Hà Nội: Chưa phải thời điểm phù hợp để cho thuê lòng đường, vỉa hè

Bí thư Hà Nội: Muốn cho thuê lòng đường, vỉa hè phải đủ căn cứ pháp lý

Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định chủ trương cho thuê vỉa hè lòng đường là việc sẽ làm và các quận cũng đang rà soát nghiên cứu nhưng giờ chưa phải thời điểm phù hợp để thực hiện.
Bí thư Hà Nội: Muốn cho thuê lòng đường, vỉa hè phải đủ căn cứ pháp lý ảnh 1Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị đối thoại, tiếp xúc với Mặt trận Tổ quốc các cấp Thành phố Hà Nội năm 2023. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Phát biểu kết luận Hội nghị đối thoại, tiếp xúc với Mặt trận Tổ quốc các cấp Thành phố Hà Nội năm 2023 diễn ra ngày 9/8, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh đây là cơ hội để người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từ thành phố tới cơ sở lắng nghe những kiến nghị, đề xuất, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân Thủ đô; kịp thời chỉ đạo, tổ chức giải quyết, thực hiện, góp phần tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

Lên quan đến chủ trương cho thuê lòng đường, vỉa hè của thành phố, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định đây là việc sẽ làm và các quận cũng đang rà soát nghiên cứu nhưng giờ chưa phải thời điểm phù hợp để thực hiện.

Ông Dũng nêu rõ muốn cho thuê lòng đường, vỉa hè thì phải có đủ căn cứ pháp lý. Về việc này, thành phố Hà Nội đang yêu cầu các quận tổ chức thiết kế đô thị, lấy ý kiến Nhân dân. Theo quy trình, khi lấy ý kiến Nhân dân, có sự đồng thuận mới triển khai.

Ông cho biết hiện quận Hoàn Kiếm đang rà soát, nghiên cứu các tuyến phố để có thể thí điểm sau khi lấy ý kiến Nhân dân. Hơn nữa, việc đưa ra chính sách cho thuê lòng đường, vỉa hè một cách vội vã lúc này là chưa hợp lý.

"Lòng đường, vỉa hè gắn bó mật thiết với đời sống Nhân dân Thủ đô, do đó, việc ra dẹp vỉa hè không đạt được hiệu quả cao và vững chắc. Việc quản lý lòng đường, vỉa hè cần thiết phải tổ chức lại trên cơ sở phải làm rất kỹ lưỡng, có sự đồng thuận cao của Nhân dân và phải chọn thời điểm phù hợp…,” Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu rõ.

Bí thư Hà Nội: Muốn cho thuê lòng đường, vỉa hè phải đủ căn cứ pháp lý ảnh 2Cơ quan chức năng phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng tuyên truyền việc sắp xếp vỉa hè cho các hộ kinh doanh. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Về tình hình triển khai thực hiện Dự án Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, đây là dự án đầu tư quan trọng Quốc gia và Hà Nội được Quốc hội, Chính phủ tin tưởng giao để triển khai dự án thành phần thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Theo người đứng đầu Thành ủy Hà Nội, ngày 25/6, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã được khởi công tại 4 vị trí ở các huyện (Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín, Sóc Sơn) - nơi có đường Vành đai 4 đi qua. Đến nay, việc triển khai Dự án đang rất khẩn trương với sự vào cuộc của các cấp, các ngành Thành phố. Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, triển khai đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Báo cáo của Hà Nội cho thấy tính đến ngày 28/7, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện đã giải phóng mặt bằng xong 686,54/793,80 hécta (đạt 86,49% diện tích đất thu hồi). Dự kiến, Thành phố sẽ hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trước ngày 31/12/2023.

Hiện có 14 khu tái định cư được đầu tư xây dựng để phục vụ thu hồi đất thực hiện dự án. Ngoài ra, có 2 khu (1 khu tại huyện Sóc Sơn và 1 khu tại huyện Thường Tín) đã hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và 12 khu đang triển khai các thủ tục liên quan.

Về việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân trong diện thu hồi đất, trong quá trình triển khai, Hà Nội, q đã rà soát kỹ lưỡng nguồn gốc đất đai, kiểm đếm tài sản trên đất, nhất là đối với các thửa đất còn chưa chặt chẽ về hồ sơ, thủ tục, pháp lý, pháp nhân; các thửa đất có nhiều hộ gia đình sinh sống; các khu mộ tổ, mộ vô chủ, mộ chưa cải táng… để từ đó đưa ra những chính sách bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dân…

Bí thư Hà Nội: Muốn cho thuê lòng đường, vỉa hè phải đủ căn cứ pháp lý ảnh 3Ngày 25/6, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã được khởi công tại 4 vị trí ở các huyện là Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín, Sóc Sơn. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Đối với việc hoàn thành các đường Vành đai 1, 2 và 3 để tạo sự đồng bộ trong kết nối hạ tầng giao thông của Thành phố, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết Hà Nội hiện quy hoạch 7 tuyến đường vành đai, trong đó, 5 tuyến vành đai chính (1, 2, 3, 4, 5) và 2 tuyến vành đai hỗ trợ (2,5 và 3,5).

Ông khẳng định, các quy hoạch này nhằm từng bước khép kín các tuyến đường vành đai theo quy hoạch, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển đồng đều, toàn diện và bền vững của Thủ đô cũng như tăng cường kết nối, lan tỏa giữa các địa phương trong Vùng Thủ đô Hà Nội.

“Thành phố sẽ quyết tâm hoàn thành các đoạn đường còn lại để khép kín các đường Vành đai 1, 2, 3. Từ đó, đồng bộ với đường Vành đai 4, tạo ra sự phát triển bền vững trong hệ thống hạ tầng giao thông của Thủ đô; thúc đẩy hoạt động kinh doanh, sản xuất giữa các tỉnh thành và nâng cao đời sống người dân trong khu vực,” Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục