Bịt kẽ hở, ngăn chặn hành vi lẩn tránh thuế và gian lận xuất xứ

Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ sẽ giúp khai thác hiệu quả các cam kết quốc tế, phát triển bền vững xuất nhập khẩu.
Bịt kẽ hở, ngăn chặn hành vi lẩn tránh thuế và gian lận xuất xứ ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: Xuân Quảng/Vietnam+)

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 824/QĐ-TTg ban hành Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ.”

Mục tiêu của Đề án nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, bảo đảm thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các cam kết trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các Hiệp định Thương mại tự do đã ký kết.

Bên cạnh đó, đề án cũng nhằm ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là gian lận xuất xứ hàng hóa; ngăn chặn hiện tượng Việt Nam bị lợi dụng làm điểm trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa sang nước thứ ba theo hướng toàn diện, đồng bộ và kịp thời, giúp khai thác hiệu quả các cam kết quốc tế, phát triển bền vững xuất nhập khẩu đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính của Việt Nam.

[Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói về vụ việc gắn nhãn hàng Việt của Asanzo]

Các nhóm giải pháp và kế hoạch triển khai của Đề án tập trung bao gồm, tăng cường quản lý, giám sát các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài cũng như nâng cao nhận thức, hiệu quả thực thi các quy định pháp luật về phòng vệ thương mại, xuất xứ, hải quan, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Đề án cũng yêu cầu rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ quan đó ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa.

Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu, Việt Nam cần tiếp tục tạo môi trường đầu tư, sản xuất thông thoáng nhằm nắm bắt cơ hội từ các luồng đầu tư mới, nâng cao năng lực sản xuất trong nước, khuyến khích xuất khẩu, đặc biệt đối với các ngành, lĩnh vực mà ta có lợi thế so sánh, có chủ trương khuyến khích đầu tư. Mặt khác, cần tăng cường các biện pháp quản lý nhằm dự báo, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ để phát triển bền vững sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu.

Yêu cầu này ngày càng trở nên cấp thiết khi xu thế bảo hộ tiếp tục có xu hướng gia tăng tại nhiều nước trên thế giới, xung đột thương mại Mỹ-Trung diễn biến phức tạp.

"Vì vậy, để thực hiện chủ trương này, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 824/QĐ-TTg ban hành Đề án 'Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ'," đại diện Bộ Công Thương cho hay

Được biết, Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài. Cụ thể là thực hiện cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ thông qua hoạt động xuất nhập khẩu và đẩy mạnh chống gian lận xuất xứ hàng hóa thông qua việc tăng cường hiệu quả công tác cấp và kiểm tra C/O.

Đề án cũng chú trọng việc nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước thông qua hoàn thiện quy định xem xét, giải quyết việc đăng ký đầu tư nước ngoài (kể cả sáp nhập, mua lại) và quản lý các dự án đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ hoặc bị điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Bên cạnh đó, Đề án cũng lưu ý việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh tình trạng phụ thuộc quá lớn vào một thị trường để giảm thiểu tác động tiêu cực việc bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, đồng thời tăng cường nguồn lực, năng lực theo dõi, cảnh báo và ứng phó với tình trạng lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ…./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục