Bài 1: Biệt động Sài Gòn - Đội quân chiến đấu trong lòng địch

Biệt động Sài Gòn - “cú đấm thép” trong Xuân Mậu Thân 1968

Phóng viên TTXVN thực hiện chùm 5 bài viết về lực lượng Biệt động Sài Gòn và những chiến công hiển hách trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Biệt động Sài Gòn - “cú đấm thép” trong Xuân Mậu Thân 1968 ảnh 1Số vũ khí được cất giấu tại căn hầm số 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN)

Biệt động Sài Gòn-Gia Định là một bộ phận quan trọng của lực lượng vũ trang Sài Gòn-Gia Định (nay là Thành phố Hồ Chí Minh), ra đời như một tất yếu của cuộc chiến tranh nhân dân, là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, hoạt động chiến đấu giữa sào huyệt, trung tâm đầu não của địch.

Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là đỉnh cao của Biệt động Sài Gòn-Gia Định về nghệ thuật quân sự, tổ chức chỉ huy đánh địch ở đô thị với tinh thần dũng cảm tuyệt vời của các chiến sỹ cách mạng. Ra đời từ nhân dân, bám dân, hòa mình vào dân để xây dựng lực lượng và chiến đấu, Biệt động Sài Gòn-Gia Định đã xây dựng được những “căn cứ lòng dân” vững chãi, lập nên những chiến công vang dội, làm chấn động trong nước và thế giới.

Nhân kỷ niệm 55 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, trên cơ sở một số tư liệu, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, nhà nghiên cứu, phóng viên TTXVN thực hiện chùm 5 bài viết về lực lượng Biệt động Sài Gòn và những chiến công hiển hách trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, cũng như sự kế thừa, phát huy tinh thần cách mạng tiến công của Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.

Bài 1: Đội quân chiến đấu trong lòng địch

Biệt động Sài Gòn-Gia Định, đội quân được sinh ra từ nhân dân và tung hoành những nơi kẻ thù được bảo vệ nghiêm ngặt nhất, giữa trung tâm đầu não của địch. Đội quân được xây dựng và hoạt động bí mật nhằm đưa chiến tranh vào trong lòng địch, tạo cú đấm bất ngờ vào những vị trí được cho là an toàn nhất của Mỹ-ngụy.

Lực lượng bí mật

Tháng 4 năm 1965, tại Suối Dây (Tây Ninh), Khu ủy Sài Gòn-Gia Định họp quán triệt Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 11 và triển khai nhiệm vụ theo “Kế hoạch X.”

Quân khu Sài Gòn-Gia Định được giao nhiệm vụ xây dựng một lực lượng biệt động mạnh, có tổ chức thống nhất, chuẩn bị các điều kiện bảo đảm để có thể cùng một lúc bất ngờ công kích chiếm lĩnh các cơ quan đầu não của địch ở Sài Gòn-Gia Định khi có thời cơ chiến lược. Đoàn Biệt động F100 ra đời để đáp ứng nhiệm vụ ấy.

Trung ương cục, Bộ Tư lệnh Miền và Quân khu đã xác định 25 mục tiêu trọng điểm ở Sài Gòn, mà sau này 9 mục tiêu trong số đó được chọn là điểm tấn công vào mùa Xuân Mậu Thân 1968.

[Những “địa chỉ đỏ” ghi dấu chiến công biệt động Sài Gòn]

Do vậy, Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu đã chỉ đạo thành lập đơn vị A20 làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí từ căn cứ bên ngoài vào nội thành, A30 là đơn vị cất giấu vũ khí tại các cơ sở nội, ngoại thành, đồng thời xây dựng các “lõm căn cứ” ngay trong nội thành và vùng ven.

Trong điều kiện địch khủng bố ngăn chặn rất khốc liệt thì việc bí mật tổ chức vận chuyển vũ khí vào ém sẵn trong thành phố là công tác then chốt, đặc biệt quan trọng.

Khâu này đòi hỏi không chỉ dựa vào lòng dũng cảm, trí thông minh của mỗi cán bộ, chiến sỹ và các cơ sở quần chúng, của hệ thống hành lang đã xây dựng từ vùng giải phóng Củ Chi vào nội thành, mà còn đòi hỏi phải có năng lực chỉ huy hiệp đồng, biết phát huy sức mạnh của nhiều yếu tố khách quan, chủ quan để linh hoạt tổ chức vận chuyển trước các âm mưu, thủ đoạn ngăn chặn, đánh phá ngày càng quyết liệt của địch.

Theo Tiến sỹ Lê Hữu Phước (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn-Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), với niềm tin quần chúng sẵn sàng tham gia nổi dậy giành chính quyền, làm chủ khi lực lượng vũ trang cách mạng tiến công địch, Khu ủy chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức, từng đoàn thể, từng bộ phận.

Ban Tuyên huấn có nhiệm vụ tuyên truyền phát động quần chúng đấu tranh trên mặt trận dư luận, đưa người vào các cơ quan báo, đài để có thể ra báo công khai khi có điều kiện.

Ban Công vận giao lại cơ sở thuộc các ngành nghề cho quận, huyện lãnh đạo để khởi nghĩa ở địa bàn dân cư; riêng bộ phận Công vận nội thành trực tiếp lãnh đạo nổi dậy tại các nơi quan trọng như Nhà đèn Chợ Quán, Xí nghiệp Hỏa xa, Cư xá Đô Thành, xóm lao động Chuồng Bò...

Ban Phụ vận làm nòng cốt nổi dậy ở các phường, khóm, chợ, khu lao động... Ban Hoa vận có nhiệm vụ vận động đồng bào người Hoa nổi dậy và bố trí dẫn đường cho cánh quân Tây Nam đánh vào thành phố. Ban Trí vận hướng dẫn các cơ sở trong đội ngũ công chức, tư chức xuống đường hỗ trợ mũi tiến công quân sự.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II, tìm hiểu những câu chuyện lịch sử, chúng ta thấy: Biệt động Sài Gòn-Gia Định là lực lượng đặc biệt nhằm đáp ứng yêu cầu cách mạng trong từng giai đoạn lịch sử, lại hoạt động ở một chiến trường đặc biệt là nội thành Sài Gòn, trong thời gian chống Mỹ là thủ đô của kẻ thù, nơi chúng canh phòng cẩn mật, bố trí lực lượng dày đặc...

“Cho nên ngay từ khi mới ra đời, Biệt động Sài Gòn-Gia Định đã tuyệt đối giữ vững nguyên tắc bí mật. Lực lượng được tổ chức hoạt động đơn tuyến. Cán bộ, chiến sỹ tinh thông nhiều nghề nghiệp, am hiểu tập quán, phong tục nơi mình hoạt động, có năng lực giao tiếp, giao liên, làm tốt công tác binh vận, địch vận. Mỗi chiến đấu viên biệt động phải tự xây dựng cơ sở để tồn tại trong lòng địch, tham gia các phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng,” Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Dũng chia sẻ.

Thực tế, mỗi chiến sỹ muốn tồn tại và bám lấy chiến trường thì phải “ba hóa” (công khai hóa, có giấy tờ hợp pháp, địa phương hóa). Muốn phát triển được lực lượng và che mắt địch thì phải “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng với quần chúng đấu tranh). Qua đấu tranh mà phát hiện được người tích cực dũng cảm và kết nạp họ vào đội ngũ chiến đấu, góp sức huy động sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân… Họ luôn chấp nhận mọi hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh tính mạng, vì Tổ quốc, vì nhân dân mà chiến đấu.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan Xuân Biên (nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh), Biệt động Sài Gòn mang đặc trưng tiêu biểu của “bộ đội Cụ Hồ” với nguyên nghĩa của nó “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.”

Biệt động Sài Gòn ra đời và phát triển từ các cơ sở, phong trào quần chúng với sự tham gia tự giác của mọi tầng lớp xã hội.

Với đội ngũ đông đảo của công nhân, dân nghèo thành thị, lực lượng chiếm phần lớn thành phần cư dân Sài Gòn-Gia Định, luôn cần cù, giàu lòng nhân nghĩa, từng trải qua nhiều thế hệ chịu cảnh cơ cực của người dân nô lệ là nguồn nhân lực để xây dựng lực lượng biệt động, đồng thời là chỗ dựa vững chắc cho hoạt động thường xuyên của biệt động trong lòng địch.

Sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của đất nước

Việc lựa chọn cán bộ, chiến sỹ biệt động đưa vào các đội A20, A30 được Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu tiến hành rất cẩn mật theo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt.

Biệt động Sài Gòn - “cú đấm thép” trong Xuân Mậu Thân 1968 ảnh 2Bia tưởng niệm chiến sỹ Biệt động Sài Gòn hy sinh trong cuộc Tổng tiến công năm 1968 đặt trên đường Nguyễn Du, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN)

Đây là một lực lượng chiến lược rất đặc thù của thành phố Sài Gòn-Gia Định, được xây dựng hết sức công phu cả về cơ sở vật chất, con người và bảo đảm những nguyên tắc bí mật tuyệt đối, đóng một vai trò rất quan trọng vào thành công của những trận đánh ở nội thành.

Cán bộ của A20, A30 đã dũng cảm, mưu trí, được rèn luyện thử thách trong chiến tranh, vượt qua nhiều trở ngại, ác liệt do bom đạn, biệt kích, các cuộc càn quét, bắt bớ, khám xét của địch để thiết lập một mạng lưới đường dây liên lạc và cơ sở trú ém quân, cất giấu vũ khí, nuôi giấu thương binh...

Nhiệm vụ âm thầm lâu dài, gian khổ và nguy hiểm, các đồng chí đều phải là những cán bộ, đảng viên trung kiên. Tất cả đều phải có nghề nghiệp ổn định, đã tạo được “vỏ bọc” vững chắc, sống hợp pháp trong thành phố. Đây là tiêu chuẩn đầu tiên và quan trọng nhất để lựa chọn những người làm nhiệm vụ này.

Để thực hiện nhiệm vụ nổi dậy, tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền, ngay từ đầu năm 1967, Khu ủy đã cử nhiều cán bộ tăng cường vào đô thị Sài Gòn-Chợ Lớn nhằm gây dựng cơ sở, in truyền đơn, viết khẩu hiệu... chuẩn bị cho những mục tiêu lớn.

Trên cơ sở đó, gần 400 cơ sở cách mạng, “lõm chính trị” được hình thành ngay trong lòng đô thành Sài Gòn, điển hình như ở Nhị Tỳ Quảng Đông, đường Trần Quốc Thảo (Quận 3), đường Cao Đạt (Quận 5), đường Minh Phụng, Cây Gõ (Quận 6), Trường đua Phú Thọ (Quận 11)…

Từ tháng 6 năm 1967, Khu ủy Sài Gòn-Gia Định tổ chức lực lượng Thành đoàn thành 3 nhóm chính: Nhóm vũ trang, nhóm vũ trang tuyên truyền và nhóm chính trị công khai.

Trong đó, nhóm vũ trang có nhiệm vụ làm “thê đội 2” cho lực lượng biệt động tấn công vào các mục tiêu quan trọng của địch trong nội đô; nhóm vũ trang tuyên truyền có nhiệm phát động quần chúng diệt ác phá kềm, kiểm soát các địa bàn cơ sở; nhóm chính trị công khai có nhiệm vụ phối hợp với lực lượng thứ ba, với các giới, tuyên truyền, vận động quần chúng nổi dậy tiếp ứng cho lực lượng vũ trang nhằm chiếm lĩnh các mục tiêu quan trọng đã định sẵn.

Bên cạnh đó, lực lượng quần chúng yêu nước, nhất là nhân sỹ, trí thức được các tổ chức đảng như: Trí vận, Hoa vận, Công vận, Phụ vận... bí mật vận động, tập hợp trong các tổ chức công khai, bán công khai như Tổng hội Sinh viên, Tổng đoàn học sinh, Phong trào dân tộc tự quyết, Nghiệp đoàn ký giả, lực lượng Quốc gia tiến bộ, Hội ái hữu Nghệ sỹ, Nghiệp đoàn Giáo học tư thục Việt Nam, Nghiệp đoàn Giáo chức Cách mạng, Hội Kỹ sư và kỹ thuật gia Việt Nam...

Đây chính là đội quân chính trị hùng hậu để tham gia khởi nghĩa khi Tổng tiến công về quân sự nổ ra.

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, Sài Gòn-Gia Định đã “đi trước” một bước, hoàn thành xuất sắc công tác chuẩn bị lực lượng, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Cho đến trước cuộc Tổng tiến công, riêng trong nội thành đã có 11 đội biệt động cấp thành phố, 50 đội biệt động cấp quận, huyện và của các đoàn thể, nhiều tổ tự vệ, du kích mật.

Do nhiệm vụ chiến đấu đặc biệt nguy hiểm, khó khăn phức tạp nên tuyệt đại bộ phận cán bộ, chiến sỹ biệt động đều là công nhân hoặc xuất thân từ các gia đình công nhân giàu truyền thông yêu nước.

Là phụ nữ duy nhất trong 15 người được giao nhiệm vụ đánh trực tiếp vào Dinh Độc Lập ngày đó, bà Vũ Minh Nghĩa (biệt danh Chín Nghĩa, thành viên Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến khối vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn-Gia Đình) chia sẻ: “Những đồng đội của tôi đã hy sinh, góp phần cống hiến vào sự nghiệp độc lập tự do của dân tộc. Nhiều người từng hỏi tại sao là phụ nữ mà tôi lại gan đến thế, tôi nghĩ rằng, không chỉ riêng tôi, khi đất nước có chiến tranh thì dù là nam hay nữ cũng luôn sẵn sàng tham gia chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì nền độc lập, tự do của đất nước."

Biệt động Sài Gòn-Gia Định là đội quân sinh ra từ nhân dân, điển hình của lực lượng vũ trang nhân dân. Các chiến sỹ biệt động và lực lượng tham gia công tác bảo đảm vốn xuất thân từ con em lao động, học sinh, sinh viên, những tiểu thương, nghệ sỹ, công chức, mang trong mình khát vọng độc lập tự do, tự nguyện hiến dâng cuộc sống của mình cho cách mạng.

Tham gia vào biệt động tức là đối diện với cái chết, đối diện với tù ngục, nhưng  các chiến sỹ một lòng sắt son theo con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã chọn./. 

Bài 2: Biệt động Sài Gòn - Thành công từ thế trận lòng dân vững chắc

Bài 3: Lực lượng Biệt động Sài Gòn và những chiến công hiển hách

Bài 4: Biệt động Sài Gòn - Làm tròn sứ mệnh thiêng liêng đối với dân tộc

Bài cuối: Thành phố Hồ Chí Minh phát huy tinh thần cách mạng tiến công

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục