Biểu tình phản đối chính sách khắc khổ tại Hy Lạp

Những người phản đối tại Hy Lạp ngày 16/1 lại phát động một chiến dịch trên toàn quốc phản đối chính sách khắc khổ của chính phủ.
Các tổ chức công đoàn và những người phản đối tại Hy Lạp ngày 16/1 lại phát động một chiến dịch trên toàn quốc phản đối các kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" của chính phủ, trong đó có việc cắt điện của các hộ gia đình chưa thanh toán tiền điện trong mùa Đông khắc nghiệt do khủng hoảng kinh tế.

Theo Tập đoàn điện lực quốc gia (DEI) Hy Lạp, có khoảng 250.000 hóa đơn chưa được thanh toán trong 80 ngày qua. Khá nhiều hóa đơn này là thuộc các hộ gia đình có thu nhập thấp, đang phải chật vật kiếm sống trong bối cảnh chính phủ thực hiện các biện pháp khắc khổ nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng nợ trầm trọng gây nguy cơ phá sản cho Hy Lạp từ năm 2010.

Các công đoàn của DEI và thành viên các đảng cánh tả đã phong tỏa các tòa nhà của DEI, cản trở việc phát hành các hóa đơn tiền điện, gồm cả thuế tài sản khẩn cấp mới được áp dụng để bù đắp thâm hụt tài chính nhằm giúp Hy Lạp có thể giành được thêm sự hỗ trợ tài chính quan trọng từ các định chế tài chính quốc tế.

Theo thỏa thuận tháng 5/2010, Liên minh châu Âu (EU), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Hy Lạp đã đạt thỏa thuận về các khoản vay cứu trợ nhiều tỷ euro. Đổi lại, Athens phải thực hiện các biện pháp cải cách "thắt lưng buộc bụng," trong đó DEI bị buộc phải giải quyết nhanh chóng tình hình tài chính của mình. Từ ngày 1/1/2012, giá điện đã tăng trung bình 9,2 xu, khiến gánh nặng tài chính đè xuống người dân Hy Lạp càng lớn hơn.

Trong bối cảnh các nhà kiểm toán EU và IMF cùng đại diện các ngân hàng tư nhân dự kiến gặp nhau tại Athens trong vòng 48 giờ tới để bắt đầu một vòng đàm phán mới về việc giải ngân gói cứu trợ thứ 2 cho Hy Lạp đúng thời hạn vào tháng 3 nhằm tránh nguy cơ vỡ nợ, các tổ chức công đoàn tuyên bố sẽ tiến hành một cuộc mít tinh và đình công mới kéo dài 24 giờ tại trung tâm thủ đô Athens ngày 17/1 để phản đối các kế hoạch cải cách khắc khổ.

Trong khi đó, tại thủ đô Bucharest và một số thành phố khác của Romania cũng diễn ra các cuộc biểu tình phản đối mức sống sa sút cùng tình trạng cắt giảm lương và nợ lương hưu do chính phủ thực hiện cắt giảm chi tiêu theo yêu cầu của IMF và EU. Những người biểu tình thậm chí còn đòi Tổng thống Traian Basescu từ chức.

Trước tình hình này, Chính phủ Romania đã tiến hành một phiên họp khẩn cấp, trong đó Thủ tướng Emil Boc đã kêu gọi những người biểu tình từ bỏ bạo lực và chuyển sang đối thoại.

Năm 2010, Chính phủ Romania đã thông qua các biện pháp khắc khổ để cứu nền kinh tế thoát khỏi cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất trong 60 năm qua. Để giữ cho "con thuyền" Romania - một trong những nước nghèo nhất EU, không bị chìm, Bucharest đã nhận được gói cứu trợ của EU và IMF với điều kiện phải giảm 25% mức lương trong khu vực nhà nước, 15% mức lương hưu, đình hoãn hàng loạt chương trình phúc lợi xã hội và cắt giảm hàng trăm nghìn biên chế nhà nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục