Biểu tình phản đối phim phỉ báng đạo Hồi lan rộng

Khoảng 500 người biểu tình đã xông vào Đại sứ quán Anh và Đức tại Sudan, đốt phá một phần các tòa nhà này và gây thiệt hại nặng nề.
Ngày 14/9, làn sóng biểu tình phản đối bộ phim bị cho là có nội dung phỉ báng Nhà Tiên tri Mohammed tiếp tục lan rộng.

Tại thủ đô Khartoum của Sudan, khoảng 500 người biểu tình đã xông vào Đại sứ quán Anh và Đức đốt phá một phần các tòa nhà này và gây thiệt hại nặng nề. Cảnh sát đã phải phun vòi rồng để giải tán người biểu tình khi họ trèo lên mái nhà đại sứ quán giật quốc kỳ Đức, xé rách và thay vào đó bằng một lá cờ Hồi giáo.

Những người biểu tình còn phong tỏa những con đường chính dẫn đến Đại sứ quán Đức tại Khartoum để cản trở lính cứu hỏa. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle cho biết toàn bộ nhân viên đại sứ quán vẫn an toàn.

Sau khi bị cảnh sát giải tán khỏi hai đại sứ quán nói trên, đoàn người biểu tình tiếp tục kéo đến Đại sứ quán Mỹ, tại đây đã diễn ra đụng độ giữa lực lượng an ninh và những người biểu tình khiến ba người thiệt mạng.

Làn sóng biểu tình tương tự cũng diễn ra tại quảng trường Tahria, trung tâm thủ đô Cairo. Khoảng 1.000 người Ai Cập đã tham gia cuộc biểu tình theo lời kêu gọi của Tổ chức Anh em Hồi giáo, những thanh niên quá khích đã tấn công lực lượng an ninh ngay cạnh trụ sở Bộ Nội vụ, buộc cảnh sát phải dùng lựu đạn hơi cay để giải tán đám đông.

Trước đó, Tổ chức Anh em Hồi giáo đã phát đi lời kêu gọi biểu tình hòa bình tại các nhà thờ Hồi giáo trên toàn quốc để phản đối bộ phim nói trên. Lực lượng cảnh sát và an ninh của Ai Cập được huy động tối đa để giữ trật tự tại thủ đô.

Tại thành phố Sanaa của Yemen, lực lượng an ninh phải bắn chỉ thiên và sử dụng vòi rồng để giải tán đoàn người biểu tình xông vào Đại sứ quán Mỹ tại đây. Lực lượng an ninh đã phong tỏa mọi tuyến đường dẫn đến đại sứ quán để bảo vệ an ninh cho cơ quan này.

Trong khi đó, một nhà hàng KFC tại thành phố Tripoli ở Libya cũng đã bị tấn công và phóng hỏa. Nguồn tin an ninh cho biết một người đã thiệt mạng và 25 người bị thương trong làn sóng biểu tình nói trên.

Làn sóng biểu tình phản đối bộ phim phỉ báng Nhà Tiên tri Mohammed diễn ra ngay tại những nơi được cho là yên bình nhất của Afghanistan. Tại quận Ghanikhail, tỉnh Nangarhar, giáp thủ đô Kabul, hàng trăm người tụ tập trên đường phố yêu cầu nhà sản xuất bộ phim nói trên phải đền mạng. Đoàn người biểu tình giơ cao biểu ngữ "Người Mỹ phải đền tội," "Tiêu diệt kẻ thù của đạo Hồi."

Những giáo sỹ của bộ tộc Shinwari còn tuyên bố treo thưởng cho mạng sống của nhà sản xuất bộ phim phỉ báng Nhà Tiên tri Mohammed trị giá 100.000 USD.

[Quốc tế phản ứng vụ tấn công phái bộ ngoại giao Mỹ]


Các cuộc biểu tình tương tự cũng diễn ra tại thủ đô Amman của Jordan và khu vực ngoại ô thủ đô Tunis của Tunisia. Làn sóng biểu tình phản đối bộ phim tiếp tục lan sang các nước có nhiều người Hồi giáo sinh sống tại châu Á như Ấn Độ, Bangladesh và Indonesia.

Tại thành phố Chennai, miền Nam Ấn Độ, hàng trăm người biểu tình đã ném đá, đập phá cổng lãnh sự quán của Mỹ. Tại Bangladesh, khoảng 5.000 người Hồi giáo đã tuần hành khắp thủ đô Dhaka đốt cờ Mỹ và Israel, đồng thời yêu cầu chính phủ Mỹ phải xét xử nhà làm phim nói trên.

Tại Indonesia, quốc gia có đông người Hồi giáo nhất thế giới, khoảng 200 người đã biểu tình hòa bình bên ngoài Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Jakarta yêu cầu Mỹ trừng phạt nhà làm phim. Những người biểu tình bày tỏ sẵn sàng được chết để bảo vệ danh dự cho Nhà Tiên tri Mohammed.

Bộ phim nói trên có tiêu đề "Phiên tòa xét xử Mohammed," do một người Mỹ sản xuất. Phim mô tả Hồi giáo như một "căn bệnh ung thư" và có cảnh nói về mối quan hệ của đấng tiên tri Mohammed với phụ nữ. Bộ phim do một người Mỹ tên là Sam Bacile đạo diễn.

Đoạn băng quay bộ phim này đã được phát trên mạng Internet nhiều tuần qua. Nó càng nổi tiếng hơn khi được một mục sư người Mỹ là Terry Jones cổ súy. Ông là người đứng đầu một nhà thờ nhỏ ở bang Florida và từng ủng hộ việc đốt kinh Koran vào năm 2010, dẫn tới sự phẫn nộ trong khắp thế giới Hồi giáo và gây ra nhiều vụ bạo động làm nhiều lính Mỹ thiệt mạng tại Afghanistan. Ông đã nhận được cuốn băng của bộ phim trên và có ý định phát nó lên trang web của mình.

Bộ phim này là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc biểu tình chiều 11/9 của hàng nghìn người Ai Cập trước cửa Đại sứ quán Mỹ ở Cairo, và vụ tấn công đẫm máu vào Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Benghazi, miền Đông Libya cùng ngày làm bốn quan chức Mỹ thiệt mạng, trong đó có Đại sứ Mỹ tại Libya Christopher Stevens./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục