Bí ẩn chưa có lời đáp về hành trình di cư đến Bắc Mỹ của con người

Từ lâu đã xuất hiện ý kiến trong giới khảo cổ cho rằng con người có thể đã đi qua một hành lang không đóng băng, xuất hiện trong khoảng thời gian ngắn cách đây 13.000 năm trước, để tới châu Mỹ.

Nghiên cứu mới cho thấy con người cổ đại có thể đã đi qua biển băng để tới châu Mỹ. (Nguồn: Phys)
Nghiên cứu mới cho thấy con người cổ đại có thể đã đi qua biển băng để tới châu Mỹ. (Nguồn: Phys)

Một trong những vấn đề được tranh cãi nóng hổi nhất trong ngành khảo cổ học chính là khi nào và bằng cách nào con người đến được với Bắc Mỹ. Từ lâu đã xuất hiện ý kiến trong giới khảo cổ cho rằng con người có thể đã đi qua một hành lang không đóng băng, xuất hiện trong khoảng thời gian ngắn giữa các tảng băng vào thời điểm cách đây 13.000 năm trước.

Nhưng ngày càng có nhiều những phát hiện mới về khảo cổ và di truyền, bao gồm cả việc tìm thấy dấu chân của con người tại bang New Mexico (Mỹ) với niên đại cách đây khoảng 23.000 năm, cho thấy con người đã đến lục địa này sớm hơn khoảng thời gian nêu trên rất nhiều.

Những người châu Mỹ đầu tiên này có lẽ đã di chuyển dọc theo tuyến đường gần bờ Thái Bình Dương. Họ xuất phát từ Beringia, một vùng đất nối giữa Châu Á và Bắc Mỹ đã xuất hiện trong thời kì băng hà cực đại cuối cùng, khi hoạt động hình thành các khối băng làm tiêu tốn rất nhiều nước và đã khiến mực nước biển giảm mạnh.

Trong một nghiên cứu được trình bày vào giữa tháng 12 tại AGU (Hội nghị Thường niên của Hiệp hội Địa Vật lý Mỹ) 2023 ở San Francisco, các nhà nghiên cứu thấy rằng sự tái tạo môi trường khí hậu cổ xưa ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương đã mang tới bằng chứng về việc băng biển có thể là cách thức để con người di chuyển xa hơn về phía Nam.

Giả thuyết về việc những người châu Mỹ thời kỳ đầu có thể đã di chuyển dọc theo bờ Thái Bình Dương để tới lục địa này là không hề mới. Họ có thể đã sinh sống ở phía Nam của những tảng băng khổng lồ từng bao phủ hầu hết lục địa cách đây ít nhất 16.000 năm trước.

Tuy nhiên với việc người cổ đại tới châu Mỹ từ rất sớm, trong khi những con đường không đóng băng đã nêu ở trên lại chưa xuất hiện vào thời điểm đó, các nhà khoa học buộc phải xem xét khả năng mới về cách thức họ đã di chuyển trong quá khứ. Có khả năng những người này đã di chuyển từ từ xuống Bắc Mỹ bằng thuyền. Điều đặc biệt là họ đi theo một con đường chứa nhiều loại tảo bẹ rất giàu dinh dưỡng, có tên là tảo bẹ bò tót. Những khối tảo bẹ với màu xanh nâu này đã xuất hiện và tồn tại dọc theo bờ biển Thái Bình Dương của Châu Mỹ trong nhiều thiên niên kỷ. Có lẽ những người châu Mỹ cổ xưa đã dựa vào dấu vết của tảo bệ để tới với khu vực Bắc Mỹ.

Các nhà khảo cổ đã tìm thấy những bằng chứng về nhiều khu định cư tạm thời xuất hiện ven bờ biển phía Tây Canada, có niên đại từ khoảng 14.000 năm trước. Nhưng tới năm 2020, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng lượng lớn nước ngọt hình thành từ việc tan sông băng, đã tạo ra một dòng chảy rất mạnh, khiến hành trình di chuyển dọc theo đường bờ biển trở nên rất khó khăn.

Để có được một bức tranh toàn diện hơn về cuộc di cư của người cổ tới Bắc Mỹ, nhà nghiên cứu Summer Praetorius của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ và các đồng nghiệp đã xem xét nhiều yếu tố khí hậu trong trầm tích đại dương. Hầu hết các dữ liệu thu được đều đến từ các hóa thạch nhỏ của sinh vật phù du. Với số lượng lớn, những sinh vật này đã giúp tái tạo lại nhiệt độ, độ mặn và lớp băng biển bao phủ quanh đại dương.

Bài thuyết trình của Summer là một phần của phiên thảo luận về lịch sử khí hậu và địa chất Beringia và Bắc Thái Bình Dương trong Thế Canh Tân tại Hội nghị AGU23. Hội nghị kéo dài một tuần này đã thu hút khoảng 24.000 chuyên gia từ khắp các lĩnh vực khoa học xoay quanh Trái Đất và vũ trụ đến San Francisco, cùng với 3.000 người tham dự trực tuyến.

Nhóm của Summer đã sử dụng các mô hình khí hậu và phát hiện ra rằng dòng hải lưu của quá khứ mạnh gấp đôi so với dòng hải lưu hiện nay, do những cơn gió băng và mực nước biển thấp hơn trong thời kỳ cực độ của kỷ băng hà cuối cùng, đã xuất hiện cách đây khoảng 20.000 năm. Summer cho biết, mặc dù không người cổ đại vẫn có thể chèo thuyền trong điều kiện xấu đó, sẽ rất khó nếu họ muốn đi xa tới tận Bắc Mỹ.

Tuy nhiên, dữ liệu ghi nhận được cũng cho thấy phần lớn khu vực quanh hoạt động di cư đều xuất hiện băng biển vào mùa Đông và hiện tượng này xuất hiện đều đặn cho tới cách đây 15.000 năm. Theo Summer, người châu Mỹ cổ có thể đã tận dụng việc mặt biển bị đóng băng để di chuyển, thay vì chèo thuyền.

Người dân sống tại Bắc Cực ngày nay cũng thường di chuyển dọc theo biển băng bằng xe trượt tuyết do chó kéo hoặc xe trượt tuyết chạy bằng động cơ. Summer nói thêm rằng, những người châu Mỹ thời kỳ đầu có thể cũng đã sử dụng đường trên biển băng để đi lại và săn bắt các loài động vật có vú, trước khi từ từ tiến vào Bắc Mỹ trong hành trình này.

Dữ liệu khí hậu cho thấy các tuyến đường nằm ven Thái Bình Dương đã xuất hiện điều kiện thuận lợi cho hoạt động di cư cách đây từ 24.500 đến 22.000 năm trước và từ 16.400 đến 14.800 năm. Đây là các giai đoạn khi biển băng vẫn chưa tan hết.

Việc chứng minh rằng con người cổ đại sử dụng biển băng để đi lại sẽ gặp nhiều khó khăn, vì hầu hết các địa điểm khảo cổ đều đang nằm dưới nước. Dù vậy giả thuyết này vẫn cung cấp một hướng mới để để tìm hiểu làm thế nào con người có thể tới được Bắc Mỹ mà không cần đến những vùng đất liền nối giữa các châu lục.

Ngoài ra thì đường đi qua biển băng cũng không phải là lối đi duy nhất để con người tới với châu Mỹ. Mô hình của nhóm Summer cho thấy dòng hải lưu ở Alaska đã giảm bớt sức mạnh từ 14.000 năm trước, qua đó giúp con người dễ di chuyển bằng thuyền dọc theo bờ biển hơn. “Chuyện gì cũng có thể xảy ra," Summer nói. "Chúng ta sẽ luôn bị ngạc nhiên trước sự khéo léo của con người cổ đại"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục