Bến Tre tập trung gỡ khó cho tàu cá "ba không," giúp ngư dân ra khơi bám biển

Liên quan các tàu cá thuộc diện "ba không" không được hoạt động, các ngành chức năng tỉnh Bến Tre đang tập trung tháo gỡ khó khăn giúp ngư dân tiếp tục ra khơi bám biển để ổn định cuộc sống.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Ảnh minh họa. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Hơn ba tháng qua, nhiều hộ dân đánh bắt thủy sản gần bờ tại vùng ven biển tỉnh Bến Tre không được ra khơi đánh bắt.

Bởi, theo quy định hiện nay, các phương tiện đánh bắt thủy sản gần bờ có chiều dài từ 6m đến dưới 12m thuộc diện "ba không" (không đăng ký, không đăng kiểm và không có giấy phép khai thác) sẽ không được hoạt động.

Các ngành chức năng tỉnh Bến Tre đang tập trung tháo gỡ khó khăn cho ngư dân tiếp tục ra khơi bám biển để ổn định cuộc sống.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Bến Tre, tỉnh hiện có hơn 800 tàu thuộc diện "ba không" tập trung các huyện biển như: Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú.

Ông Huỳnh Văn Cung, Chi cục trưởng Chi cục Thủy Sản tỉnh Bến Tre cho biết: Ngành chức năng đang tập trung tháo gỡ khó khăn cho các phương tiện tàu "ba không" giúp ngư dân sớm trở lại hoạt động theo đúng quy định.

Trước mắt, ngành chức năng cho rà soát tất cả các tàu cá "ba không," chủ tàu cá sẽ đến trình báo, để ngành chức năng kiểm tra tàu, hướng dẫn người dân thủ tục đăng ký.

Tàu cá nào đủ điều kiện sẽ hỗ trợ thực hiện các thủ tục trong thời gian sớm nhất, để người dân trở lại hoạt động theo đúng quy định pháp luật.

Tỉnh kiên quyết không cho tàu cá chưa đảm bảo điều kiện đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác ra khơi.

Gia đình anh Nguyễn Văn Tâm, Thị trấn Tiệm Tôm, huyện Ba Tri (Bến Tre) luôn trông chờ ngành chức năng hướng dẫn thực hiện đăng ký đăng kiểm chiếc tàu đánh cá của gia đình để tiếp tục hoạt động có thu nhập trở lại.

Anh Tâm cho hay gia đình thuộc diện hộ nghèo tại địa phương, thu nhập chính từ chiếc tàu nhỏ đánh bắt gần bờ, khi đánh cá không được anh Tâm đành ở nhà, không tìm được việc làm, không có thu nhập.

Anh Tâm lo lắng số tiền nợ góp vốn để xây căn nhà (nhà tình thương mạnh thường quân tài trợ) của gia đình chưa trả hết. Theo anh Tâm, do tàu nhỏ không thuộc diện đăng ký đăng kiểm từ nhiều năm trước.

Tuy nhiên cuối năm 2023 , nghe thông báo tàu cá bắt buộc phải có đăng ký, đăng kiểm, giấy phép hành nghề mới cho hoạt động, áp dụng vào đầu năm 2024.

Lúc đó, gia đình trở tay không kịp, vì không biết phải bắt đầu từ đâu để lo các thủ tục. Sau đó, tàu cá không được hoạt động, nguồn kinh tế gia đình cũng vì thế mất đi.

Anh Tâm chia sẻ vừa qua, Chi cục Thủy sản Bến Tre thông báo cho tàu khai báo để cấp giấy tờ theo quy định và anh đang chuẩn bị sửa sang lại tàu để chờ ngày ra khơi trở lại. Các ngư dân mong muốn ngành chức năng tạo điều kiện để ngư dân thực hiện, sớm hoạt động trở lại để ổn định cuộc sống.

Gần đó, gia đình anh Phạm Tấn Lợi, với bốn thành viên, kinh tế tập trung vào chiếc tàu đánh bắt thủy sản ven bờ.

Theo anh Lợi, thu nhập mỗi tháng 7-10 triệu đồng. Nhưng nhiều tháng qua không có thu nhập, anh Lợi đành phải vay mượn bên ngoài.

Anh Lợi chia sẻ, trước đây tàu dưới 12m không cần đăng ký, đăng kiểm. Tuy nhiên, quy định đến nay, áp dụng áp dụng đăng ký, đăng kiểm sớm nên người dân không có thời gian chuẩn bị.

Hiện các ngành chức năng đã gọi để thống kê và cho đăng ký, đăng kiểm tàu cá nên người dân rất mừng.

Theo anh Lợi, anh đã lớn tuổi không đủ sức khỏe để theo các tàu lớn đánh bắt xa bờ. Khi có thông tin được đăng ký đăng kiểm, anh đã vay tiền sắm sửa ngư cụ, sửa tàu để đón chờ ngày ra khơi sắp tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục