Bế mạc phiên họp 36 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chiều 3/12, tại Hà Nội, phiên họp thứ 36 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kết thúc tốt đẹp, sau ba ngày làm việc khẩn trương, tích cực.
Chiều 3/12, tại Hà Nội, phiên họp thứ 36 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kết thúc tốt đẹp, sau ba ngày làm việc khẩn trương, tích cực.

Tại kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Chương trình hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế năm 2011, việc phân bổ ngân sách năm 2011 của các cơ quan của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội; cho ý kiến về việc chuẩn bị kỷ niệm 65 năm Quốc hội Việt Nam; dự thảo Báo cáo tổng kết hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII (2007-2011).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã xem xét tờ trình 89/TTr-CP ngày 26/7/2010 của Chính phủ về việc giải thể các Cơ quan điều tra hình sự, Cơ quan an ninh điều tra thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; đổi tên Cơ quan điều tra hình sự Khu vực 1, Cơ quan điều tra hình sự Khu vực 2 Tổng cục Hậu cần; thành lập Cơ quan điều tra hình sự Binh đoàn 11 , Cơ quan an ninh điều tra khối quân đoàn, binh chủng, tổng cục thuộc Cục bảo vệ an ninh Bộ quốc phòng ; thảo luận và cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật phòng, chống mua bán người; một số vấn đề lớn của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật tố tụng dân sự.

Trước khi bế mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đánh giá, rút kinh nghiệm kỳ họp thứ tám và cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XII.

Theo đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội , sau 31 ngày làm việc khẩn trương, sôi nổi, với tinh thần thật sự dân chủ, đổi mới, trách nhiệm cao, kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XII (được tiến hành từ ngày 20/10 đến 26/11) đã hoàn thành tốt đẹp toàn bộ chương trình đề ra với khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung quan trọng, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, được cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng về nội dung, công tác xây dựng pháp luật có chuyển biến tích cực. Nhiều dự án Luật được chuẩn bị đạt yêu cầu đề ra về nội dung và tiến độ. Văn bản Luật được thông qua có chất lượng, điều chỉnh được những vấn đề thực tiễn đặt ra.

Hoạt động giám sát, trong đó có hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục có những cải tiến, đổi mới, đạt kết quả thiết thực, bám sát và giải quyết nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc của thực tiễn mà đại biểu Quốc hội và cử tri đặc biệt quan tâm. Việc xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng được tiến hành công phu, nghiêm túc, có chất lượng, thể hiện trí tuệ , trách nhiệm và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của đại biểu Quốc hội.

Về cách thức tiến hành, chương trình kỳ họp thứ tám được sắp xếp, bố trí hợp lý, phân bổ thời gian phù hợp; cách điều hành của Đoàn Chủ tịch tiếp tục có những cải tiến, đổi mới, thể hiện sự linh hoạt, giữ không khí hội trường luôn sôi động, đúng hướng, bảo đảm sự hài hòa, bình đẳng; đoàn thư ký kỳ họp đã chủ động phối hợp với Chính phủ, Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội và các cơ quan hữu quan phân công rõ nhiệm vụ và đề cao vai trò, trách nhiệm của từng thành viên trong việc chỉ đạo công tác tập hợp, tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội kịp thời, đầy đủ; cách thức trình bày các báo cáo, tờ trình ngày càng theo hướng ngắn gọn, súc tích, thể hiện được đầy đủ quan điểm, chính kiến của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra.

Tuy nhiên, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng tại Kỳ họp thứ tám, còn có một số tồn tại, hạn chế, cần tiếp tục rút kinh nghiệm như chất lượng chuẩn bị một số dự án luật còn đơn giản, chưa sát thực tế, thiếu tài liệu so sánh giữa luật cũ và luật mới đối với các dự án luật sửa đổi.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, vẫn còn trường hợp đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi dài, chưa thật đúng trọng tâm; Bộ trưởng có lúc trả lời còn nặng về diễn giải, nêu tình hình, chủ yếu nêu lý do khách quan, nhận trách nhiệm chung chung, chưa cụ thể, chưa đề ra giải pháp tích cực để khắc phục những thiếu sót. Vẫn còn tình trang trùng lắp ý kiến phát biểu tại tổ và hội trường, lãng phí thời gian, tính tranh luận, phản biện chưa cao. Chưa khắc phục được tình trạng gửi tài liệu cho đại biểu chậm đối với nhiều nội dung của kỳ họp.

Về kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XII, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần xem xét rút ngắn lại thời gian họp sao cho hợp lý, tiết kiệm thời gian. Cùng với việc quán triệt đầy đủ, nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Đảng đoàn Quốc hội, cần chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan hữu quan trong việc chuẩn bị các nội dung của kỳ họp. Phát huy hơn nữa vai trò, trí tuệ và trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội, đặc biệt là đại biểu Quốc hội chuyên trách và sự đóng góp của nhân dân, cử tri cả nước trong quá trình chuẩn bị và tiến hành kỳ họp.

Kiên quyết và nghiêm túc hơn trong việc chuẩn bị và gửi tài liệu các nội dung trình Quốc hội đảm bảo đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu, tìm hiểu thông tin thực tế, lấy ý kiến cử tri, cơ quan hữu quan ở địa phương của đại biểu Quốc hội trước khi về dự kỳ họp.

Tiếp tục phát huy và tăng cường hơn nữa tính tranh luận, đối thoại, đi đến cùng vấn đề trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn; chủ động giám sát việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ. Đề cao tinh thần trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong việc lựa chọn, đề xuất vấn đề đưa ra chất vấn và nghiên cứu chuẩn bị chất vấn có chất lượng cao.

Tiếp tục nghiên cứu cải tiến cách thức tổ chức thảo luận và tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội (nhất là thảo luận tổ) để bảo đảm hiệu quả thực sự, tiết kiệm thời gian. Cải tiến cách trình bày văn bản tại hội trường.

Cũng trong buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về về một số vấn đề lớn của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự./.

Phúc Hằng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục