Bỉ và Việt Nam tăng cường hợp tác trong lĩnh vực bảo tàng

Từ hơn 10 năm nay, Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp hỗ trợ Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam trong công tác bảo quản, phục chế hiện vật.
Anh Nguyễn Văn Thịnh, giảng viên Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh tại xưởng phục chế, Đại học La Cambre (Bỉ). (Ảnh: Hương Giang/Vietnam+)

Từ hơn 10 năm nay, Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp (WBI) đã trợ giúp cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam trong công tác bảo quản, phục chế hiện vật cũng như đào tạo nguồn nhân lực.

Từ 3 tháng nay, xưởng phục chế đồ gốm và thủy tinh của trường Đại học Nghệ thuật thị giác La Cambre ở thủ đô Brussels đón 2 thực tập sinh đặc biệt là anh Vũ Văn Dương, cán bộ Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và anh Nguyễn Đình Thịnh, giảng viên Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh.

Họ là những thực tập sinh Việt Nam đang ở đây - trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa WBI và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - với mục đích thực tập, tìm hiểu về phương pháp bảo quản và phục chế các hiện vật bảo tàng.

Tại đây, rất nhiều đồ vật bằng gốm, sành, sứ, có niên đại từ nhiều thế kỷ bị nứt, vỡ. Đây là các vật dụng do nhiều bảo tàng của Bỉ hoặc nằm trong bộ sưu tập của các cá nhân, gửi đến để bảo quản, phục chế.

Hai thực tập sinh Việt Nam được các giáo viên La Cambre hướng dẫn cách thức xử lý các đồ vật gốm, sứ, tìm hiểu các nguyên liệu sử dụng trong công tác phục chế để sau này áp dụng tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, nơi lưu giữ nhiều đồ vật khảo cổ có giá trị cao.

"Chúng tôi chỉ cho các thực tập sinh Việt Nam các công đoạn khác nhau của việc bảo quản hiện vật, cách xác định vật liệu, vì đây là yếu tố ảnh hưởng nhất cũng như mang tính quyết định nhất trong việc phục chế. Điều quan trọng là học viên hiểu được đồ vật này được sản xuất thế nào đồng thời cũng biết được chủng loại vật liệu sẽ sử dụng trong phục chế" - chị Sarah Benrubi, cán bộ La Cambre cho biết.

Bên cạnh đó, các thực tập sinh Việt Nam được thực hành thông qua các bài tập như cách thức rửa đồ vật, cách chỉnh sửa các phần bị hỏng, cách dán những phần bị vỡ rồi sau đó phục chế để đồ vật mang màu sắc, hình dáng ban đầu. Tất cả các công đoạn đều phải được thực hiện một cách tỉ mỉ, chính xác.

"Trong quá trình thực hành, các học viên Việt Nam nắm bắt được kỹ thuật sử dụng dung môi để chọn lựa một cách chính xác loại dung môi cần thiết. Điều này rất quan trọng, đặc biệt đối với việc phục chế các đồ vật khảo cổ của Việt Nam" - chị Sarah nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các học viên Việt Nam cũng được làm quen với kỹ thuật phục chế chất liệu giấy. "Các chuyên gia Bỉ chỉ cho chúng tôi rất nhiều kỹ thuật hiện đại mà lần đầu tiên chúng tôi được tiếp cận. Đây sẽ là những kinh nghiệm quý báu để chúng tôi áp dụng tại Việt Nam" - anh Vũ Văn Dương, cán bộ Bảo tàng Lịch sử quốc gia chia sẻ.

Ngay từ năm 2001, Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp mà đại diện là tổ chức "Thúc đẩy và phát triển giáo dục ở nước ngoài" (APEFE) tiến hành tài trợ chương trình hợp tác giữa Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) và Bảo tàng Mariemont của Bỉ nhằm nâng cao khả năng bảo quản, phục chế và bảo vệ các di sản văn hóa vật thể của các cán bộ ngành bảo tàng.

Năm 2009, chương trình hợp tác APEFE-Việt Nam đã khép lại với những kết quả còn khiếm tốn, song là tiền đề mở ra một chương trình hợp tác mới trong lĩnh vực bảo quản được thực hiện trong giai đoạn 2010-2012 với sự hỗ trợ tiếp tục của Công đồng người Bỉ nói tiếng Pháp.

Dự án “Hỗ trợ đào tạo chuyên ngành bảo quản, phục chế di sản bảo tàng Việt Nam” có sự tham gia của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Cục Di sản Văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh. Mục tiêu của dự án đặt ra là chuyển giao kinh nghiệm và kiến thức về bảo quản thông qua việc tổ chức các khoá đào tạo thực tiễn, phát triển bền vững nghề bảo quản cho cán bộ bảo tàng, đạo đức nghề nghiệp và đào tạo chuyên ngành bảo quản hiện vật bảo tàng.

Trong 3 năm thực hiện dự án, phái đoàn Wallonie-Bruxelles đã cử chuyên gia sang Việt Nam trực tiếp giảng dạy các khóa tập huấn về bảo quản cho các cán bộ bảo quản Việt Nam, giảng viên đến từ hơn 30 bảo tàng, trường Đại học tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và trên cả nước.

Để đạt được mục tiêu của dự án, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực đã được đưa lên hàng đầu. Trong giai đoạn 2013-2015, Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp tiếp tục hỗ trợ thành lập Trung tâm bảo quản và đào tạo cán bộ bảo quản cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia, với việc cử các cán bộ Việt Nam sang La Cambre thực tập. Ngược lại, các giảng viên của La Cambre cũng sang Việt Nam giảng dạy, trao đổi kinh nghiệm.

Theo ông Georges Dewispelere, Trưởng Khoa phục chế, bảo quản hiện vật nghệ thuật trường La Cambre, trong năm 2015, các chuyên gia của Đại học La Cambre sẽ sang làm việc tại Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh nhằm triển khai chương trình đào tạo đại học và sau đại học về bảo quản và phục chế hiện vật bảo tàng.

"Việt Nam có nhiều bảo tàng với những di sản văn hóa đồ sộ. Do đó, Việt Nam rất cần một đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn và phục chế với trình độ cao" - ông Georges Dewispelere cho biết.

Anh Nguyễn Văn Thịnh, giảng viên Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh cũng bày tỏ mong muốn sau chuyến thực tập tại Đại học La Cambre, những kinh nghiệm về bảo tàng của châu Âu sẽ được phổ biến rộng rãi cho các cán bộ Việt Nam để góp phần lưu giữ kho tàng văn hóa quý báu của quốc gia có bề dày lịch sử hàng nghìn năm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục