Biến thể Omicron lây truyền nhanh qua đường hô hấp theo cấp số nhân

Nghiên cứu cho thấy so với biến thể Delta, Omicron tự nhân bản nhanh hơn 70 lần trong đường hô hấp, dẫn đến khả năng dễ lây lan thông qua tiếp xúc giữa người với người.
Biến thể Omicron lây truyền nhanh qua đường hô hấp theo cấp số nhân ảnh 1Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại East London, Nam Phi. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bản tóm tắt một số nghiên cứu về virus SARS-COV-2 gần đây cho thấy tốc độ lây truyền của biến thể Omicron nhanh theo cấp số nhân trong đường hô hấp nhưng lại chậm hơn trong môi trường phổi của con người.

Bản tóm tắt, gồm cả nghiên cứu chứng thực về các phát hiện này, hiện đang trong quá trình xem xét để công bố chính thức.

Theo các nhà nghiên cứu, những khác biệt lớn giữa Omicron và các biến thể khác của virus SARS-COV-2 có thể giúp đánh giá được khả năng tác động của biến thể mới này trong tương lai.

Cụ thể, nghiên cứu cho thấy so với biến thể Delta, Omicron tự nhân bản nhanh hơn 70 lần trong đường hô hấp, dẫn đến khả năng dễ lây lan thông qua tiếp xúc giữa người với người.

[Omicron có thể là biến thể lây nhiễm chính ở châu Âu trong tháng tới]

Tuy nhiên, trong môi trường phổi người, Omicron nhân bản chậm hơn 10 lần so với virus SARS-COV-2 gốc, điều này có thể lý giải việc người mắc biến thể này ít có nguy cơ chuyển nặng.

Trong một công bố về biến thể Omicron của Đại học Hong Kong, Tiến sỹ Michael Chan Chi-wa, Trưởng nhóm nghiên cứu, cho rằng điều quan trọng cần lưu ý là mức độ nghiêm trọng của người bệnh không chỉ được xác định thông qua tốc độ nhân bản của virus.

Ông cho rằng cần phải căn cứ vào cả phản ứng miễn dịch của người bệnh, vì đôi khi điều đó có thể dẫn đến tình trạng viêm nặng, đe dọa đến tính mạng.

Tiến sỹ Chan nêu rõ bằng cách lây nhiễm cho nhiều người, biến thể dễ lây truyền có thể gây bệnh nặng hơn và thậm chí là tử vong, dù bản thân nó ít có khả năng gây bệnh.

Do đó, các nghiên cứu gần đây của nhóm khoa học này đã chứng tỏ được rằng biến thể Omicron có thể né tránh được phần nào khả năng miễn dịch của vaccine và kháng thể được tạo ra sau lần mắc bệnh trước đó.

Theo các nhà nghiên cứu, Omicron gắn chặt hơn vào các tế bào và chống lại được một số kháng thể.

Mô hình cấu trúc về cách thức Omicron gắn vào tế bào và kháng thể giúp làm rõ phương thức hoạt động của biến thể này, cũng như tạo ra được các kháng thể trung hòa.

Thông qua việc sử dụng các mô hình máy tính để tìm hiểu về protein đột biến trên bề mặt biến thể Omicron, các nhà nghiên cứu đã phân tích được các tương tác phân tử diễn ra khi một đột biến này bám vào một protein bề mặt tế bào được gọi là thụ thể ACE2 -vốn được coi là  "cửa ngõ" để virus xâm nhập vào tế bào.

Theo cách nói ẩn dụ của nhà nghiên cứu Joseph Lubin thuộc Đại học Rutgers (New Jersey), biến thể Omicron có cấu tạo giống như "hai đôi bàn tay đan vào nhau."

Ông cho rằng việc "giải phẫu phân tử" của "bàn tay này" có thể giúp hiểu rõ cách thức các đột biến của Omicron liên kết với nhau để làm lây nhiễm sang các tế bào.

Nhóm nghiên cứu cũng lập ra mô hình về sự đột biến với các kháng thể khác nhau chống lại biến thể Omicron.

Ông Lubin cho biết các kháng thể tấn công biến thể này theo các cách khác nhau.

Ông nói rõ một số kháng thể có khả năng mất tác dụng, trong khi số khác vẫn có thể có hiệu quả. Việc tăng cường vaccine giúp làm tăng mức độ kháng thể, mang đến sự bảo vệ tốt hơn.

Nhà nghiên cứu này nói thêm những dự đoán về cấu trúc phân tử của nhóm nghiên cứu không phải là kết luận cuối cùng về Omicron, song ông hy vọng điều này có thể thôi thúc cộng đồng toàn cầu phản ứng nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Trong khi đó, một nghiên cứu được công bố trực tuyến trên tạp chí JAMA Network Open cho hay cứ 10 người nhiễm virus SARS-CoV-2 thì có 4 người có thể vô tình làm lây lan virus.

Những người bệnh không triệu chứng có thể làm gia tăng đáng kể sự lây truyền của virus này SARS-CoV-2 vốn đang chiếm 40,5% số ca mắc bệnh truyền nhiễm trên toàn thế giới.

Theo tổng hợp dữ liệu từ 77 nghiên cứu trước đó liên quan đến 19.884 bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng khoảng 40% trong số này là các trường hợp không có triệu chứng, 54% là phụ nữ mang thai, 53% người từng sử dụng máy bay hoặc du thuyền, 48% là người cao tuổi hoặc nhân viên ở viện dưỡng lão và 30% là nhân viên y tế hoặc bệnh nhân nhập viện.

Tỷ lệ các trường hợp nhiễm bệnh không triệu chứng là khoảng 46% ở Bắc Mỹ, 44% ở châu Âu và 28% ở châu Á.

Nhà nghiên cứu Min Liu và các đồng sự tại Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) cho biết tỷ lệ cao của các trường hợp nhiễm bệnh không có triệu chứng cho thấy rõ nguy cơ lây bệnh tiềm ẩn của các bệnh nhân không triệu chứng trong cộng đồng.

Theo nhà nghiên cứu, các nhà chức trách nên sàng lọc các trường hợp không triệu chứng và những người này "phải được kiểm soát giống như các trường hợp đã được xác nhận nhiễm bệnh, bao gồm cả cách ly và truy vết"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục