Một phần tư thế kỷ đã trôi qua. Trần Anh Hùng đã ký tên mình lên sáu tác phẩm điện ảnh.
Khán giả có thể rất thích hay không thích, nhưng đều phải công nhận rằng, đó là những ý đồ nghệ thuật được tác giả của chúng bảo vệ đến cùng, và Trần Anh Hùng luôn từ chối cái rọ mà người ta muốn anh chui vào.
Còn tôi tiếp tục viết, nhìn vào anh như một tấm gương lớn, một ví dụ đẹp về nghệ thuật...
Có mặt ở càphê Merci (Paris) sớm hơn năm phút, tôi chọn một chỗ ngồi kín đáo nhưng vẫn có thể quan sát từ sau cửa kính một đoạn khá rộng trên đại lộ Beaumarchais chạy ngang.
Đường phố lúc này thưa thớt và tôi đã tin chắc như đinh đóng cột rằng chỉ cần anh Hùng đi tới ngã tư đối diện, nơi đại lộ cắt phố nhỏ nhà anh là tôi nhìn thấy ngay. Nhưng tôi đã nhầm.
Không hiểu bằng cách nào mà anh đột ngột xuất hiện giữa lòng đường. Có tiếng phanh của ôtô.
Nhanh chóng phát hiện mình vừa vượt đèn đỏ, anh bình thản lùi vài bước và dừng lại ở mép vỉa hè, lưng thẳng, hai tay đút túi quần.
Khuôn mặt anh lúc đấy thật khác thường, vừa bướng bỉnh vừa mơ màng, khiến tôi không thể không có ý nghĩ rằng anh vẫn chưa thoát khỏi "Eternité" (Vĩnh cửu), bộ phim đã lấy đi của anh "vô cùng nhiều công sức" như anh từng thổ lộ vào buổi chiếu ra mắt.
Rồi tôi lại nghĩ, có thể mơ màng và bướng bỉnh là hai tính cách thường trực trong con người này, hiếm khi bộc lộ trên nét mặt nhưng lại thường xuyên thể hiện trong tác phẩm: Phim của Trần Anh Hùng, ngay cả ở những cảnh ngọt ngào nhất, người xem vẫn cảm nhận một vị đắng nhất định, đến từ những sắp xếp tinh tế bao nhiêu thì cũng bạo ngược bấy nhiêu.
"Người ta hay nói về tính duy mỹ đến cực đoan của anh. Thế nhưng, theo em hiểu, anh đã luôn muốn cảnh trong phim cũng là những nhân vật, chúng đi lại và đối thoại với khán giả, chứ không bất động và câm nín như những bức bưu ảnh quảng cáo du lịch?", tôi từng có lần hỏi anh và được anh xác nhận: "Những hình ảnh phong cảnh thiên nhiên không thể có ý nghĩa lớn lao, nhưng một khi được sáng tạo dưới bàn tay của đạo diễn, thông qua những cảm xúc và trải nghiệm, đặt vào bối cảnh của một bộ phim, chúng sẽ có khả năng thức tỉnh những nét đẹp tiềm ẩn trong lòng người xem, chúng sẽ còn đi theo họ, ám ảnh họ, giúp họ tạo dựng một nội tâm phong phú đầy bất ngờ. Phong cảnh, nói một cách nào đó, là tấm gương phản ánh tâm hồn khán giả..."
Văn chương và điện ảnh
Văn chương không thiếu dịp là chủ đề bàn luận giữa chúng tôi. Thường thì bao giờ tôi cũng ngồi im nghe anh nói, không chỉ bởi kho kiến thức nghệ thuật trong anh giống như niêu cơm Thạch Sanh chẳng lúc nào vơi, mà còn vì khả năng trình bày rất độc đáo bất kỳ ý tưởng nào anh muốn.
Gần hai mươi năm trước, trong một bữa ăn trưa bốn người có món mỳ ống trộn trứng cá đỏ và giấm đen do đích thân anh vào bếp thực hiện, anh đã miêu tả cho chúng tôi chuyến lang thang khắp nước Mỹ bằng xe hơi của nhân vật Humbert Humbert.
Màu vàng rất xinê của đèn đêm trên những con đường hun hút cô độc, theo lời kể của anh, đã ám ảnh tôi một thời gian dài.
Sau này tôi tìm đọc tài liệu về tác phẩm của Vladimir Nabokov, nhưng quả thật chưa có nhà chuyên môn nào lại có thể nói về "Lolita" kỳ diệu như thế.
- Hai phim gần đây nhất của anh đều chuyển thể từ tiểu thuyết. Em biết anh rất hiểu văn chương, nhưng hơn ai hết, anh cũng hiểu văn chương và điện ảnh là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau. Anh có thể nói cho em biết tại sao anh lại chọn "L’élégance des veuves" (Sự thanh lịch của các bà góa) và tác phẩm của Alice Ferney có để lại dấu vết nào trong "Eternité" của Trần Anh Hùng, ngoài việc đó là những mảnh đời phụ nữ Pháp trải dài ba thế hệ trong vòng một thế kỷ?
- "L’élégance des veuves" có lẽ không phải là một tiểu thuyết xuất sắc theo tiêu chuẩn văn chương, nhưng những câu văn của nó lại tạo ra một nhịp điệu đặc biệt khiến Hùng xúc động và ngay lập tức muốn làm một bộ phim, chuyển đến khán giả những cảm xúc rất cá nhân đó của mình bằng ngôn ngữ điện ảnh.
Với "Eternité," Hùng muốn thử sức ở một phong cách có lẽ chưa ai từng làm - một bộ phim không cốt truyện, không thời gian, không chi tiết, không tâm lý, không cao trào, không mở đầu, không kết luận…
- Cái tựa của bộ phim có vẻ như cũng nói lên một phần của phong cách này?
- Đúng vậy, cuộc sống trôi như một dòng nước, trong đó cái cũ, cái mới, cái cần thiết, cái vớ vẩn, cái có ích, cái vô ích, cái đẹp, cái xấu, cái ác, cái thiện đều có vị trí như nhau, quan trọng ngang nhau, cái này đến, cái kia đi, liên miên, bất tận, và vì thế mà tạo nên Vĩnh cửu.
- Thế còn “Rừng Na Uy”?
- Người ta chia văn chương thành nhiều thể loại. Với Hùng thì chỉ có hai: văn chương biểu cảm và văn chương trải nghiệm.
Nếu “Eternité” thuộc nhóm biểu cảm, thì “Rừng Na Uy” thuộc nhóm trải nghiệm. Cả hai đều khiến Hùng xúc động: “Eternité” bằng câu văn, còn “Rừng Na Uy” bằng cách kể chuyện… Một tác phẩm văn chương để được chuyển thể thành phim không nhất thiết phải hay, nhưng nhất định phải gây xúc động.
“Hãy nhìn mọi thứ từ xa và giữ một khoảng cách”
“Điện ảnh không phải là khiến người ta hiểu một cái gì mà đưa người ta đến một cảm xúc mới lạ. Sẽ là một thành công, nếu xem phim xong, khán giả bị xáo trộn trong cảm xúc. Phim càng độc đáo, xáo trộn càng mạnh. Phải đợi một thời gian để người xem sắp xếp lại cảm xúc và khi sắp xếp xong là họ đã 'lớn' lên một chút.” - Anh Hùng tiếp tục nói, luôn bằng rất nhiều kiên nhẫn, dù không ít lần bị dừng lại bởi những đề nghị của tôi: “Xin lỗi, anh nhắc lại được không…”, “Em vẫn chưa thấy thuyết phục lắm…”
Lần đầu tiên viết kịch bản “Eternité,” Hùng đã viết dưới hình thức chuẩn mực vẫn thấy.
Nhưng viết xong, đọc lại thì thất vọng. Cảm xúc đã bị xóa sạch bên cạnh những hướng dẫn tỉ mẩn cho tất cả mọi người, mọi việc.
Hùng quyết định viết cách khác: bỏ đi các chi tiết, chỉ còn các nhân vật được điểm xuyết bằng một ít thoại và giọng của người kể chuyện.
Hùng còn nhớ cảm giác lúc ấy thật mâu thuẫn: một mặt thì hài lòng vì nó đã rất gần với những gì trực giác nói với mình, một mặt thì hoang mang bởi có vẻ đó sẽ là một tác phẩm quá kỳ lạ mà bản thân mình cũng chưa biết phải làm như thế nào…
- Trước khi bắt đầu một bản thảo, em cũng thường ngồi vào bàn với “bàn tay trắng và cái đầu rỗng không” - đúng như Marguerite Duras từng tâm sự về nghề. Trong văn chương, tác phẩm hoàn toàn có thể là một phiêu lưu của cá nhân người viết. Còn với điện ảnh, tài chính cũng là một yếu tố quan trọng. Tuy phương Tây không có kiểm duyệt, nhưng các nhà sản xuất thường không dễ để đạo diễn được thoải mái vùng vẫy. Trong trường hợp của “Eternité,” người ta đã phản ứng thế nào khi đọc kịch bản?
- May mắn là nó đã ngay lập tức lấy được cảm tình của Christophe Rossignon, người từng sản xuất bộ ba phim truyện đầu tay của Hùng.
Christophe công nhận rằng “Eternité” nếu thực hiện đúng như kịch bản sẽ là một thể loại mà bản thân anh ấy chưa xem bao giờ.
Christophe không phải không lo lắng, nhưng lại tỏ ra rất khoái tâm trạng lo lắng đó. Anh ấy nhanh chóng đi tìm những nơi có thể bỏ tiền cho “Eternité” và chỉ một thời gian ngắn đã tìm được 80% tổng số vốn.
Nhưng 20% số vốn còn lại thì trên thực tế đã lấy của Hùng và Christophe 2 năm liền.
Đó là một thời gian vô cùng căng thẳng mà không ít lần Christophe tưởng phải bỏ cuộc.
- Thế còn các diễn viên? Có cảm giác trong phim này họ đã không được diễn, mặc dù có nhiều đất để diễn? Ví dụ, những cái chết hầu như không tác động lên các nhân vật xung quanh, hầu hết không rõ nguyên do. Có lẽ đúng như anh nói, “Eternité” không quan tâm đến chi tiết...
- Mọi sự kiện trong “Eternité” đều có ý nghĩa ngang nhau, phim không dừng lại lâu ở sự kiện nào: sinh hay tử, đám cưới hay đám tang, Thế chiến thứ Nhất hay Thế chiến thứ Hai, sự ra đời của vô tuyến truyền hình… chẳng quan trọng hơn một bông hoa nở.
Hùng nói với diễn viên là muốn họ diễn bằng cảm xúc của chính họ, cảm thấy thế nào thì diễn như thế, không cần dàn dựng tâm lý nhân vật, không phải chui vào đầu ai đó, hãy nhìn mọi thứ từ xa và giữ một khoảng cách.
Các diễn viên đều ngạc nhiên. Nhưng họ tỏ ra rất hứng khởi.
- Có lẽ nào anh lại chấp nhận khoanh tay đứng nhìn?
- Chỉ khi các diễn viên trang phục đâu vào đấy và đứng vào decor, đèn chiếu được bật lên, thì Hùng mới hình dung được cảnh đó sẽ như thế nào. Hùng bắt đầu giải thích ý đồ của mình rồi đề nghị họ suy nghĩ và trình bày các dự định của từng người. Tất cả sẽ bàn bạc để tìm ra những phương án thích hợp nhất và diễn thử, cho tới khi nào thấy được thì thôi.
- Kịch bản không tỉ mỉ. Anh dựa vào đâu để có thể biết là được hay không?
- Trực giác.
- Điều đó hơi bất ngờ ở một người cẩn trọng như anh
- Hùng tin vào trực giác của mình: nó đã được rèn luyện qua 5 phim trước. Đương nhiên cũng gặp nhiều khó khăn.
Ví dụ kịch bản không phải là một câu chuyện liền mạch, khi quay phim cũng không quay các cảnh theo thứ tự, nên cảm tưởng như những mảnh vụn rời rạc, công việc dựng phim vì thế sẽ đóng vai trò rất lớn.
Hứng khởi, sáng tạo, nhưng hoang mang cũng là cảm giác thường trực của toàn bộ êkíp. Giữa các diễn viên cũng có hai trường phái diễn xuất khác nhau: Audrey Tautou thì nghiêm túc, bài bản, còn Bérénice Bajo, Mélanie Laurent và những người khác thì chọn phong cách thoải mái, tự nhiên, có cảm giác họ diễn như chơi vậy.
- Em chưa từng thấy một phim nào kiệm lời như “Eternité.”
- Hùng nói với các diễn viên rằng ít thoại, nên họ phải nói như thể đang nhai một cái gì đó thật ngon, để nó đến với khán giả trong một cảm giác rất ngon miệng.
Họ cứ nói thật chậm, nhả từng từ, không cần để ý xem có giống bên ngoài hay không.
Với Hùng, sự thật trong nghệ thuật thật hơn sự thật mà mắt người nhìn thấy, bởi nó đã đi qua tâm hồn của người nghệ sỹ.
Tôi nói tôi hoàn toàn chia sẻ với anh rằng nghệ thuật không phải là nô lệ của hiện thực và với một người nghệ sỹ thì không có gì chán hơn là sao chép.
Nhưng tôi không nói với anh rằng tôi sẽ "vẽ" một chân dung anh mà bản thân anh có lẽ cũng phải ít nhiều bất ngờ và bản thân tôi cũng bồn chồn muốn biết.
Bởi trong văn chương cũng vậy, sự thật khi được chuyển qua con mắt của người cầm bút, đến với người đọc bằng một ngôn ngữ mới, sẽ thật và rộng hơn chính bản thân nó...
Trần Nữ Yên Khê
- Không xuất hiện trong “Eternité,” nhưng em có cảm giác Yên Khê hiện diện ở từng thước phim một.
- Đúng rồi, Yên Khê là người kể chuyện.
- Vâng, nghe voice off, em biết đó là giọng Yên Khê.
- Anh Hùng im lặng. Giọng Yên Khê, tôi đã quá quen: ngày xửa ngày xưa, khi tôi còn son rỗi và Yên Khê mới chỉ có Chuột - cô bé đầu lòng, hai đứa chúng tôi hay gặp nhau, thậm chí có thời gian còn gặp nhau hầu như mỗi ngày vì tôi được anh Hùng giao nhiệm vụ “nói tiếng Hà Nội” với Yên Khê, chuẩn bị cho bộ phim “Mùa hè chiều thẳng đứng” sắp quay.
Đến bây giờ tôi vẫn nhớ câu “Sao anh lại nhìn em như thế?” nhân vật Liên hỏi nhân vật Hải lúc hai người ngồi trong một quán bánh cuốn bình dân ở phố cổ Hà Nội, tôi và Yên Khê tập đi tập lại không hiểu sao mãi không thấy ưng.
Ở Yên Khê dường như cái gì cũng đặc biệt: khuôn mặt đặc biệt, dáng đi đặc biệt, tính tình đặc biệt, đến giọng nói cũng đặc biệt – trầm trầm, buồn buồn, khi nói tiếng Việt thì thoang thoảng âm sắc Pháp, khi nói tiếng Pháp lại thoang thoảng âm sắc Việt.
Trong voice off của “Eternité,” người ta còn nhận thấy một chút ê a, một chút mơ hồ, thật là gợi cảm, tuy đôi lúc có vẻ hơi dẫn dắt.
Lâu ngày gặp lại, trong buổi chiếu ra mắt “Eternité,” tôi ngỡ ngàng ngắm Yên Khê.
Thời gian dường như ưu đãi quá mức người phụ nữ kiều diễm này: đã không lấy đi cái gì từ hình dáng bên ngoài, lại còn tặng thêm vài thứ quý giá cho bên trong - tự tin, đam mê, nồng nhiệt.
Có cảm giác bông hoa e lệ sau lưng Trần Anh Hùng đã biến mất. Yên Khê của ngày hôm nay là một nghệ sỹ độc lập, art director của “Eternité.” Yên Khê hỏi tôi nghĩ thế nào về “Eternité,” rồi ngập ngừng: “Chắc không ít người sẽ…”
Tôi hỏi lại: “Dérouté?”. Yên Khê gật đầu: “Hoang mang”. Tôi hơi đỏ mặt, tôi đã ngỡ đó là một từ tiếng Việt quá khó với Yên Khê. “Biết từ trước, nhưng Yên Khê không lo, Yên Khê cũng bảo Hùng đừng lo...”
Tôi im lặng. Tôi hình dung hai nhân vật, nam và nữ, đi đi lại lại trong căn hộ tầng ba có ban công nhỏ treo đầy những mầm cây mọc lên từ những hạt quả mang về từ nơi xa.
Rồi tôi tưởng tượng họ ngồi xuống bàn, nhìn nhau, trước mặt là món choucroust bắp cải muối được xào với mỡ ngỗng trong vòng nửa ngày mà một tối hè, khi mặt trời đỏ lựng từ từ hạ xuống chân tháp Eiffel, hai đứa chúng tôi đã đưa vào miệng, đã nhai thật chậm để cảm thấy cuộc đời không đến nỗi không đáng sống…
Một thiếu nữ tóc đen, mắt đen, thanh mảnh và quyến rũ, đi ngang mỉm cười. Chuột con ngày nào đã lớn bổng thành bản sao của Yên Khê.
Đằng kia là bản sao của anh Hùng lang thang trong áo ca rô xanh và giày thể thao đỏ.
Hàng trăm khán giả khách mời đang huyên náo dùng cocktail và thăm hỏi nhau.
Nam diễn viên chính được một đám đông vây quanh, hóa ra lúc nãy ngồi cách chỗ tôi có mấy ghế.
Một đàn trẻ con xếp hàng xin được chụp ảnh cùng đạo diễn, có những đứa chỉ xuất hiện vài phút trong phim nhưng hôm nay đưa cả bố mẹ, ông bà từ tỉnh lên để chứng kiến thành quả điện ảnh đầu tiên. Hai đứa chúng tôi cứ đứng bên nhau như thế, giữa không khí hội hè...
Nước Pháp
- Trong tiểu thuyết của em, hiện thực Pháp xen lẫn hiện thực Việt, nhân vật Việt ăn, uống, ngủ, nghỉ... cùng nhân vật Pháp. Chưa bao giờ em băn khoăn như thế có là Việt không, có là Pháp không, hay cần rắc thêm một ít mắm tôm hoặc chút pho mát để các “dân tộc tính” được đủ liều. Còn anh thì sao? Anh lớn lên ở Pháp, tiếp nhận văn hóa Pháp, em tin là anh cũng nằm mơ bằng tiếng Pháp, nhưng anh sinh ra ở Lào và dòng máu trong người anh là Việt Nam. “Eternité” là một phim đặc Pháp. Có lúc nào anh tự chất vấn: cảnh này có đúng là Pháp không? Người Pháp thật có hành động như thế không?
- Không hề. Vả lại, làm sao có thể đo tính Pháp, đo bằng cái gì, dựa vào chuẩn mực nào. Hùng tin rằng ngôn ngữ nghệ thuật nếu đủ mạnh thì tự khắc sẽ vô cùng chính xác và thuyết phục.
Hùng nói xong và chúng tôi cùng chìm vào im lặng. Tôi chợt nhớ hơn hai mươi năm trước, “Mùi đu đủ xanh” đã khiến nước Pháp xôn xao.
Có cảm giác khắp nơi chỉ thấy áp phích một cô bé tóc đen, áo bà ba, mắt long lanh trên nền lá cây xanh ngát.
Cái tên “Trần Anh Hùng” trở thành một từ thời thượng trong các tạp chí điện ảnh mà người ta nhắc đến với rất nhiều thân thương đượm màu hoài cổ về một Đông Dương đã mất.
Vài năm sau, đến lượt “Cyclo” có dịp khiến nước Ý xúc động, nhưng Sư Tử Vàng về đến đất Pháp thì dường như mất hết uy quyền. Báo chí không ngại tỏ ra bực tức.
Những người hôm trước ca ngợi “Mùi đu đủ xanh,” thì hôm nay tuyên bố một đạo diễn Việt không thể làm phim máu me bạo lực như Hollywood.
Rằng, dân Việt ai cũng biết từ hồi Đông Dương thuộc Pháp luôn hiền lành nhỏ nhẹ. Rằng, “dân tộc tính” không thể là con số 0 tròn trĩnh trong một tác phẩm nghệ thuật…
Ai có thể ngỡ ngàng với cách hành xử này của báo chí Pháp, chứ tôi thì không. Cá nhân tôi cũng đã bắt đầu cầm bút trong ý thức về một “nạn phân biệt chủng tộc” ngấm ngầm kiểu Pháp.
Bản thảo của tôi gửi đến 10 nhà xuất bản thì 9 nhà bảo: Ơ Việt Nam mà sao không có chiến tranh, vịnh Hạ Long và nem rán? Ơ phụ nữ Việt Nam mà sao tâm lý, hành động còn phức tạp hơn cả phương Tây? Ơ nhà văn Việt Nam mà văn phong hiện đại còn hơn cả hậu hiện đại?
Một phần tư thế kỷ đã trôi qua, mỗi năm người ta cho ra đời hàng trăm bộ phim, rất nhiều trong số ấy là tầm phào.
Trần Anh Hùng đã ký tên mình lên 6 tác phẩm điện ảnh. Khán giả có thể rất thích hay không thích, nhưng đều phải công nhận rằng đó là những ý đồ nghệ thuật được tác giả của chúng bảo vệ đến cùng và Trần Anh Hùng luôn từ chối cái rọ mà người ta muốn anh chui vào.
Còn tôi tiếp tục viết, nhìn vào anh như một tấm gương lớn, một ví dụ đẹp về nghệ thuật./.