Loại quần áo tắm này đã nằm ở trung tâm một cuộc tranh cãi ngày càng gay gắt liên quan tới kế hoạch quản lý du lịch của những người Hồi giáo, cũng là một trong những lĩnh vực mang lại thu nhập chủ yếu cho Ai Cập.
Phát biểu với AFP tại một trạm bỏ phiếu, Saber cố tìm cách vạch ra một điểm mang tính tự do trong quan điểm của đảng anh về bikini. "Anh có quyền tự do làm gì tùy thích, chừng nào anh không gây hại tới tôi," Saber nói.
Người hướng dẫn viên du lịch ở Sharm el-Sheikh này tiếp tục giải thích rằng: "Một số hình ảnh có thể gây hại tới tôi. Ví dụ như phụ nữ mặc đồ tắm hai mảnh đi trên phố. Sẽ có những nơi đặc biệt dành riêng cho bikini."
Sau nhiều thập kỷ bị lép vế trước chế độ chuyên chế của những con người "trần tục", phong trào Anh em Hồi giáo giờ đã trỗi dậy, để rồi phải đối mặt trước các câu hỏi liên quan tới kế hoạch của họ trong việc thiết lập những điểm nghỉ dưỡng riêng biệt, nơi du khách có thể mặc bikini và uống rượu, vốn bị một số người coi là phi Hồi giáo.
Với việc những người siêu bảo thủ có thể đóng vai trò lớn trong quốc hội Ai Cập vào thời điểm khủng hoảng kinh tế đang diễn ra, các quan điểm của những người Hồi giáo về việc du khách được mặc thứ gì, uống thứ gì đang vấp phải sự chỉ trích, và người ta lo ngại chúng có thể gây hại tới ngành công nghiệp du lịch rất quan trọng của đất nước.
Đảng Tự do và Công lý (FJP) của phong trào Anh em Hồi giáo, dự kiến sẽ giành đa số phiếu bầu trong cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ hồi tháng 2 năm ngoái, đã hứa rằng họ sẽ không gây hại tới ngành du lịch.
Nhưng một số ứng viên của đảng đã làm tăng nỗi lo sợ khi kêu gọi cấm việc uống rượu và mặc bikini trên các bãi biển, buộc lãnh đạo đảng phải lên tiếng "sửa sai".
Essam al-Erian, phó chủ tịch đảng, nói rằng FJP sẽ không bình luận thêm về bikini. "Đó là một câu hỏi kỳ cục. Không thể xem xét hoạt động du lịch chỉ dựa vào bikini hoặc các chuyện tượng tự," ông nói với AFP.
Ứng viên của đảng ở vùng Sharm el-Sheikh, Ahmed Qassim, dường như cũng đã mệt mỏi trước chủ đề này. Ông nói rằng đã liên tục trấn an cử tri rằng người Hồi giáo sẽ khuyến khích du lịch.
"Chúng tôi đứng về phía ngành du lịch và chúng tôi không chống lại tự do cá nhân," ông nói.
Nhưng dọc theo bãi biển, các lao động trong nhiều khách sạn nói rằng họ rất quan ngại, nhất là khi những người Salafi siêu bảo thủ đã giành được hơn 20% phiếu bầu trong hai vòng đầu của cuộc bầu cử.
"Người dân ở đây rất lo lắng," Ahmed nói, trong khi tiến tới gần một du khách nằm tắm nắng và đề nghị họ tới dùng dịch vụ massage ở khách sạn của anh.
"Đặc biệt là từ phía Al-Nour (đảng chính của những người Salafi). Với phong trào Anh em Hồi giáo, ít nhất chúng tôi còn có thể bàn thảo," anh nói. "Nhưng những người Salafi hoàn toàn khác. Họ thường ngồi trong các thánh đường và nói rằng: Thượng đế ra lệnh điều này, Đấng tiên tri chỉ đạo điều nọ. Và giờ họ nhúng chân vào chính trị. Mọi thứ sẽ không thể hoạt động tốt được."
Chính phủ nói rằng Ai Cập đã sụt giảm gần 30% doanh thu từ du lịch trong năm 2011, do tin tức về các vụ bạo động chính trị chết người thường xuất hiện.
Chỉ có gần 10 triệu du khách viếng thăm Ai Cập trong năm 2011, theo số liệu của chính phủ. Sự sụt giảm này đã được cảm nhận rõ rệt hơn tại Cairo và Luxor, vốn chứa nhiều cổ vật của Ai Cập.
Phần lớn lao động tại các khách sạn ở Sharm el-Sheikh đã bỏ phiếu ở quê nhà, tại các tỉnh như Cairo hay Beheira, và một số nói rằng họ bỏ phiếu cho phong trào Anh em Hồi giáo.
"Tôi bỏ phiếu cho Anh em Hồi giáo. Tôi không nghĩ rằng họ sẽ phá hoại ngành du lịch," Yassir nói khi đứng tại một ki ốt bên bãi biển để đưa khăn tắm cho du khách - "Họ rất mềm dẻo. Họ đã tham gia chính trị trong một thời gian dài".
Bộ trưởng Du lịch Munir Fakhry Abdel Nur, người đã phác thảo các kế hoạch chấn hưng ngành này, đã xem nhẹ nguy cơ người Hồi giáo gây ảnh hưởng tới hoạt động du lịch.
"Những người đó đang nuốt lời. Họ đang thay đổi các bài diễn văn của mình. Và nếu họ không làm vậy thì việc phát ngôn luôn dễ dàng, nhất là khi anh không nắm quyền. Nhưng khi anh đã nắm quyền, anh phải có trách nhiệm và chịu trách nhiệm," ông nói với AFP.
"Tôi không nghĩ người ta có thể làm gì khi thiếu ngành du lịch ở Ai Cập, vốn có thể dễ dàng đạt mốc 25 triệu du khách trong vòng 5 năm," ông nói./.
Gia Bảo (AFP/Vietnam+)