Bài 3: Học sinh, giáo viên căng mình ôn luyện cho nhiều kỳ thi
Khi mỗi trường đại học có nhiều phương thức xét tuyển và kỳ thi khác nhau, để tăng cơ hội đỗ cho học sinh, cả thầy và trò các trường phổ thông đang phải nỗ lực từng ngày, vừa học vừa ôn theo các dạng đề khác nhau của các kỳ thi.
Điều này càng trở nên khó khăn hơn khi năm học vừa qua, các em đã chịu tác động quá nhiều bởi dịch COVID-19.
Nghiên cứu đề thi thử, lập kế hoạch ôn riêng
Đặt mục tiêu nguyện vọng 1 vào Trường Đại học Kinh tế quốc dân, một trong những trường có điểm chuẩn cao nhất cả nước, Ngô Thế Hưng, học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho hay em sẽ xét tuyển bằng cả điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông và điểm bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.
“Em khá lo lắng và áp lực vì phải tham dự hai kỳ thi với hai hướng ra đề khác nhau. Tuy nhiên em sẽ cố gắng ôn tập để có thể có kết quả tốt nhất,” Hưng chia sẻ.
Theo thầy Nguyễn Hoàng Sa, giáo viên Trung học phổ thông Lương Thế Vinh, học sinh của trường là những em đã được chọn lọc đầu vào và có lực học tốt. Vì thế, trường đại học được các em hướng đến đều ở tốp đầu. Trong khi đó, theo công bố của các trường này, trong mùa tuyển sinh năm 2022, chỉ tiêu xét tuyển dành cho điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông khá ít và rất nhiều trường sử dụng điểm bài thi đánh giá năng lực. Vì thế, giáo viên và học sinh nhà trường phải tập trung ôn tập nhiều cho kỳ thi đánh giá năng lực.
Cụ thể, từ đầu năm học, trường đã họp các giáo viên lớp 12 để cùng nghiên cứu các phương thức xét tuyển, dạng đề mẫu mà các trường đưa ra, nắm bắt tinh thần, cách ra đề, cách đặt câu hỏi. Từ đó, các tổ bộ môn đưa ra phương thức dạy phù hợp để học sinh có khả năng làm bài tốt không chỉ trong kỳ thi tốt nghiệp mà các kỳ thi riêng. Trường Lương Thế Vinh cũng mời đại diện của Đại học Bách khoa Hà Nội đến để chia sẻ với giáo viên về những điểm mới trong tuyển sinh đại học năm nay và về kỳ thi kiểm tra tư duy của trường này.
Theo thầy Sa, đề các kỳ thi này không đơn thuần với các câu hỏi ở mức nhận biết, thông hiểu như đề thi tốt nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà nâng cao hơn, ở mức vận dụng và vận dụng cao, đòi hỏi học sinh phải tư duy để giải quyết vấn đề. Một điểm khó khác của bài thi đánh giá năng lực là yêu cầu kiến thức toàn diện với độ phủ rộng chương trình của không chỉ một môn mà nhiều môn, khác với việc xét tuyển theo tổ hợp chỉ gồm ba môn như điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Đề thi trích xuất từ ngân hàng câu hỏi lớn, không có giới hạn phạm vi kiến thức.
“Học sinh sẽ phải nắm vững toàn bộ kiến thức cơ bản của các môn và phải biết suy luận chứ không chỉ làm theo các bài mẫu và các dạng đề như cách ôn thi truyền thống. Để làm bài tốt, các em phải có năng lực thực sự và phải rất cố gắng,” thầy Sa nhận định.
[Biến động tuyển sinh đại học 2022: Thêm cơ hội, tăng áp lực]
Yêu cầu giáo viên nghiên cứu, phân tích để thi thử của các kỳ thi riêng như đánh giá năng lực, kiểm tra tư duy để xây dựng chương trình ôn tập cho học sinh cũng là yêu cầu được ban giám hiệu Trường Trung học phổ thông Hà Thành, Hà Nội, đặt ra với các giáo viên. Thầy Nguyễn Sáu Quyền, Phó hiệu trưởng nhà trường cho hay trường đã tập huấn cho các giáo viên xây dựng chương trình dạy và ra đề cương ôn tập cho học sinh bám sát cấu trúc đề thi của từng trường, đặc biệt là với các đề có yếu tố tích hợp liên môn, các câu hỏi liên quan đến ứng dụng thực tế.
Đánh giá năng lực thật để ôn thi hiệu quả
Những ngày này, học sinh các trường trung học phổ thông ở Hà Nội đang tổ chức thi giữa học kỳ hai - kỳ thi trực tiếp đầu tiên của các em trong năm học này. Theo thầy Nguyễn Sáu Quyền, kết quả thi trực tuyến ở học kỳ một khá cao nhưng chưa phản ánh đúng thực tế năng lực của học sinh.
“Vì vậy, việc thi trực tiếp và đánh giá đúng kết quả học thực chất của học sinh có ý nghĩa quan trọng để tránh trường hợp học sinh ảo tưởng về kết quả thi của mình, dẫn đến chủ quan đồng thời giúp thầy có kế hoạch ôn tập cho các em tốt hơn. Trường cũng tiến hành phân luồng học sinh theo năng lực để có cách ôn tập phù hợp với năng lực của các em,” thầy Quyền chia sẻ.
Cô giáo Nguyễn Thị Hà, Trường Trung học phổ thông Hà Thành cho hay đề thi giữa kỳ hai được các giáo viên biên soạn giống với mẫu đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông của năm 2021. Tuy nhiên, trong suốt quá trình dạy và học, các thầy cô cũng đưa ra các bài kiểm tra, giao bài tập theo cách ra đề và cấu trúc của đề thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.
“Riêng với môn tiếng Anh, chúng tôi không chỉ chú trọng về từ vựng, ngữ pháp để học sinh có thể làm tốt kỳ thi chung của Bộ và kỳ thi riêng của các trường mà còn chú trọng cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết để các em có thể dự thi các chứng chỉ quốc tế và có thêm cơ hội xét tuyển vào các trường,” cô Hà nói.
Để ôn tập hiệu quả cho học sinh, cô Trần Hương Giang, giáo viên tiếng Anh trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh thường xuyên giao tài liệu và các bài kiểm tra thử cho học sinh để các em làm quen với đề thi. Từ kết quả bài làm của học sinh, cô biết được học sinh hổng kiến thức nào, các kỹ năng, thao tác làm bài thi ra sao, còn sai sót ở đâu để có kế hoạch bù đắp, bổ sung cho các em.
“Năm nay thực sự quá áp lực vì học sinh gặp quá nhiều khó khăn. Suốt từ năm lớp 10 các em đã phải học xen kẽ trực tiếp và trực tuyến, năm lớp 12 hầu như phải học online, chỉ được học trực tiếp trong thời gian ngắn nhưng cũng không liên tục vì nhiều em F0, F1. Vì thế, thầy cô giáo và phụ huynh đều rất thương và rất lo lắng, cố gắng sát sao để các con có thể có kết quả thi tốt nhất,” cô Giang chia sẻ.
Với đặc thù riêng của khối 12 là phải vượt qua các kỳ thi cuối cấp và xét tuyển đại học căng thẳng, hiện hầu hết các trường đang nỗ lực để có thể kết sớm thúc chương trình học cho các em và chuyển hẳn sang giai đoạn ôn tập. Theo em Ngô Thế Hưng, dù kỳ thi đánh giá năng lực còn khá mới mẻ với học sinh nhưng các em lại có thể thi nhiều lần để vừa rút kinh nghiệm, vừa cải thiện điểm số.
“Em sẽ chia việc ôn tập theo các môn, các cuộc thi theo mức độ quan trọng khác nhau phù hợp với từng thời điểm khác nhau để giảm bớt sự căng thẳng,” Hưng chia sẻ.
Cậu học trò Trường Lương Thế Vinh cũng cho hay em đã lên chiến lược sắp xếp nguyện vọng theo mức độ giảm dần với nguyện vọng 1 là Đại học Kinh tế quốc dân, nguyện vọng 2 là Đại học Thương mại và thêm một nguyện vọng 3 làm một trường có điểm chuẩn thấp hơn để có mùa thi tuyển sinh thành công./.
Mời độc giả đón đọc cả chùm bài:
Bài 1: Bài thi đánh giá năng lực lên ngôi
Bài 2: Ma trận thông tin luyện thi đánh giá năng lực bủa vây thí sinh
Bài 3: Học sinh, giáo viên căng mình ôn luyện cho nhiều kỳ thi
Bài 4: Lo thí sinh ảo, Bộ GD-ĐT sẽ điều chỉnh quy chế tuyển sinh