gạo, 2 bát súp, 6 gói khoai tây chiên, 5 gói bánh quy, 12 quả chuối và 1 lít sữa.
Harsh, em trai út của gia đình với cân nặng 15kg khi chỉ mới 18 tháng tuổi cũng đã phải thực hiện chế độ ăn kiêng để chữa béo phì.
Tình trạng cân nặng ngày càng tăng của các con đã khiến anh Rameshbhai Nandwana, 34 tuổi phải rất vất vả khi chỉ kiếm được 35 bảng Anh mỗi tháng. Anh đã từng nghĩ tới việc bán thận để trả chi phí chữa bệnh cho các con.
“Nếu cứ tăng cân với tốc độ này thì các con tôi sẽ gặp phải những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Chúng tôi sợ rằng chúng sẽ không sống nổi,” anh chia sẻ.
Cơn đói không ngừng nghỉ của ba đứa con khiến cho chị Pragna Ben, 30 tuổi phải dành cả ngày để nấu ăn.
Chị chia sẻ về thời gian trước khi thực hiện chế độ ăn kiêng cho các con: “Một ngày của tôi bắt đầu bằng việc làm 30 cái chapati và 1kg cà ri rau củ vào buổi sáng. Sau đó, tôi lại vào bếp để làm thêm thức ăn.
“Chúng không bao giờ hết đói. Chúng luôn đòi thức ăn, và sẽ kêu khóc khi không được cho ăn. Lúc nào tôi cũng ở trong bếp nấu ăn cho chúng.”
Hai vợ chồng chị còn có một người con gái lớn là bé Bhavika, 6 tuổi với cân nặng bình thường ở mức 16kg. Họ không hiểu vì sao 3 đứa con nhỏ lại bị thừa cân đến vậy.
Anh Nandwana cho biết: “Khi Yogita mới sinh, nó rất yếu và chỉ nặng 1,5kg. Chúng tôi đã rất lo lắng.
“Vậy nên chúng tôi đã cho nó ăn rất nhiều trong năm đầu đời để củng cố sức khỏe cho nó. Khi lên 1 tuổi, Yogita đã nặng 11,8kg.
“Con gái thứ ba Anisha của chúng tôi cũng tăng cân như vậy, và tới năm 1 tuổi nó đã nặng 15kg.
“Nhưng phải đến khi con trai Harsh của chúng tôi sinh ra và cũng tăng cân rất nhanh trong năm đầu tiên, chúng tôi mới nhận ra rằng chúng đã mắc chứng béo phì.
“Chúng tôi bắt đầu tìm cách điều trị cho chúng và đã tới gặp rất nhiều bác sỹ, nhưng họ chỉ giới thiệu chúng tôi tới những bệnh viện lớn mà chúng tôi không có đủ tiền trả viện phí.”
Với thu nhập chỉ 35 bảng Anh một tháng, anh Nandwana vẫn cố gắng trang trải đủ tiền để mua thức ăn cho các con. “Tôi được trả công theo ngày, mỗi ngày tôi kiếm được khoảng 100 rupee, nhưng không phải lúc nào tôi cũng có việc làm.
“Tôi làm đồng, đào giếng và làm tất cả những công việc có thể để kiếm tiền.
“Lúc nào tôi cũng lo lắng tới việc kiếm đủ tiền để mua thức ăn cho các con.”
Dù thu nhập không cao, anh Nandwana vẫn phải chi tới 10.000 rupee một tháng để mua thức ăn cho các con. Anh cho biết mình không thể để các con bị đói.
“Nếu tôi không có tiền, tôi sẽ đi vay anh em bạn bè. Nhưng tôi luôn đảm bảo rằng các con tôi có đủ thức ăn,” anh nói thêm.
Trong 3 năm qua, anh đã chi 50.000 rupee để điều trị cho con, nhưng không thu được kết quả.
Anh cho biết: “Gia đình tôi không có ai có thân hình to lớn cả. Chỉ có con tôi bị béo phì thôi. Là người làm cha mẹ, tôi cảm thấy rất đau đớn khi thấy các con không đi lại được.
“Chúng không đi bộ được, không tự làm được việc gì. Bán thận là giải pháp cuối cùng rồi. Tôi buộc phải tìm ra phương pháp đúng đắn để giúp các con.”
Chị Ben không thể bế con lên, nên chị phải để cho các con lăn lộn trên đất khi chồng chị đi làm, hoặc dùng xe đẩy để chở chúng đi.
Chị cho biết: “Chúng cần tôi giúp tắm rửa và đi vệ sinh. Tôi chỉ nặng 40 kg nên không thể bế chúng được.
“Thật khó khăn khi chồng tôi phải đi làm. Các con tôi chỉ có thể ngồi một chỗ, nên chúng không thể đi học được. Cả ngày chúng chỉ ăn, chơi và cười với nhau.
“Tôi muốn các con tôi được học hành và chơi đùa như những đứa trẻ khác. Tôi muốn chúng được sống. Như thế này đâu phải là sống.”
Các bác sỹ địa phương cho rằng các em đã mắc hội chứng Prader-Willi, nhưng họ không biết cách chữa trị cho các em.
Hội chứng hiếm gặp về gen này gây ra những triệu chứng như đói liên tục, cơ kém săn chắc, phát triển hạn chế và khó khăn trong học tập.
Bác sỹ nhi khoa Akshay Mandavia thuộc bệnh viện nhi Mandavia ở Gujarat, Ấn Độ cho biết: “Những đứa trẻ này xuất hiện tình trạng tích mỡ bất thường.
“Chúng không thở được bình thường mà chỉ thở khò khè. Đây có thể là do bệnh nội tiết hoặc hội chứng Prader-Willi.
“Song, chúng ta chỉ có thể xác định chính xác cách điều trị sau khi các em được khám và chẩn đoán tại một trong số những bệnh viện hàng đầu./.”